Siết chặt chất lượng vật liệu xây dựng nhập khẩu nâng cao năng lực sản xuất nội địa
Nâng cao chất lượng sản phẩm giảm thiểu nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ
Lâm Đồng đưa nông sản chất lượng cao chinh phục thị trường quốc tế
Hà Nội phát triển nhân lực chất lượng cao cho sản xuất công nghiệp chủ lực
Dự kiến mở rộng thí điểm hơn 3.300ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vụ Đông Xuân
Những khó khăn trong ngành vật liệu xây dựng
Ngành vật liệu xây dựng bao gồm các sản phẩm chủ lực như xi măng, thép xây dựng, kính xây dựng, gạch ốp lát và sứ vệ sinh, đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển cơ sở hạ tầng, nhà ở và đô thị hóa. Tuy nhiên, sự sụt giảm nhu cầu đã dẫn đến tình trạng đình trệ trong sản xuất, đặc biệt là kính xây dựng.
Ngành vật liệu trong nước được đầu tư nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh với vật liệu nhập khẩu. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, thị trường kính xây dựng hiện nay tiếp tục đối mặt với tình trạng hàng nhập khẩu trôi nổi về được bán “phá giá” thấp hơn giá thành sản xuất. Do đón các nhà máy sản xuất trong nước như các nhà máy kính Chu Lai CFG, kính Việt Nhật VFG, kính Bình Dưng VIFG... sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
Theo Bộ Xây dựng, từ năm 2023 đến giữa năm 2024, ba nhà máy kính lớn như Viglacera tại Bình Dương, Chu Lai tại Quảng Nam và Tràng An tại Ninh Bình đã phải ngừng sản xuất trong hơn sáu tháng. Việc này đã gây tổn thất nặng nề cho các doanh nghiệp, khi sức ép từ hàng nhập khẩu giá rẻ đang làm cho sản phẩm nội địa khó cạnh tranh.
Trước bối cảnh trên, Hiệp hội Kính xây dựng Việt Nam cũng đã liên tiếp kiến nghị thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng, có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho doanh nghiệp. Cùng với đó cũng mong muốn có sự kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu kính xây dựng; Xem xét hạn chế nhập khẩu kính xây dựng đã qua gia công, bằng biện pháp áp thuế theo phương thức tính thuế dựa trên trọng lượng nhập khẩu, tùy theo xuất xứ của hàng nhập khẩu... nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất kính trong nước.
Đặc biệt, thời gian gần đây, các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng ngày càng đa dạng về chủng loại và tăng nhanh về số lượng. Tuy nhiên, việc hướng dẫn các chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tuân thủ đầy đủ các quy định quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng vẫn chưa được hoàn thiện.
Do đó, dẫn đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vật liệu xây dựng, gây ra nguy cơ làm suy giảm chất lượng công trình xây dựng, tác động đến việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trong nước, trong đó có ngành sản xuất kính trong nước.
Giải pháp hỗ trợ ngành vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn
Tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương; và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng cũng đã giao cụ thể Bộ Xây dựng rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp cụ thể về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng, nhập khẩu, đảm bảo phù hợp với những quy định trong tự do thương mại của WTO.
Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, và hàng giả tràn lan, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình xây dựng, vào ngày 1/11/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Thông tư này sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ chất lượng kính nhập khẩu, giảm thiểu kính kém chất lượng tràn vào thị trường, tạo điều kiện phát triển ổn định cho các doanh nghiệp nội địa.
Thông tư quy định rõ ràng các thủ tục kiểm tra chất lượng đối với kính nhập khẩu, từ đăng ký kiểm tra Nhà nước đến việc kiểm nghiệm kỹ thuật. Người nhập khẩu sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm mình đưa vào thị trường, đồng thời phải thực hiện các kiểm định cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
Bên cạnh đó, để ngành vật liệu xây dựng trong nước phát triển bền vững, ông Phạm Văn Bắc - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xây dựng cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho các sản phẩm vật liệu mới, tiên tiến, có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, an toàn với môi trường. Các chiến lược phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần được rà soát, điều chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm phù hợp các giai đoạn của đất nước.
Đồng quan điểm, ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, đầu tư công là động lực chính cho sự phát triển của ngành vật liệu xây dựng. Các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành cần được đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo nhu cầu lớn cho thị trường vật liệu xây dựng.
Về phía các doanh nghiệp, ông Dũng khuyến nghị, sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội cho ngành vật liệu xây dựng trong việc phát triển các loại vật liệu mới, vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường. Những vật liệu như gạch bê tông khí chưng áp, kính tiết kiệm năng lượng, hay các loại vật liệu tái chế đang trở thành xu hướng trong ngành xây dựng hiện đại. Việc sử dụng các loại vật liệu mới không chỉ giúp giảm áp lực lên nguồn cung truyền thống mà còn đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững.
“Doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá và khuyến khích sử dụng các loại vật liệu này thông qua các chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ vốn”, ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh việc tập trung vào thị trường nội địa, việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là một giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn. Thị trường xuất khẩu mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu xây dựng tại các quốc gia đang phát triển ngày càng tăng cao.
Để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp cần đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tìm kiếm các đối tác kinh doanh mới tại các thị trường tiềm năng. Trong quá trình đó, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do, giải quyết các rào cản thương mại và thúc đẩy xúc tiến thương mại tại các thị trường mới.
“Để giúp các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn, Chính phủ cần đưa ra các gói hỗ trợ tài chính, bao gồm giảm lãi suất, giãn nợ, hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi. Điều này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất, đầu tư vào công nghệ mới và mở rộng thị trường. Ngoài ra, cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những đơn vị đang gặp nhiều khó khăn nhất trong bối cảnh hiện nay. Sự hỗ trợ kịp thời sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Những biện pháp đồng bộ từ Chính phủ và doanh nghiệp sẽ giúp ngành vật liệu xây dựng không chỉ vượt qua những khó khăn trước mắt mà còn phát triển bền vững trong tương lai, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Duy Trinh (t/h)