Sữa kém chất lượng - hệ lụy đến sức khỏe và cách phân biệt hàng thật, hàng giả

(VietQ.vn) - Sữa bột là một trong những nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ, cũng đem lại lợi nhuận khủng lồ, vì vậy, không ít gian thương đã không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng mà bất chấp để chuộc lợi.
Triển khai công nghiệp xanh ở Việt Nam tạo nền tảng phát triển bền vững cho tương lai
Dược liệu bền vững: Cứu y học, cứu thiên nhiên
Châu Âu siết chặt tiêu chuẩn đầu vào đối với thị trường đồ chơi trẻ em
Sữa giả đang trở thành vấn nạn toàn cầu
Mới đây, cơ quan chức năng kịp thời xử lý một vụ việc nghiêm trọng liên quan đến sản xuất sữa bột giả, trong đó 573 nhãn hiệu sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai có chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố.
Vụ việc trên cho thấy tình trạng sản xuất và buôn bán sữa giả tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của các thương hiệu sữa uy tín. Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, tránh sử dụng để ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân cũng như người thân trong gia đình.
Theo các chuyên gia y tế, sữa là dòng thực phẩm chăm sóc sức khỏe phổ biến, những dòng đặc thù thường được sử dụng cho những đối tượng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người bệnh cần phục hồi thể trạng. Khi các sản phẩm này bị làm giả, không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng, thậm chí chứa chất phụ gia không rõ nguồn gốc, hậu quả với sức khỏe có thể rất nghiêm trọng.

TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Ứng dụng Việt Nam cảnh báo, các loại sữa bột kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang được bán tràn lan trên mạng xã hội và tại các hội thảo sức khỏe trá hình, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.
BS Sơn cho biết, những loại sữa này thường không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng hoặc các vitamin và khoáng chất như bảng thành phần trên vỏ hộp, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ. Ngoài ra, quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh có thể khiến sữa bị nhiễm vi khuẩn và nấm mốc, gây ra các vấn đề như rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng, thậm chí ngộ độc.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo: "Sữa công thức giả hoặc không đạt chuẩn an toàn vẫn hiện diện tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi việc kiểm soát thương mại điện tử còn nhiều kẽ hở".
Một nghiên cứu của Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng Australia đã chỉ ra: Trẻ uống sữa bột không đạt chuẩn trong thời gian dài có nguy cơ tổn thương gan, thận, suy giảm miễn dịch, chậm phát triển thể chất và trí tuệ.
Thậm chí, nếu sữa bị nhiễm khuẩn chéo, chứa tạp chất, hoặc có chất cấm như melamine - như vụ việc rúng động ở Trung Quốc năm 2008 - hậu quả có thể nghiêm trọng đến mức gây tử vong.
Cách để phân biệt sữa thật - giả
Theo bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mặc dù không thể hoàn toàn xác định sữa giả - sữa thật bằng mắt thường, nhưng người tiêu dùng có thể lưu ý một số yếu tố sau.
Màu sắc và độ mịn: Sữa thật thường có màu trắng ngà tự nhiên, bột mịn và đồng đều. Sữa giả có thể có màu lạ, bột thô hoặc vón cục.
Mùi vị: Sữa thật có mùi thơm nhẹ, tự nhiên. Sữa giả có thể không mùi hoặc có mùi hóa chất.
Khả năng hòa tan: Sữa thật tan đều trong nước ấm, không vón. Sữa giả thường nổi bột, khó tan, để lại nhiều cặn.
Bao bì: Sản phẩm chính hãng có in ấn rõ ràng, sắc nét, đầy đủ thông tin theo quy định. Bao bì sữa giả thường bị mờ, lệch màu, thiếu thông tin bắt buộc.
Bác sĩ Lợi khuyến cáo các phụ huynh nên chọn mua sữa tại các cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị có uy tín và rõ ràng về nguồn gốc; kiểm tra kỹ bao bì sản phẩm, tem chống giả, mã vạch, hạn sử dụng và tên nhà sản xuất; tránh mua sữa theo các hình thức bán hàng không chính thống như livestream, mạng xã hội, hoặc sản phẩm có giá thấp bất thường; nên ưu tiên những nhãn hiệu đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan y tế.
Bảo Linh (t/h)