Tác dụng phụ điển hình khi dùng Omega-3 quá liều, cách bổ sung chuẩn nhất

authorNgọc Nga 09:59 15/09/2022

(VietQ.vn) - Bổ sung Omega-3 sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tuy nhiên nếu quá liều thì sẽ gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe. Vậy đâu mới là liều bổ sung chuẩn nhất?

Tác hại khi bổ sung Omega-3 quá liều

Omega-3 là loại axit béo có ích cho cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không thể tự tạo ra dưỡng chất này. Đây là lý do chúng ta cần bổ sung Omega-3 cho cơ thể từ chế độ ăn uống và thực phẩm chức năng.

Axit béo Omega-3 được tìm thấy trong cá biển, dầu cá, hạt lanh, quả óc chó và hạt chia. Những người không ăn cá thường uống bổ sung để đáp ứng yêu cầu của cơ thể về Omega-3.

Ba loại axit béo Omega-3 chính là axit Alpha-linolenic được cơ thể sử dụng để tạo năng lượng, axit Eicosapentaenoic chủ yếu được tìm thấy trong cá và axit Docosahexaenoic là thành phần cấu trúc của não, võng mạc và các bộ phận cơ thể khác.

Các nghiên cứu đã liên kết việc tiêu thụ axit béo Omega-3 với việc giảm các trường hợp ung thư vú, trầm cảm và một số bệnh viêm nhiễm. Dùng quá liều axit béo Omega-3 có thể để lại hương vị liên quan đến cá ở miệng trong thời gian dài hơn bình thường.

 Quá liều Omega-3 sẽ gây ra nhiều tác hại. Ảnh minh họa

Chúng cũng khiến bạn cảm thấy ợ hơi, đầy bụng, buồn nôn và khó chịu ở dạ dày do phần lớn là hàm lượng chất béo cao. Mặc dù đây là những dấu hiệu nhẹ cho thấy cơ thể bạn được cung cấp quá nhiều Omega-3, nếu không cắt giảm liều dùng, lượng dư thừa có thể làm rối loạn cơ thể.

Theo Healthline, liều lượng cao dưỡng chất này có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, đặc biệt ở người mắc bệnh tiểu đường. Ví dụ, nghiên cứu nhỏ cho thấy việc bổ sung 8 gam axit béo Omega-3 mỗi ngày dẫn đến mức tăng 22% lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type II trong khoảng thời gian 8 tuần. Điều này là do liều lượng lớn có thể kích thích sản xuất glucose, góp phần làm tăng lượng đường trong máu lâu dài.

Dùng lượng lớn chất bổ sung này có thể ức chế sự hình thành cục máu đông, làm tăng nguy cơ chảy máu và gây ra các triệu chứng như chảy máu cam hoặc chảy máu nướu răng. Vì điều này, các bác sĩ thường khuyên bạn ngừng dùng dầu cá và các sản phẩm chứa Omega-3 khác trước khi phẫu thuật.

Cùng với ợ hơi, tác dụng phụ về tiêu hóa khác có thể xảy ra khi dùng Omega-3, đặc biệt phổ biến khi dùng liều cao, là tiêu chảy. Nếu bạn bị tiêu chảy sau khi sử dụng, hãy đảm bảo rằng bạn đang dùng chất bổ sung trong bữa ăn và cân nhắc giảm liều lượng để xem các triệu chứng có tiếp tục hay không.

Một số nghiên cứu đã phát hiện dùng dầu cá hay axit béo Omega-3 với liều lượng vừa phải có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ. Theo Pubmed Central, nghiên cứu trên 395 trẻ em đã chỉ ra rằng uống 600 mg axit béo Omega-3 mỗi ngày trong 16 tuần giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dùng quá nhiều có thể thực sự cản trở giấc ngủ và góp phần gây mất ngủ, đặc biệt ở bệnh nhân có tiền sử trầm cảm.

Do đó người tiêu dùng nên nói với bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào sau khi sử dụng Omega-3, bao gồm: Ho hoặc ho ra máu, khó thở hoặc nuốt, chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc không đều, đau đầu, ngứa hoặc phát ban da, tăng lưu lượng kinh nguyệt, tê liệt, phân màu đỏ hoặc đen, nước tiểu đỏ hoặc nâu sẫm, đổ mồ hôi, mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường.

Cách bổ sung Omega-3 hợp lý nhất 

Theo India Times, mặc dù Omega-3 rất cần thiết cho cơ thể, chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ. Do đó, nếu bạn đang bổ sung axit béo Omega-3, hãy đảm bảo rằng người tiêu dùng đang tiêu thụ đúng lượng. Mỗi liều lượng bổ sung có thể bị lãng phí hoặc nếu không có thể buộc cơ thể phản ứng và thải chất này ra khỏi cơ thể.

Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), một người nên dùng 250 mg đến 2 g axit Eicosapentaenoic và axit Docosahexaenoic. Vì axit Docosahexaenoic là thành phần cấu trúc của nhiều cơ quan trong cơ thể, các chuyên gia khuyến cáo rằng chất bổ sung Omega-3 tối thiểu nên có 250 mg DHA.

Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu, các chất bổ sung axit béo Omega-3 có thể được tiêu thụ an toàn với liều lượng lên đến 5.000 mg mỗi ngày.

Lượng axit Eicosapentaenoic cao hơn trong các chất bổ sung sẽ hữu ích cho những người mắc bệnh viêm nhiễm. Do đó nên liên hệ với bác sĩ trước khi dùng các chất bổ sung để biết những gì phù hợp hơn.

Tốt nhất nên uống Omega- 3 vào buổi sáng để cơ thể hấp thu hiệu quả nhất. Nên uống Omega 3 vào sau mỗi bữa ăn vì Omega 3 được hấp thụ tối đa sau bữa ăn có chứa chất béo. Người dùng có thể lựa chọn thời điểm nào thuận tiện nhưng cần ý sử dụng thói quen uống Omega-3 đúng giờ để đạt được hiệu quả tối ưu.

Việc điều chỉnh thời gian bổ sung Omega- 3 có thể giúp ngăn ngừa một số tác dụng phụ như trào ngược axit dạ dày. Vì vậy nên uống Omega- 3 thành hai liều nhỏ hơn và uống vào buổi sáng và buổi tối là một chiến lược tốt giúp ngăn ngừa chứng trào ngược axit dạ dày và chứng khó tiêu. Mặc dù sau 14 giờ, việc hấp thu dầu cá bị giảm dần, nhưng nó lại hữu ích với người bị mất ngủ vì nồng độ Omega- 3 cao trong máu sẽ giúp dễ ngủ và ngủ sâu hơn.

Ngọc Nga (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang