Sơn La phát hiện và buộc tiêu hủy trên 500 chai nước mắm quá hạn sử dụng

author 14:16 25/07/2023

(VietQ.vn) - Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La vừa tổ chức khám phương tiện vận tải và phát hiện 504 chai nước mắm quá hạn sử dụng.

Tại Phiêng Ban 1, Thị trấn Bắc Yên, huyện Bắc Yên, Đội Quản lý thị trường số 4 tổ chức khám phương tiện vận tải biển kiểm soát 29C-356.40 do ông H.V.T (là lái xe kiêm chủ hàng) có địa chỉ tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Thời điểm khám lực lượng chức năng đã phát hiện trên thùng xe (khoang chứa hàng hóa) có 504 chai nước mắm đã quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hoá (trị giá hàng hoá vi phạm 45.360.000 đồng).

Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La ban hành Quyết định xử phạt đối với ông H.V.T với số tiền phạt hành chính 10.000.000 đồng và buộc tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá đã quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hoá trị giá 45.360.000 đồng.

Thu giữ 504 chai nước mắm đã quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hoá. Ảnh: Cục QLTT Sơn La

Nước mắm là một trong những loại thực phẩm lên men được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực của các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan. Công nghệ sản xuất nước mắm được thực hiện theo truyền thống từ đời này sang đời khác.

Do tính chất đặt biệt của nó mà các sản phẩm lên men truyền thống có một vị trí riêng cho từng vùng. Tuy vậy, công nghệ chung thường là cá cơm kết hợp với muối với tỷ lệ 3:1. Hỗn hợp này sau đó được cho vào bể xi măng, thùng gỗ hoặc chum. Các enzyme chứa trong các tế bào của thịt cá phân hủy protein, chất béo và các phân tử khác thành các axit amin. Muối làm tăng tốc quá trình này, được gọi là thủy phân protein, bằng cách làm cho các tế bào cá mở ra, trong đó phóng thích các enzyme.

Do độ mặn của muối nên hầu hết các vi khuẩn và virus gây bệnh đều chết, chỉ trừ một số vi khuẩn cực kỳ chịu mặn vẫn tồn tại. Nhưng vào cuối giai đoạn lên men của nước mắm từ 6 đến 12 tháng, muối đã giết hết tất cả vi khuẩn ưa mặn. Quá trình lên men giết chết vi khuẩn mà không cần phải thanh trùng nước mắm.

Theo giáo sư vi trùng học Bob Hutkins tại Trường đại học Nebraska (Mỹ), thực tế không có luật nào quy định về ngày hết hạn của nước mắm tại Mỹ, nhưng hầu hết các nhà sản xuất đều ghi hạn dùng để người tiêu dùng biết nếu họ muốn bỏ sản phẩm. Theo sổ tay về Thực phẩm lên men bản xứ ở các nước ASCA (được công bố bởi Hiệp hội Hợp tác Khoa học ở châu Á, tổ chức khoa học-chính sách), nước mắm có thời hạn sử dụng 5 năm. Đây không phải là thời gian thể hiện nước mắm sẽ vẫn tốt khi dùng trước ngày hết hạn. Vì nước mắm có thể mất đi chất lượng trong một thời gian dài do phản ứng hóa học, dẫn đến sự thay đổi màu sắc hoặc sự phát triển của mùi nếu không lưu trữ trong tủ lạnh sau khi mở nắp. Trong một số ít trường hợp, mốc hoặc nấm men có thể phát triển trên bề mặt bên trong hoặc thành miệng của chai, nơi có độ ẩm quá mức và ít muối. Nhưng cũng như tất cả các loại thực phẩm, nếu nó có mùi lạ hoặc vị lạ nên vứt đi.

Theo quy định về ghi nhãn sản phẩm hàng hóa theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì các sản phẩm đều bắt buộc ghi hạn sử dụng. Với các sản phẩm nước mắm, mắm tôm thì hạn sử dụng là 24 tháng, mắm tép thì 18 tháng (vì mắm tép có bột riềng lên men nhanh hơn). Ngày sản xuất là mốc thời gian hoàn thành công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa hoặc lô hàng hóa đó.

“Hạn sử dụng” hoặc “hạn dùng” là mốc thời gian sử dụng ấn định cho hàng hóa hoặc một lô hàng hóa mà sau thời gian này hàng hóa không còn giữ được đầy đủ các đặc tính chất lượng vốn có của nó.

Hạn dùng của hàng hóa được thể hiện bằng khoảng thời gian tính từ ngày sản xuất đến ngày hết hạn hoặc thể hiện bằng ngày, tháng, năm hết hạn. Trường hợp hạn dùng chỉ thể hiện tháng, năm thì hạn dùng được tính đến ngày cuối cùng của tháng hết hạn.

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5107:2018 về Nước mắm nguyên chất

Tiêu chuẩn trên quy định đối với nước mắm nguyên chất thì sản phẩm phải là dạng dịch lỏng trong, thu được từ hỗn hợp của cá và muối (chượp chín) đã được lên men tự nhiên trong một khoảng thời gian ít nhất 6 tháng.

Đối với nước mắm thì sản phẩm được chế biến từ nước mắm nguyên chất (3.1), có thể bổ sung nước muối, đường và phụ gia thực phẩm, có thể được điều chỉnh màu, điều chỉnh mùi.

Quy định về tạp chất lạ nhìn thấy bằng mắt thường: Vật chất không có nguồn gốc từ nguyên liệu cá và muối, bị lẫn trong sản phẩm, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Yêu cầu về nguyên liệu cần đảm bảo: Cá phải đảm bảo an toàn để dùng làm thực phẩm.

Chượp chín (nếu sử dụng): phù hợp với TCVN 8336:2010.

Muối phù hợp với TCVN 3974:2015 (CODEX STAN 150-1985, Revised 2012), nhưng không nhất thiết phải là muối iôt.

Đường (nếu sử dụng): phù hợp với TCVN 7968:2008 (CODEX STAN 212-1999, Amd. 1-2001).

Nước phải đáp ứng yêu cầu về nước dùng trong chế biến thực phẩm theo quy định hiện hành.
Dư lượng kim loại nặng trong sản phẩm nước mắm, theo quy định hiện hành.

Về phụ gia thực phẩm: Đối với nước mắm nguyên chất không được sử dụng phụ gia thực phẩm. Đối với nước mắm chỉ được phép sử dụng các phụ gia thực phẩm và mức giới hạn theo quy định hiện hành.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang