Vẫn tái diễn sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm ở Thủ Đức
Nhiều thực phẩm cho trẻ nhỏ tại Australia không đạt tiêu chuẩn WHO
Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong ngành công thương
Hà Nội: Kiện toàn Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Chất cấm dùng sơ chế thực phẩm vẫn tràn lan tại thành phố Thủ Đức
Việc xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong sơ chế, chế biến một số thực phẩm còn chưa khả thi, trong khi đó có nhiều trường hợp chống đối cơ quan chức năng, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sai phạm. Đó là một trong những khó khăn đảm bảo an toàn thực phẩm tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Còn khu vực ngoài chợ và các tuyến đường xung quanh chợ, thuộc địa bàn các phường Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước, Tam Bình của thành phố Thủ Đức, có khoảng 237 hộ kinh doanh, trong đó có 98 hộ không đăng ký kinh doanh. Đa phần các cơ sở này sơ chế nông sản như chuối bào, sả bào, trái cây, rau muống bào…
Một cơ sở sơ chế sản bên ngoài khuôn viên chợ đầu mối Thủ Đức khẳng định không dùng chất cấm để làm trắng, bảo quản sản phầm đồ xay, bào sẵn. Ngoài ra, có một lượng không nhỏ lao động tự do, bán lẻ các loại hàng như hành lá, củ hành, tỏi ớt.
Theo BS.CK2 Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng phòng Y tế thành phố Thủ Đức, những người kinh doanh xung quanh chợ thường không có nơi buôn bán cố định, thường xuyên lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
Tình trạng sử dụng chất cấm để sơ chế, chế biến thực phẩm tại Chợ đầu mối Thủ Đức gây khó khăn trong công tác quản lý và ngăn chặn. Ảnh: VOV
Đáng nói, các cơ sở kinh doanh ở bên ngoài chợ thường xuyên thay đổi tên người đại diện pháp luật hoặc địa điểm kinh doanh. Đặc biệt, các cơ sở sơ chế thực phẩm như bắp chuối bào, sả bào, rau muống bào là cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động trên đất thuê mướn của các hộ dân xung quanh chợ. Do vậy, các cơ sở được xây dựng tạm bợ, các quy trình sơ chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thường xuyên chỉ có nhân viên làm thuê làm việc với đoàn kiểm tra. Khi đoàn kiểm tra lập biên bản, mời về làm việc thì những người này không hợp tác, không đến làm việc, trả mặt bằng, chuyển địa điểm kinh doanh... gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý.
Phòng Y tế thành phố Thủ Đức đã chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, kiểm tra được 17 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở bán rau muống bào, bắp chuối bào, măng chua, sả bào, nấm. Qua đó xử lý 3 cơ sở sơ chế sẵn (gồm 2 cơ sở sả bào, 1 bắp chuối). Thực tế cho thấy, việc xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong sơ chế, chế biến thực phẩm hiện nay không khả thi. Việc thu giữ, bảo quản tang vật chờ xử lý vi phạm hành chính rất khó.
Theo quy định, khi đoàn an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra sản phẩm nghi sử dụng chất cấm, thời gian từ khi lấy mẫu gửi phòng kiểm nghiệm đến khi có kết quả, lượng hàng hóa niêm phong sẽ bị hư hại, chủ lô hàng bỏ hàng, chuyển nơi kinh doanh khác. Bên cạnh đó, mỗi lần xử phạt chỉ bằng 10% tổng giá trị hàng hóa, với những mặt hàng như măng, rau muống… đều không đáng kể, không đủ sức răn đe.
BS Nguyễn Văn Khuôn cho rằng, cần phải ban hành các chế tài, có thông tư nghị định hướng dẫn làm sao để khả thi, đặc biệt là phải mang tính chất răn đe. Đây là vấn đề rất quan tâm của toàn xã hội. Việc sử dụng chất cấm trong sơ chế chế biến, sử dụng hóa chất quá liều lượng cho phép, cần phải xử lý nghiêm. Nhiều người lợi dụng những kẽ hở của pháp luật và chống đối các cơ quan chức năng.
Riêng trong Chợ đầu mối Thủ Đức, chịu sự quản lý của Công ty Cổ phần quản lý và kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc bộ phận kinh doanh, cho biết, chợ đã dứt khoát không cho sơ chế tại chợ và khi vào chợ phải đóng gói trong các bao bì. Đối với những mặt hàng này thì công ty cũng khuyến cáo với Sở An toàn thực phẩm là nên tập trung vào những mặt hàng có nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối vơi vấn đề này, chợ cũng thường xuyên vận động tuyên truyền cho thương nhân.
Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa- Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Chợ đầu mối Thủ Đức phải quản lý lượng hàng rất lớn, nhưng hiện không có đội an toàn thực phẩm riêng mà chỉ có tổ an toàn thực phẩm của Đội 2, gây ra khó khăn trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm. Do đó, Sở An toàn thực phẩm thành phố cần phải xem xét để tăng cường lực lượng tại đây.
Ông Cao Thanh Bình cũng cho rằng, không chỉ riêng tại Chợ đầu mối Thủ Đức, mà vấn đề nổi cộm về an toàn thực phẩm tại 3 chợ đầu mối lớn của thành phố Hồ Chí MInh là tình trạng buôn bán, kinh doanh ở khu vực phía bên ngoài chợ với nhiều nguy cơ không kiểm soát được nguồn gốc hàng hóa và an toàn thực phẩm, mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông...
Những hóa chất không được sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Quá trình chế biến thực phẩm không chỉ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ mà còn cần lưu ý đến những hóa chất không được sử dụng. Việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm là hành vi vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Điều 10 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm như sau: Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
Tùy từng loại thực phẩm, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây: Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm; Quy định về bảo quản thực phẩm.
Đặc biệt, những hóa chất không được sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bởi chất cấm là những hóa chất không được sử dụng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con người. Thậm chí khi nhiễm phải những hóa chất độc hại này thì còn có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Điều 3 Thông tư 10/2021/TT-BYT quy định chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bao gồm các chất có trong các Danh mục sau: Phụ lục V “Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, xuất khẩu” ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 gồm các loại chất, nguyên liệu làm thuốc cấm nhập khẩu, cấm sản xuất ví dụ như acetic anhydride, acetone.
Các Danh mục I, II, III, IVA danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 gồm các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xác hội như alphacetylmethadol, acetorphine.
Phụ lục I “Danh mục dược chất gây nghiện” ban hành kèm theo Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 10/05/2017; Danh mục Thuốc độc và nguyên liệu độc làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư 06/2017/TT-BYT ngày 03/05/2017; Các Phụ lục I, II, III danh mục dược liệu độc làm thuốc ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BYT ngày 13/11/2017; Danh mục các chất có trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10/2021/TT-BYT, đơn cử như: Aildenafil, Aminotadalafi, …
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Theo đó, tùy thuộc vào mức vi phạm mà có các mức xử phạt khác nhau.
Bên cạnh hình phạt tiền, một số hành vi sẽ có các hình phạt bổ sung như: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm. Tùy vào các trường hợp mà có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như Buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm vi phạm quy định…
An Dương (T/h)