Cẩn trọng khi mua sâm Ngọc Linh bán tràn lan trên mạng
SeABank được vinh danh 2 sản phẩm dịch vụ, tài chính tiêu biểu và top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam
Thu hồi giấy xác nhận trồng sâm Ngọc Linh không chính xác
Sâm Ngọc Linh TuMơRông Kontum tặng quà 'người hùng' Nhâm Mạnh Dũng
Sâm Ngọc Linh giá rẻ bán rầm rộ trên mạng
Từ xa xưa sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo của Việt Nam vì quý hiếm, dược tính cao. Nhiều năm qua, hạt, hoa, lá, củ sâm đều quý và giá tăng cao tới vài chục triệu đồng một củ. Nhưng gần đây, chúng được đăng bán rầm rộ trên mạng với giá chỉ vài trăm nghìn đồng một củ hoặc một cây.
Anh Hòa ở Lai Châu đang rao bán 2 kg sâm Ngọc Linh loại trên 7 năm tuổi với giá bán lẻ 250.000 đồng một củ và cho biết mỗi tháng có vài kg. Theo anh này, đây là giống sâm Ngọc Linh được anh nhập từ Kon Tum khi mới vài tháng tuổi và đem về Lai Châu trồng nhiều năm qua.
"Vườn nhà tôi khoảng vài nghìn cây, mỗi tháng cho 1-2 kg để bán ra thị trường. Khách có thể kiểm tra chất lượng mới thanh toán. Số lượng hạn chế nên nếu khách mua chậm sẽ không có hàng", anh Hòa nói.
Tương tự, một đầu mối khác tại Lai Châu cũng rao bán loại 5 năm tuổi với giá 300.000 đồng một củ. Ông này cho biết vì là hàng trồng nên giá rẻ hơn so với lấy từ rừng. Loại này có trọng lượng 50-70 gram một củ. Ngoài bán củ, ông còn bán cây giống loại 3-4 năm tuổi với giá chỉ khoảng 200.000 đồng và combo 10 hạt giống sâm Ngọc Linh khoảng 50.000 đồng.
Sâm Ngọc Linh giá rẻ bán tràn lan trên mạng. Ảnh: VnExpress
Không chỉ trên mạng xã hội, tại các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, củ, cây giống và hạt sâm Ngọc Linh cũng được rao bán với giá vài trăm nghìn đồng. Đặc biệt, tại các cửa hàng online, giá bán khoảng 200.000-300.000 đồng một cây 4 năm tuổi. Loại trên 5 năm tuổi bao gồm cả củ và lá nặng tới 250 gram giá là 649.000 đồng. Đây là mức giá rẻ gấp 80-85 lần so với loại sâm Ngọc Linh bán tại các công ty ở Kon Tum.
Khi hỏi về giấy kiểm định sâm Ngọc Linh, các cơ sở bán hàng này đều cho biết chưa có. Một số khác hứa gửi giấy kiểm định sau nhưng cuối cùng đều không phản hồi.
Trong khi đó, theo ghi nhận của VnExpress tại các nhà vườn sâm Ngọc Linh ở Kon Tum, giá bán mỗi hạt dao động 110.000-120.000 đồng. Loại cây giống một năm tuổi có giá 280.000 đồng, 2 năm là 600.000 đồng, 3 năm là 1,2-1,5 triệu đồng, loại 4 năm tuổi là 2 triệu đồng.
Với sâm củ, loại có trọng lượng 50-70 gram, giá bán 7-12 triệu đồng 100 gram. Loại củ trọng lượng trên mức này có giá 14-15 triệu đồng 100 gram. Riêng với loại nặng 200 gam một củ, giá lên tới 30 triệu đồng 100 gram. Tuy nhiên, loại có trọng lượng lớn này rất hiếm và đa phần các hộ dân phải trồng trên 15 năm tuổi hoặc khai thác tự nhiên mới có hàng bán ra thị trường.
Sâm Ngọc Linh rao bán trên mạng với giá rẻ đa phần là củ tam thất, không đảm bảo chất lượng
Bà Đặng Thị Kim Thảo - nhà vườn sở hữu 2.000 cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum - cho rằng hàng rao bán trên mạng với giá rẻ đa phần là củ tam thất Trung Quốc hoặc sâm Lai Châu (chứa saponin rất thấp). Còn củ sâm Ngọc Linh tại Kon Tum giá rất cao vì chứa 52 loại saponin quý hiếm và chỉ chúng mới có hoạt chất MR2.
Saponin là chất có lợi cho sức khỏe. Sâm nào chứa hàm lượng saponin càng nhiều càng có chất lượng tốt. Theo Trung tâm nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh, các loại sâm của Triều Tiên, Hàn Quốc chỉ có khoảng 26 saponin với cấu trúc hóa học thông thường, còn sâm Ngọc Linh của Việt Nam có đến 56 saponin (nhiều hơn gấp đôi).
Còn MR2 là hợp chất saponin dammaran chứa ocotillol với majonosid-R2, chiếm hơn 50% hàm lượng saponin trong sâm. Chất này giúp sâm Ngọc Linh có thể bào chế thành các dược liệu để trị được nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do vậy, đây được xem là loại sâm quý nhất thế giới.
Quan sát các sản phẩm mà người bán đăng, bà Thảo cho biết nhìn sơ về hình ảnh chúng khá giống nhau nhưng tìm hiểu kỹ sẽ thấy lá, thân, hoa và rễ hoàn toàn khác. "Lá sâm Lai Châu thường to, tròn. Còn lá Ngọc Linh dài, mỏng manh, thân xanh (1 số cây rừng có thân hơi tím ). Lá sâm Ngọc Linh giả có mặt trước nhiều lông còn mặt sau ít lông hơn hàng thật", bà Thảo nói.
Về rễ củ, sâm Ngọc Linh thật có các mắt lõm sâu vào thân, không tròn hẳn và mọc lệch nhau. Khi rửa sạch củ có màu vàng nâu hoặc màu xanh xám. Trong khi sâm giả, các mắt dày, mọc thẳng hàng.
Ngoài ra, bà này cho biết loại sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi tại vườn trồng tự nhiên, củ to nhất cũng chỉ khoảng 100 gram, nhưng trên các trang mạng nhiều củ nặng tới 250 gram. Điều này cho thấy sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nếu giống có nguồn gốc Ngọc Linh thì đây là hàng sử dụng chất kích thích mới có thể tạo củ có trọng lượng lớn như vậy.
Đồng quan điểm, ông Trần Đức An, Giám đốc Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông (Kon Tum), cho biết vườn sâm nhà ông dù có kỹ sư chăm sóc với đầy đủ kỹ thuật, tỷ lệ sống sót không nhiều. Mỗi năm, sản lượng cho thu hoạch tại vườn thấp, còn trên các trang mạng, muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có. Nhiều cơ sở còn xếp hình hàng trăm củ sâm với đủ dáng bonsai và bán giá "rẻ như cho". Thực tế, ông An cho rằng đa phần là củ tam thất Trung Quốc đội lốt sâm Ngọc Linh.
Để phân biệt sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng nên quan sát kỹ, loại sâm này có bề mặt vỏ xù xì, thô ráp do sinh trưởng trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, trong khi vỏ của các loại sâm khác có độ bóng mượt hơn, không có điểm thắt.
Cấu tạo rễ của sâm Ngọc Linh là rễ chùm phân bổ dọc theo thân, rễ chính và rễ phụ bám và phát triển từ các đốt. Trong khi các loại sâm khác có thân trơn và rất ít sợi rễ.
Trọng lượng của sâm Ngọc Linh lớn nhất chỉ khoảng 300 - 500 gram, cầm chắc tay, nhìn củ bé nhưng trọng lượng nặng, trái ngược với các loại sâm khác cầm xốp tay, nhìn củ to nhưng trọng lượng nhẹ, có củ lên tới 3kg.
Ngoài ra mùi vị sâm Ngọc Linh là đắng gắt, sau đó ngọt thanh và thơm, giòn không có xơ, trong khi các loại khác khi thưởng thức sẽ có vị dai, đắng gắt và ngái, không thanh ngọt và ăn thấy rát cổ.
Người tiêu dùng cũng lưu ý, hiện nay một số loài cây hình dáng bên ngoài rất giống với sâm ngọc linh tự nhiên đó là củ tam thất hoang và củ ráy rừng. Củ tam thất hoang có hình dáng ngoài cũng khá mảnh, có các đốt, mắt rất giống với Sâm Ngọc Linh, tuy nhiên tam thất có hương nồng hơn, có vị đắng và hơi ngứa ở đầu lưỡi chứ không thơm, ngọt thanh ở hậu như sâm Ngọc Linh.
Củ Ráy rừng là một loài cây hoang dại, hình dáng bên ngoài cũng khá giống sâm Ngọc Linh, tuy nhiên hương vị hoàn toàn khác nhau, củ ráy cũng là loài thảo dược có tác dụng chữa một số bệnh dân gian.
Đặc biệt, một loại giả cao cấp rất giống với sâm Ngọc Linh tự nhiên đó là một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (chi nhân sâm). Hiện tại, chưa thể định danh được loài này, người ta tạm gọi tên là sâm 1A. Tuy nhiên, khi có kết quả xét nghiệm DNA, đây rất có thể là một loài mới chưa từng công bố ở Việt Nam. Nó có DNA giống với sâm Ngọc Linh tới 97%. Nếu người tiêu dùng mua phải loại này thì vẫn còn khá may mắn vì dù sao nó cũng chắc chắn không độc hại gì, hơn nữa loài này giống như sâm Ngọc Linh sát nhau về di truyền nên cũng có lợi cho sức khỏe.
An Dương (T/h)