Sữa lậu, nguồn gốc và chất lượng có đảm bảo

author 14:16 16/10/2021

(VietQ.vn) - Trên các trang thương mại điện tử, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy những quảng cáo chào bán những sẩn phẩm sữa ngoại xách tay, nhưng liệu chất lượng và nguồn gốc có thật sự đảm bảo ?

Trên thị trường hiện nay sữa bột gắn các thương hiệu nổi tiếng như: Hikid (Hàn Quốc), Meiji (Nhật Bản), Aptamil (Anh), Similac, Pediasure (Mỹ), Blackmores, S26 (Australia)… được rao bán với nhiều mức giá khác nhau trên các trang mạng xã hội, sàn TMĐT... và đều được giới thiệu là hàng xách tay. Nếu để ý kĩ, những loại sữa này đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài mà không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Tuy nhiên phần lớn người tiêu dùng khi mua sản phẩm thường ít quan tâm đến việc sản phẩm có nhãn phụ, giấy tờ kiểm định chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Trong khi đó, sữa xách tay về thường không có nhiều, dễ bị các loại sữa giả, sữa kém chất lượng trà trộn. Thậm chí có rất nhiều sản phẩm được gắn mác sữa bột các hãng nổi tiếng nhưng lại được “xách tay” từ Trung Quốc về và bán với giá cao ngất ngưởng. Với giá bán trung bình tại Việt Nam khoảng 500.000 đồng/hộp sữa. Đây quả thực là một món hời không tưởng.

Không khó khăn để người tiêu dùng tìm kiếm sữa ngoại xách tay trên thị trường 

Trên chợ mạng, nhiều người mua sữa trẻ em xách tay được rao bán, nhưng không biết rằng người bán thường lấy ảnh, hoá đơn mua hàng của người khác để lừa người tiêu dùng. Trong khi, hóa đơn thì toàn tiếng nước ngoài, người mua dù có thấy hóa đơn cũng chẳng biết thật giả, cũng chẳng đọc được gì.

Và nguy hại hơn, khi mua sữa về, ngay cả cách sử dụng, bảo quản sữa thì người mua đều làm theo hướng dẫn của người bán hoặc tham khảo trên mạng.

Theo các chuyên gia, hiện nay hàng giả, hàng nhái thường được làm từ sản phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng rồi phù phép thành hàng “xách tay” bán cho người dùng.

Công thức sản xuất của hầu hết các sản phẩm sữa giả này là đường hóa học (đường nhạt, đường ngọt), bột sữa, chất tạo béo, hương liệu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc rồi trộn đều và đóng hộp, dán các nhãn hiệu nổi tiếng thành sữa “xách tay”. Thậm chí, các sản phẩm này còn được trộn thêm hương mùi sữa, chất đạm, chất béo giả được mua trôi nổi ở chợ hóa chất để tăng độ “y như thật”.

Hơn nữa, những sản phẩm này hoàn toàn không qua quá trình tiệt trùng, máy hút chân không, tia cực tím hay bất cứ quy trình kiểm nghiệm nào. Chính vì thế, chỉ người sản xuất mới biết rõ được đấy là sữa thật hay giả, còn người tiêu dùng, thậm chí ngay cả người bán cũng dễ dàng bị lừa nếu như không hiểu rõ nguồn hàng.

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra nhưng số vụ phát hiện, xử phạt chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm. Đặc biệt, hàng xách tay hiện được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, để phát hiện, xử phạt rất khó do sản phẩm được người bán để trong nhà, lực lượng quản lý thị trường muốn kiểm tra trường hợp này phải có quyết định khám nơi ở được chủ tịch quận ký. Có quyết định này không dễ.

Do đó, theo các chuyên gia, một mặt cần nâng cao xử phạt, mặt khác, cần các giải pháp kiểm soát chặt hơn với các tài khoản bán hàng online và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Bởi thực tế, việc kinh doanh hàng xách tay hiện nay vẫn được giao dịch chủ yếu qua quảng cáo miệng, hàng hóa không thể được chứng minh là chính hãng. Trong khi đó, dưới các khung khổ hội nhập, hàng nhập khẩu chính hãng về Việt Nam sẽ ngày càng có giá rẻ hơn, chất lượng bảo đảm bởi được kinh doanh, xuất nhập khẩu bởi các doanh nghiệp uy tín. Do đó, để không gián tiếp tiếp tay cho các vi phạm, người tiêu dùng cần cân nhắc lựa chọn các sản phẩm cho bản thân và gia đình. Thay vì chọn hàng xách tay, hãy lựa chọn và sử dụng hàng nhập khẩu uy tín để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.

 Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang