Sản xuất, buôn bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử có thể xử phạt 15 năm tù

author 13:16 09/04/2025

(VietQ.vn) - Trước tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng gia tăng, thủ đoạn tinh vi trên thương mại điện tử Bộ Công an đề xuất phạt 10-15 năm tù đối với các đối tượng vi phạm.

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt và một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo Điều 192 của dự thảo, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ bị phạt tù 1-5 năm, hoặc phạt tiền 200 triệu - 2 tỷ đồng (hiện hành 100 triệu - 1 tỷ đồng) nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác từ 31% đến 60%; thu lời bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng (gấp đôi luật hiện hành); gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng (gấp đôi luật hiện hành).

Đặc biệt, ở khung hình phạt này, Bộ Công an đề xuất tình tiết mới là sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 tài khoản đến dưới 2.500 tài khoản theo dõi. Trong khi đó, nếu sử dụng các nền tảng thương mại điện tử có từ 2.500 tài khoản đến dưới 12.500 tài khoản theo dõi để sản xuất, buôn bán hàng giả, mức phạt sẽ là 5-10 năm tù. Trường hợp có từ 12.500 tài khoản theo dõi, Bộ Công an đề xuất mức phạt 10-15 năm tù.

Ở Điều 193, Bộ Công an đề xuất tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt 2-5 năm tù (bằng với luật hiện hành). Tuy nhiên, ở khung hình phạt 5-10 năm tù, Bộ Công an đề xuất tình tiết tăng nặng là hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên.

Sản xuất, kinh doanh hàng giả sẽ xử phạt nghiêm lên đến 15 năm tù. Ảnh minh họa

Liên quan tới tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử những ngày qua, thông tin Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog và 3 người khác bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam đã khiến dư luận dậy sóng. Tuy vậy, khi xuất hiện thông tin những người có ảnh hưởng trên mạng (KOLs) quảng cáo lừa dối khách hàng, bán hàng giả… lại chưa thấy sàn thương mại điện tử lên tiếng, cũng như chịu trách nhiệm.

Theo tìm hiểu, những phiên livestream doanh thu từ vài tỉ đến trăm tỉ đồng sẽ đem đến nguồn thu không nhỏ cho các sàn thương mại điện tử. Các sàn đều có chính sách thu phí nhất định với giao dịch thực hiện hành công hoặc phát sinh.

Các sàn thương mại điện tử đều khẳng định việc đăng tải sản phẩm của nhà bán hàng hoạt động trên sàn, cũng như có đội ngũ chuyên trách để thực thi các chính sách và áp dụng chế tài, bao gồm: gỡ bỏ sản phẩm, tạm thời đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà bán hàng trong từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, cũng chính các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cũng là nơi "hồi sinh", "tẩy trắng" cho các "chiến thần". Trong năm 2024 vừa qua, một chiến thần livestream bị cơ quan chức năng kiểm tra kho hàng và phát hiện nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc. Sau đó, "chiến thần" này vẫn tiếp tục livestream thường xuyên trên các chợ online.

TS Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing - Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội), nhấn mạnh sàn thương mại điện tử cần có quy chế kiểm soát chất lượng hàng hóa thông qua bộ lọc. Nếu lực lượng chức năng vào cuộc phải khóa ngay tài khoản vi phạm, tránh tình trạng sau khi bị xử phạt hành chính lại "tẩy trắng" và quay trở lại bán sản phẩm. 

Chợ truyền thống, siêu thị đều phải chịu trách nhiệm liên đới về chất lượng hàng hóa. Do vậy, các chợ online cũng cần phải chịu trách nhiệm nếu người bán trên sàn vi phạm, thay vì chọn cách im lặng.

Những loại hàng hóa được coi là hàng giả

Nghị định 98/2020/NĐ-CP ban hành ngày 26/08/2020 thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP xác định có 6 loại hàng hóa dưới đây bị coi là hàng giả:

Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.

Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016. Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng.

Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang