Sáp “lạ” trên trái cây Trung Quốc?

author 07:27 22/09/2014

Nhiều loại trái cây Trung Quốc đang được bán tại Việt Nam để nhiều tháng mà vẫn trông ngon mắt, vỏ trái mượt mà. Một số chuyên gia cho biết: có thể đó là một loại sáp, nhưng nó thực chất là gì, có độc hại cho sức khỏe hay không thì chưa thể biết được, vì Việt Nam thiếu thuốc thử để kiểm tra hóa chất.

Khắp các chợ tại TP.HCM và Hà Nội đều bày bán các loại táo, lê, cam… nhập từ Trung Quốc (TQ). Nhiều người tiêu dùng mua về, để thử năm-sáu tháng mà trái vẫn tươi. Tiến sĩ (TS) Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đặt vấn đề: “Trái cây được vận chuyển hai ngàn cây số từ cửa khẩu về TP.HCM bằng xe lạnh, sau đó bán dưới trời nắng 34-350 mà hàng tháng trời không héo, lạ thật!”. Nhiều bạn đọc cũng thắc mắc: trái cây TQ có bề ngoài khá bóng mịn, vì sao?

Theo TS Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Công nghệ sau thu hoạch, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhiều khả năng trái cây TQ đã được can thiệp bằng các loại hóa chất sau khi thu hoạch. Bề mặt những loại trái cây này thường sáng bóng như thể được phết một lớp dầu nhẹ, chính là chất bảo quản dạng sáp. Lớp sáp này sẽ tạo thành lớp màng cực mỏng bao phủ bề mặt trái cây, ngăn nấm, mốc, vi khuẩn xâm nhập, đồng thời tránh cho trái cây trao đổi chất với môi trường.

Chất gì đang được sử dụng làm trái cây TQ láng mịn, tươi lâu? - Ảnh: Phùng Huy

Cách đây hai năm, các trang mạng xã hội TQ đã lan truyền thông tin trái cây ở nước này được phủ sáp nến công nghiệp. Đến nay, loại chất dạng sáp được phủ trên trái cây TQ là chất gì thì vẫn chưa rõ. TS Phong nói: “Sử dụng sáp thông thường để bảo quản trái cây thì sẽ không có hại. Chất sáp này có thể được chiết xuất từ thành phần tự nhiên như sáp ong hay từ trái dưa leo…

Tuy nhiên, loại sáp từ nguồn gốc tự nhiên nói trên không phổ biến và giá thành khá cao. Do đó, để tăng hiệu quả bảo quản lâu, chi phí thấp, trái cây từ TQ có thể đã được “bao bọc” bằng một loại sáp pha trộn các hóa chất khác. Chính những hóa chất “ẩn mình” này làm khó các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm. Muốn phát hiện hóa chất được sử dụng trên trái cây là gì, phải có đủ chất thử”. Ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, mới đây cũng đã lên tiếng thừa nhận, có trên 2.000 loại hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, nhưng hiện Việt Nam chỉ mới kiểm nghiệm được 600 chất.

Theo TS Phong, hiện các phương pháp kiểm tra nhanh tại cửa khẩu hay ở các chợ đầu mối chỉ có thể phát hiện được 9-10 loại hóa chất, chất bảo quản thông thường. Máy móc hiện đại hơn cũng không phát hiện được hết các loại chất khác vì cần có những hóa chất kèm theo để thử phản ứng. Mỗi máy kiểm tra lại chỉ có thể nhận diện một số chất nhất định, trong khi thực tế có cả “rừng” chất bảo quản khác nhau. Điều này giải thích vì sao Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn lấy mẫu trái cây TQ để kiểm tra từ cách đây ba-bốn năm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Được biết, sắp tới Cục An toàn thực phẩm và cơ quan chức năng TQ sẽ có cuộc làm việc để thống nhất việc trao đổi thông tin, trong đó, Việt Nam yêu cầu TQ cung cấp danh mục thuốc bảo vệ thực vật và liều lượng dùng để kiểm soát. Liệu điều này có được thực hiện triệt để? Năm 2013, có 17 lô hàng nông sản thực phẩm (gồm các loại trái cây như chanh, nho, táo, hồng, cam, quýt, củ cải, cà rốt...) từ TQ xuất sang Việt Nam có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng. Khi ấy, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản nước ta đã có công văn yêu cầu Cục An toàn thực phẩm xuất khẩu TQ truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa thấy bất cứ phản hồi nào từ phía TQ.

Theo PhunuTPHCM

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang