Sốt xuất huyết vượt kỷ lục 10 năm: Muỗi 'khôn' hơn, khó phát hiện hơn

authorDương Phương Ngọc 10:43 18/08/2017

(VietQ.vn) - So sánh số liệu trong 10 năm trở lại đây thì hiện Hà Nội đang lập kỷ lục mới về số ca mắc sốt xuất huyết. Việc tìm các ổ bọ gậy năm nay khá đặc biệt, muỗi "khôn" hơn khi đẻ ở những nơi khó tìm như ở khay nước dưới đáy tủ lạnh.

Cần tăng cường công tác truyền thông phòng chống Sốt xuất huyết (SXH) là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại cuộc họp khẩn về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành Thành phố Hà Nội chiều ngày 17/8/2017 tại Bộ Y tế.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc SXH, 24 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 76.846 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17) số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 7 trường hợp.

Sốt xuất huyết bùng phát nguy hiểm, Cục Y tế dự phòng cảnh báo(VietQ.vn) - Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết bị biến chứng cực kỳ nguy hiểm đang ngày càng gia tăng. Cục Y tế dự phòng cảnh báo cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết và dịch bệnh sau mưa, bão.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc mới luôn ở mức trên 3.400 bệnh nhân, số nhập viện dao động từ 2.600 – 3.100 bệnh nhân.

So sánh số liệu trong 10 năm trở lại đây thì hiện Hà Nội đang lập kỷ lục mới về số ca mắc sốt xuất huyết.

Trước đó, đỉnh dịch cao nhất rơi vào 2 năm 2009 (16.090 ca, 4 ca tử vong) và 2015 (15.412 ca). Các năm còn lại, trung bình chỉ có 5.000-6.000 ca và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9-10, tuy nhiên năm nay ngay từ tháng 5 dịch đã bùng phát.

Cũng theo ông Hạnh: Nếu tính theo số mắc tuyệt đối, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước sau TP Hồ Chí Minh; tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước.

Sốt xuất huyết bùng phát cao nhất trong 10 năm, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế họp khẩn. Ảnh: Bộ Y tế.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết thêm: Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200. Ngoài ra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái còn đưa cả bác sĩ và cán bộ kỹ thuật tăng cường cho Thủ đô chống dịch. Trong ngày 16-8, mặc dù trời có mưa nhưng Sở Y tế Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn 21 quận, huyện. Việc phun thuốc diệt muỗi diễn ra từ nay đến hết tháng 8 tại các ổ dịch trọng điểm và 100% các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám, trường học, chợ, khu lán trọ công trình.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã tăng cường 6 đội cơ động của 2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt trong phun hóa chất và giám sát véc tơ; thành lập 26.038 đội xung kích với 63.119 người tại 4.638 tổ dân phố tại 584/584 xã phường của Hà Nội; xử lý 2.112 ổ dịch tổ chức 90 chiến dịch phun hóa chất diện rộng và hơn 1.000 chiến dịch vệ sinh môi diệt bọ gậy.

Tại cuộc họp các đại biểu đã cùng thảo luận các vấn đề trong điều trị cũng như dự phòng như: việc phân loại bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải, hạn chế thấp nhất tử vong, tăng cường tập huấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, các trạm y tế trên địa bàn thành phố, chú trọng điều trị ngoại trú, huy động nhiều lực lượng chống SXH.

Ông Trần Vũ Phong, Trưởng khoa Côn trùng và Động vật học, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, mật độ muỗi đã giảm sau khi phun hóa chất nhưng các ổ bọ gậy vẫn còn nhiều và có gần 97% dụng cụ chứa nước đọng ở các nghĩa trang có chứa ổ bọ gậy.

Ông Phong cũng lưu ý, việc tìm các ổ bọ gậy năm nay khá đặc biệt, ngoài tự nhiên khó thấy, muỗi "khôn" hơn khi đẻ ở những nơi khó tìm như ở khay nước dưới đáy tủ lạnh...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, với tình hình dịch căng thẳng như hiện nay phải triển khai ngay các biện pháp tức thì để hạ hoả. Yêu cầu mỗi tuần Sở Y tế họp giao ban tại Bộ một lần.

Bà Tiến cũng nhấn mạnh: Hiệu quả phun muỗi tại cộng đồng và gia đình đã làm cho mật độ muỗi giảm rõ rệt. Tuy nhiên để việc phòng chống hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị công tác truyền thông đi trước 1 bước, tập trung tuyên truyền về ổ chứa muỗi, lăng quăng; dấu hiệu của bệnh và khi mắc bệnh thì nên điều trị thế nào…

Bộ trưởng giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bắt một số loài muỗi để phân lập muỗi; Cục Y tế dự phòng phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương tăng cường tập huấn cho tuyến dưới về dịch tễ học thực địa; Cục Quản lý Khám chữa bệnh và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức tập huấn lại về những vấn đề liên quan đến điều trị cả người lớn và trẻ em. Trong trường hợp cần thiết thì cho nhập viện và không để bệnh nhân nằm ghép, tránh lây chéo bệnh viện đồng thời cần tuyên truyền người dân tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà.

Đối với công tác phòng chống SXH trên địa bàn TP. Hà Nội, Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế Hà Nội cần tiếp tục phun thuốc diệt trên diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng... đồng thời Hà Nội cần quyết tâm hơn nữa trong việc phun hóa chất trên diện rộng bằng máy công suất lớn trên xe ô tô, kết hợp máy đeo vai vào từng nhà dân.

Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân việc thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết bằng cách lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang