Làm rõ chi phí từng khâu trong chuỗi giá trị, kiểm tra chênh lệch giá bán thịt lợn

author 08:36 23/10/2021

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, phải có giải pháp hỗ trợ bà con đang có lượng tồn lớn về đàn lợn, chưa xuất chuồng, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu thúc đẩy các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi.

Giá lợn hơi có xu hướng tăng trở lại

Sau khi rơi xuống đáy, giá lợn hơi hai ngày gần đây có xu hướng tăng trở lại và tăng từ 2.000-5.000 đồng/kg. Đồng thời, người chăn nuôi đã có động thái hạn chế bán ra để chờ giá tăng thêm, giảm bớt thua lỗ dù hiện vẫn còn khoảng cách rất xa so với giá thành sản xuất để giúp người chăn nuôi có động lực tái đàn.

Theo khảo sát của Công ty cổ phần Anova Feed hôm nay, giá lợn tại miền Bắc đã ghi nhận mức giá trên 40.000 đồng/kg. Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên giá lợn hơi hiện 42.000 đồng/kg, tăng hơn 3.000 đồng/kg so với ngày 21/10. Thành phố Hà Nội cũng ghi nhận giá lợn hơi ở mức 41.000 đồng/kg. Một số địa phương có giá lợn hơi ở mức 36.000 đồng/kg như: Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Nam, Nam Định.

Mức giao dịch thu mua lợn hơi tại miền Bắc trung bình đã lên đến 37.000 đồng/kg. Tại miền Trung, giá lợn hơi ghi nhận ở mức 37.900 đồng/kg. Tỉnh Quảng Trị giá lợn hơi tăng lên 39.000 đồng/kg. Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi giá lợn hơi đồng loạt ở mức 38.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng ghi nhận tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi miền Đông Nam Bộ lên 38.000 đồng/kg và miền Tây Nam Bộ là 38.100 đồng/kg.

Ngày 22/10, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã thông báo tăng giá lợn hơi lên mức 39.000 đồng/kg. Nhờ đó, giá lợn hơi trên thị trường đã tiếp thêm đà tăng. Thương lái cũng nâng giá thu mua lợn hơi thêm từ 2.000-5.000 đồng/kg tùy khu vực và người bán cũng đã ngừng động thái bán ra ồ ạt.

Là chủ trang trại chăn nuôi với khoảng 2.000 con lợn thương phẩm và hàng trăm lợn nái tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội, ông Nguyễn Hanh cho biết, thương lái đã trả giá lợn của ông là 40.000 đồng/kg nhưng ông chưa bán vì cho rằng giá lợn còn tiếp tục lên. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc - miền Trung đang khuyến cáo, các thành viên tạm ngừng bán ra, đợi các “ông lớn” bán hết hàng tồn. Vì hiện nay các doanh nghiệp lớn và các tỉnh phía Nam đang có lượng lợn tồn khá lớn.

 Giá lợn hơi có xu hướng tăng nhẹ trong hai ngày gần đây

Theo các trang trại, giá lợn hơi dù có tăng nhưng vẫn không bù đắp được chi phí chăn nuôi. Thậm chí, giá lợn hơi đạt mức 50.000 đồng, người chăn nuôi vẫn lỗ. Bởi, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi đang rất cao; chăn nuôi lợn lại tốn nhiều chi phí đảm bảo an an toàn sinh học để tránh nguy cơ bị dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi.

Theo Cục Chăn nuôi, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành khoảng từ 45.000-50.000 đồng/kg. Còn chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay, người chăn nuôi vẫn thua lỗ và khoảng cách tiếp cận được giá thành sản xuất còn khá xa.

Không chỉ giá bán tác động đến khả năng tái đàn của nông dân mà theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, đến đầu năm 2022 giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tái đàn của bà con.

Không chỉ với lợn mà ngay cả với gia cầm, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, nếu từ nay các tỉnh, thành mở cửa hoàn toàn thì tổng cầu thực phẩm sẽ tăng. Tổng cầu sản phẩm chăn nuôi có thể chưa bằng trước đại dịch COVID-19 nhưng giá sản phẩm chăn nuôi sẽ tăng. Đây là mệnh lệnh hành chính tác động lớn đến thị trường. Còn nếu các tỉnh, thành đóng cửa, hoặc mở cửa không toàn toàn thì tổng cầu không tăng nhiều, giá không tăng mặc dù có khả năng tăng giá đột biết từ 10-15% vào những ngày Tết Nguyên đán.

Hiện, phần lớn người sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất kinh doanh vì vừa qua đều bán dưới giá thành sản xuất, thua lỗ nặng. Trong khi đó, chi phí sản xuất phát sinh quá lớn; nhiều cơ sở sản xuất khó khăn trong việc duy trì sản xuất, thậm chí một bộ phận người dân, cơ sở phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực để chi trả các khoản vay đến hạn, tái sản xuất.

Việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng lại gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, gia hạn thời hạn nộp thuế; giảm tiền thuê đất.

Sẽ sớm có giải pháp chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi

Tại cuộc họp nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường thịt lợn vừa diễn ra chiều 22/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ chia sẻ với khó khăn của người chăn nuôi và sẽ có giải pháp kịp thời để hỗ trợ tiêu thụ, bình ổn giá, đảm bảo hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, khâu trung gian và người tiêu dùng; trong đó, phải có giải pháp hỗ trợ cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn lợn, chưa xuất chuồng được.

Phó Thủ tướng cho rằng, mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý. Giá vận hành theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước.

Đề cập đến nguyên nhân, Phó Thủ tướng nhất trí cho rằng, trước hết là do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, dẫn tới nhu cầu giảm, nông dân chưa thể xuất chuồng đàn lợn, dẫn tới ứ đọng, quá lứa. Theo Bộ NN&PTNT giá gà, giá thịt lợn đã tăng trở lại, khi trọng lượng vượt trên 120 kg/con sẽ khó bán. Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ chuỗi sản xuất, lưu thông, phân phối, hay việc phục hồi kinh tế đang được triển khai khá tốt nhưng chưa đồng bộ; tiếp cận thị trường của người tiêu dùng chưa đạt như mong muốn.

 Sẽ sớm có giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi giải quyết lượng lớn đàn lợn tồn đọng

“Phải có giải pháp hỗ trợ cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn lợn, chưa xuất chuồng được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính.

Các bộ, ngành, địa phương, trung tâm kinh tế lớn phải đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế. Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, thanh kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt lợn hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tuyên truyền, làm việc cụ thể với doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp có năng lực dự trữ, chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường đặc biệt cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bộ Giao thông vận tải rà soát, nắm rõ thêm tình hình hệ thống lưu thông, vận tải, tránh tình trạng vẫn còn một số nơi “cát cứ”, gây khó khăn cho bà con trong tiếp cận thị trường (phương tiện chuyên chở khó đến với bà con); phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, thống nhất trên toàn quốc.

 An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang