Sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng để lại nhiều hệ lụy khó lường

author 13:52 16/06/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay, tình trạng mũ bảo hiểm được bày bán tràn lan trên thị trường với nhiều kiểu dáng, mẫu mã,… chất lượng không được thông qua kiểm định gây ảnh hưởng xấu, đe dọa đến tính mạng người sử dụng khi tham gia giao thông.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc sử dụng mũ bảo hiểm chính hãng khi tham gia giao thông sẽ làm giảm nguy cơ tử vong lên đến 70%. Tuy nhiên, theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam (VAMM), trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều loại mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Cũng theo khảo sát thực tế của VAMM, dọc các tuyến đường phố trên các tỉnh, thành phố, nhiều cửa hàng, sạp hàng bàn mũ bảo hiểm giả, trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, nhiều cửa hàng chuyên bán mũ bảo hiểm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh còn xảy ra hiện tượng trà trộn mũ bảo hiểm chính hãng và mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng để đánh lừa người tiêu dùng.

Từ thực tế trong quá trình kiểm tra, giám sát thị trường, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, trên thị trường truyền thống vẫn tồn tại một số cá nhân bày bán mũ bảo hiểm, mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm trên vỉa hè không có giấy đăng ký kinh doanh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu hợp quy, không niêm yết giá bán, không có dán nhãn, ghi nhãn không đầy đủ và có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm thật gây nhầm lẫn cho người dân.

Mặc dù, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm nhưng gặp khó khăn trong công tác xử phạt bởi đa phần các cá nhân bày bán tự phát trên lòng đường, vỉa hè, không có cửa hàng, giấy phép kinh doanh. Mặt khác, khi lực lượng chức năng rời đi, các đối tượng này lại bày bán công khai trở lại.

Bà Đại Khả Quỳnh - Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, khi sử dụng mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng, khả năng bảo vệ người sử dụng sẽ bị giảm sút, dẫn đến nguy cơ tử vong cơ hơn. Chỉ ra các đặc điểm nhận diện, phân biệt mũ bảo hiểm chính hãng và hàng giả, hàng kém chất lượng, bà Đại Khả Quỳnh cho biết, mũ bảo hiểm chính hãng có nhãn ghi "mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy" cùng tem nhãn ghi thông tin công ty sản xuất; có tem hợp quy, sử dụng logo của các thương hiệu; chịu được tác động mạnh và bảo vệ an toàn, sức khỏe, tính mạng của người sử dụng..

Ảnh minh họa

"Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn có thể giúp người sử dụng giảm tới 42% nguy cơ tử vong; giảm đến 69% nguy cơ chấn thương sọ não" - bà Đại Khả Quỳnh thông tin và cho biết, theo thống kê sơ bộ của VAMM, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn tại thành phố Hà Nội là 19% cao hơn TP. Hồ Chí Minh (4%).

Do vậy, trong thời gian tới, để bảo về quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của người sử dụng, đại diện VAMM kiến nghị các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, khác với trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: Thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm. Hiện nay, tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, nguồn hàng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xác định bởi hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Trên thị trường, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, đông dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đồ điện tử, điện dân dụng, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm chức năng…; hàng thời trang như: Túi xách, nước hoa, đồ trang sức; vật liệu xây dựng như: Ngành nhựa, ngành sơn…

Các vụ việc do các lực lượng chức năng kiểm tra trong thời gian gần đây có dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản xuất trong nước tăng dần cả về quy mô và số vụ việc.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy

Ngày 15/6/2021, Bộ KH&CN ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BKHCN về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy QCVN 2:2021/BKHCN”. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (QCVN 2:2021/BKHCN).

Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn của quy định kỹ thuật đối với mũ bảo hiểm dùng cho người đi: xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe máy điện, xe đạp điện và các loại tương tự.

Về phân loại theo vùng che phủ, quy định có 4 loại là mũ che nửa đầu; mũ che cả đầu và tai; mũ che cả đầu, tai và hàm; mũ che ba phần tư đầu.

Về Cỡ, thông số và kích thước cơ bản: theo chu vi vòng đầu, các cỡ mũ được quy định cụ thể và viện dẫn theo Điều 4 TCVN 5756:2017 với 9 cỡ mũ có chu vi vòng đầu từ 460mm đến 620mm.

Theo quy chuẩn này còn có quy định về kích thước lưỡi trai, không được quá 70mm (cho lưỡi trai rời tháo lắp được và không quá 50mm (cho lưỡi trai liền khối với vỏ mũ).

Quy chuẩn quy định khối lượng mũ cho các loại mũ che nửa đầu, che ba phần tư đầu; theo đó không được lớn hơn: 0,8 kg cho các cỡ mũ 1, 2 và 3 [(460, 480 và 500) mm]; 1,0 kg cho các cỡ mũ 4, 5, 6, 7, 8 và 9 [(520, 540, 560, 580, 600 và 620) mm]. Còn các cỡ mũ của loại mũ che cả đầu và tai, che cả đầu, tai và hàm đều không quy định.

Độ bền va đập và hấp thu xung động: Quy định mức yêu cầu kỹ thuật phương pháp thử độ bền va đập và hấp thu xung động có một số thay đổi.

Kính bảo vệ: quy định về hệ số truyền sáng cho kính màu nhạt, trong suốt là không nhỏ hơn 50% (với yêu cầu trên kính có ghi chú “chỉ dùng cho ánh sáng ban ngày”).

Về ghi nhãn: Trong QCVN 2:2021/BKHCN ngoài các thông tin ghi nhãn theo phiên bản năm 2008, yêu cầu trên mũ và trên bao bì phải có ghi nhãn thêm các thông tin về xuất xứ hàng hóa; kiểu mũ, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo và đặc biệt có ghi khối lượng mũ và dung sai khối lượng.

Quy định về quản lý: Mũ bảo hiểm sản xuất trong nước phải công bố hợp quy theo các quy định mới như Thông tư 06/2020/TT-BKHCN ngày 10/12/2020 và các văn bản pháp quy liên quan trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Mũ nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng, được gắn dấu CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Theo đó, QCVN 2:2021/BKHCN với lộ trình áp dụng như sau: Kể từ ngày 1/1/2024, các mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy (sau đây gọi tắt là mũ bảo hiểm, mũ) sản xuất trong nước, nhập khẩu phải đáp ứng các quy định tại QCVN 2:2021/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường; Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy áp dụng các quy định tại QCVN 2:2021/BKHCN kể từ ngày 1/8/2021.

Các quy định trước đây liên quan đến Quy chuẩn mũ bảo hiểm hết hiệu lực kể từ 1/8/2021. Mũ bảo hiểm đã chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo QCVN 2:2008/BKHCN trước ngày 1/1/2024 được tiếp tục lưu thông trên thị trường đến hết ngày 31/12/2024.

 Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang