Sính hàng thùng: Rước họa vào thân

author 06:25 04/11/2014

(VietQ.vn) - Sính ngoại là tâm lý tiêu dùng đã ăn sâu vào khá nhiều người dân Việt. Tuy nhiên, rất ít người trong số họ nhận ra rằng dùng hàng thùng có thể rước họa vào thân.

Hàng thùng chưa bao giờ "ế"

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có quy định về việc không được phép nhập quần áo hàng thùng vào Việt Nam, thế nhưng tình trạng buôn bán mặt hàng này vẫn diễn ra công khai.

Hàng thùng giá rẻ thu hút người dân

Hàng thùng giá rẻ thu hút người dân. Ảnh minh họa

Bên lề đường, giữa ngách nhỏ, trong cửa hàng, quần áo được đổ thành đống là những hình ảnh quen thuộc của phố Đông Tác (Đống Đa, HN) , một con phố chuyên bán đồ cũ (hàng thùng, hàng sida). Chợ Hàng Da cũng đang có hàng chục ki ốt bán quần áo cũ nằm san sát nhau thu hút khách hàng đủ mọi lứa tuổi. Mặc dù là đồ đã qua sử dụng nhưng khách đến những nơi này khá đông. Có lẽ bởi hai yếu tố: Rẻ và độc.

Theo giới tiểu thương tại chợ Đông Tác - một điểm chuyên bán đồ hàng thùng có tiếng ở Hà Nội thì hàng thùng chưa bao giờ “ế”, thậm chí lượng khách đến xem và mua đồ ở đây có xu hướng tăng. Khách hàng cũng thuộc nhiều thành phần, từ sinh viên, công nhân đến dân văn phòng...

Sở dĩ, nhiều người tìm đến với hàng thùng như vậy là do tâm lý mua được nhiều đồ độc, lạ với giá cả phải chăng, thậm chí rất rẻ.Cũng theo báo giá của tiểu thương này, một kiện hàng “nguyên đai, nguyên kiện” (80-100kg) có giá từ 4 - 10 triệu đồng/kiện, tùy theo mẫu mã, xuất xứ. Mỗi kiện hàng như vậy có đến hơn 1.000 sản phẩm. Do đó, ngay cả khi loại đi những món đồ hỏng, lỗi và chỉ cần bán mỗi sản phẩm với giá vài chục nghìn thì người bán cũng có thể “bỏ túi” hàng chục triệu đồng.

Còn nếu dành thời gian chọn ra được hàng đẹp, độc thì còn có thể bán với giá vài trăm nghìn, thậm chí 2-3 triệu đồng/sản phẩm. Khi ấy, số lãi của người bán hàng còn tăng lên nhiều lần... Cũng vì những lý do đó, đồ hàng thùng đã qua sử dụng lại có giá rẻ vẫn đang là món hàng được cả khách hàng và người buôn ưa chuộng.

Hàng thùng giá rẻ thu hút..dân nhà giàu

Tại chợ Kim Liên, hay chợ Đông Tác, không khí mua bán cũng rôm rả không kém. Ngoài các mẫu mã đa dạng của quần áo thì gian hàng giầy dép cũng là điểm thu hút phái nữ. Vừa sở hữu một đôi giày màu nâu nhìn còn khá mới với giá 120 nghìn đồng, chị Mai – một tín đồ của hàng thùng tếu táo so sánh: “Trong khi mua một đôi giày mới theo tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao giá không dưới 400 nghìn mà mẫu mã lại đơn điệu, mua hàng này rẻ mà lại độc. Số tiền dư ra đó để dành... mua sữa cho con”.

Không chỉ hút dân sinh viên, giới văn phòng... dân nhà giàu cũng tìm đến đây mua hàng vừa như một sự “đổi gió” với gu thời trang lại vừa tiết kiệm được một khoản để làm việc lớn. Linh – nhân viên ngân hàng với mức thu nhập xấp xỉ 30 triệu đồng/tháng chia sẻ: “Trước đây mình không tiếc khi tiêu tiền cho những bộ cánh hàng hiệu nhưng giờ cũng “chùn tay”.

Không chỉ mua sắm cho bản thân mình, nhiều chị em còn coi việc mua đồ hàng thùng về cho cả gia đình dùng là một trong những kế sách tiết kiệm. Chị Hoa - làm nội trợ hớn hở ra khỏi chợ Đông Tác, chiến lợi phẩm là bịch lớn, bịch bé quần áo mà giá chưa đến 1 triệu đồng cho biết: “Với số quần áo này mà mua đồ mới phải hơn 3 triệu đồng, mua thế này rẻ bằng 1/3 mà nhiều cái vẫn còn nguyên nhãn mác, về ủi thẳng là lại như mới thôi”.

Hắc lào, nấm tổ đỉa vì hàng thùng

Chị Nguyễn Thị Ngọc tới khám tại phòng khám da liễu của khoa khám bệnh, Bệnh viện Da Liễu với chứng hắc lào vùng lưng và ngực. Chị Ngọc cho biết gần đây, chị đã mua một chiếc áo sơ mi hàng thùng, mặc rất đẹp nên chị mặc thường xuyên.

Đồ hàng thùng bày bán lan tràn

Đồ hàng thùng bày bán lan tràn. Ảnh minh họa

Kết quả, vài ngày sau chị thấy da xuất hiện nốt đỏ, nốt đỏ lan dần như hình đồng xu, ngứa và chảy nước khó chịu. Chị soi gương thấy lưng mọc hai nốt. Chúng phát triển nhanh và gây ngứa rất khó chịu.Đến khám chị mới biết mình bị hắc lào và nguyên nhân đến từ các loại nấm xuất hiện trên quần áo cũ. Theo lời bác sĩ, chị phải uống thuốc và bôi ngoài da gần một tháng mới hết.

Đến khám chị mới biết mình bị hắc lào và nguyên nhân đến từ các loại nấm xuất hiện trên quần áo cũ. Theo lời bác sĩ, chị phải uống thuốc và bôi ngoài da gần một tháng mới hết. Bác sĩ Nguyễn Thành (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, cách đây không lâu, ông cũng gặp một trường hợp bị nấm tổ đỉa ở chân và các đầu ngón chân. Bệnh nhân bị nấm tổ đỉa "ăn sạch" 10 đầu ngón chân chỉ vì trót mua bốt si da có mang mầm bệnh và chị phải tốn không ít thời gian và tiền bạc để chữa trị chứng bệnh quái ác này.

Nấm âm đạo vì đồ thùng

Tại Trung tâm Y tế lao động Thái Hà chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hải Vân trú Hoàng Văn Thụ, Hà Nội đến khám phụ khoa. Chị Vân kể sau khi mua bộ váy ở chợ đồ cũ Đông Tác, chị đã cẩn thận giặt đi, giặt lại hai lần và mang đi hấp, nhưng không hiểu sao, sau hai lần mặc, vùng kín của chị xuất hiện ngứa. Khí hư nhiều và hôi.

Chị Vân cho rằng có thể do đến gần chu kỳ nên có thay đổi nhưng triệu chứng ngứa ngày càng tăng. Chị nghĩ có lẽ do mình vệ sinh không sạch nhưng càng rửa sạch vùng ngứa có xu hướng lan to hơn, ngứa nhiều và nổi mề đay. Khi chị Vân vội đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết, chị bị nhiễm nấm từ quần áo cũ.

Chị kể đó là chiếc váy may liền với quần lót, độn ngực rất đẹp, hàng được quảng cáo có xuất xứ từ Mỹ. Chất liệu không chê vào đâu được. Hàng trông còn rất mới nên chị Vân dùng luôn không dùng quần nhỏ, áo nhỏ của mình, không ngờ bị viêm nhiễm từ chính chiếc váy đó.

Trước đó, chị Vân có thời gian cả 5,6 năm dùng hàng thùng nhưng đến giờ chị nghĩ lại vẫn sợ: "Tôi dùng nhiều lắm, đồ mặc 2/3 là hàng mua cũ nhưng không ngờ lại dính nhiễm nấm".

Theo một bác sỹ tại Bênh viện Da liễu Trung Ương: Tuy giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú nhưng hàng thùng tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh về da liễu. Nếu chủ nhân trước của những bộ quần áo bày bán trong cửa hàng thùng cao cấp mắc bệnh về da liễu thì rất dễ lây lan cho người mặc lại. Ngoài ra, trong quá trình làm mới quần áo nhiều chủ cửa hàng đã dùng hóa chất, chính những hóa chất này có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Khi mua hàng thùng tuyệt đối không thử tại quầy bán hàng vì quần áo chưa xử lý sẽ có rất nhiều vi khuẩn lây bệnh rất nhanh; Không nên mua quần áo lót hàng thùng vì có nguy cơ lây bệnh da liễu rất cao; Không nên ham rẻ mua những bộ quần áo quá cũ, mục nát vì trong đấy sẽ có rất nhiều vi khuẩn tiềm ẩn; Khi mua quần áo về cần có kế hoạch tẩy, sấy, hấp quần áo để được làm sạch, tiêu diệt các mầm mống gây bệnh, tránh giặt quần áo cũ một cách sơ sài, giúp mầm bệnh từ nấm có điều kiện phát triển gây bệnh.

Với quần áo cũ có thương hiệu, đa dạng chủng loại, phong phú về mẫu mã, giá lại siêu rẻ… đang thu hút nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên,“tín đồ” hàng thùng vẫn chưa có những biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính bản thân họ.

Linh Mỹ (Tổng hợp từ Infonet, Người đưa tin)


 





Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang