Tái chế rác thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM còn nhiều bất cập

author 16:44 28/03/2024

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, hiện nay tình trạng tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) vẫn còn nhiều bất cập để lại không ít tác hại. Do đó cần phải có giải pháp quyết liệt hơn trong việc tái chế.

Còn nhiều bất cập

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, tổng khối lượng tái chế chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 9.000-9.500 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ làm phân compost, tái chế chiếm 31%, còn lại là chôn lấp. TP.HCM đã dành 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn là Đa Phước (huyện Bình Chánh) với quy mô 614ha và Phước Hiệp (huyện Củ Chi), quy mô 687ha để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải. Về lâu dài, hoạt động chôn lấp rác, sẽ gây áp lực rất lớn cho quỹ đất chung của thành phố. Vì vậy, tăng tỷ lệ rác tái chế là giải pháp để giảm áp lực gia tăng quỹ đất phục vụ cho hoạt động chôn lấp rác, nhất là trong bối cảnh quỹ đất tại  TP.HCM ngày càng hạn hẹp.

Việc tái chế rác thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Ảnh: Saigongiaiphong

TS Nguyễn Thanh Hùng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia  TP.HCM), nhìn nhận, cơ hội, tiềm năng đối với lĩnh vực tái chế ở  TP.HCM rất cao do lượng tái chế chất thải rắn sinh hoạt tiếp tục gia tăng trong thời gian tới bởi gia tăng dân số, phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh. Trong thành phần tái chế chất thải rắn sinh hoạt luôn có nhiều thứ có thể tái chế như bao bì giấy, kim loại, vỏ chai nhựa, thủy tinh, cao su, đồ dùng gia dụng…

Tuy nhiên, công tác phân loại rác tại nguồn ở TP.HCM vẫn chưa được triển khai đồng bộ và quyết liệt, dẫn đến các thành phần có thể tái chế trong tái chế chất thải rắn sinh hoạt còn lẫn nhiều tạp chất, không đáp ứng được tiêu chuẩn đầu vào làm nguyên liệu cho sản xuất, thực hiện tái chế. Nguyên nhân của việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt yêu cầu là do nhiều hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại; công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương chưa đồng bộ. 

Ngoài ra, thành phố cũng chưa có hỗ trợ đủ mạnh cho hoạt động tái chế, còn thiếu nguồn lực phục vụ tái chế như vốn, nhân lực trình độ cao, trang thiết bị chuyên môn, chính sách ưu đãi cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào lĩnh vực tái chế. Chất thải rắn khi thải vào môi trường gây ô nhiễm, đất, nước, không khí. Ngoài ra, rác thải còn làm mất vệ sinh công cộng, làm mất mỹ quan môi trường. Rác thải là nơi trú ngụ và phát triển lý tưởng của các loài gây bệnh hại cho người và gia súc. 

Cần có giải pháp để quản lý tốt việc tái chế rác thải rắn sinh hoạt

TS Nguyễn Thanh Hùng, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia  TP.HCM) cho biết, để đảm bảo cho các hoạt động tái chế thì hệ thống cơ sở hạ tầng về thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn cần được tăng cường đầu tư nhằm theo kịp tốc độ phát triển của TP.HCM.

Ở góc độ quản lý, cần tổ chức lại hệ thống thu gom, tái chế phế liệu của các nghiệp đoàn, hợp tác xã thu mua rác phế liệu và hiệp hội các cơ sở tái chế phế liệu... Điều này sẽ giúp thành phố quản lý tốt hơn các dòng nguyên liệu tái chế từ tái chế chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Đồng thời, thành phố cần di dời các cơ sở tái chế chất thải không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường trong khu vực dân cư; kêu gọi đầu tư và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ hoạt động tái chế; sớm có chính sách ưu đãi đầu tư để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào lĩnh vực tái chế chất thải.

Đồng quan điểm, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ, để phát triển thị trường tái chế, thành phố cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, quan trọng và cấp bách nhất là đẩy mạnh công tác phân loại rác tại nguồn trên cơ sở vừa tiếp tục nâng cao nhận thức người dân qua các kênh truyền thông đại chúng, vừa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 45 của Chính phủ.

Bên cạnh giải pháp về phân loại rác tại nguồn, thành phố cần có chính sách thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm tái chế; đẩy mạnh áp dụng công cụ kinh tế quản lý chất thải theo hướng trợ giá cho sản phẩm thân thiện môi trường; đánh thuế nặng với sản phẩm có hại cho môi trường như túi ni lông khó phân hủy; thành lập các đơn vị đầu mối có chức năng quản lý nhà nước, thực hiện liên kết, cung cấp thông tin về thị trường sản phẩm và nguyên liệu tái chế.

Bàn về giải pháp, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường các biện pháp và chuyên đề cho nội dung hạn chế rác thải nhựa này. Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ kết nối với các chợ, buộc các chợ phải bố trí chỗ bán các sản phẩm túi thân thiện với môi trường cũng như phải có chỗ cho các doanh nghiệp bán hàng sử dụng túi thân thiện với môi trường.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ, thời gian tới, UBND thành phố sẽ cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường 2020 bằng các quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa để bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.

Đồng thời, lên kế hoạch đến năm 2030, thành phố sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, trừ các sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Tiêu chuẩn TCVN 13753:2023 về Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Tiêu chuẩn TCVN 13753:2023 về Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Cục Hạ tầng kỹ thuật xây dựng, biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tiêu chuẩn này hướng dẫn khi thiết kế cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt có địa điểm và giải pháp công nghệ cơ bản phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch liên quan được phê duyệt và phương án phân loại chất thải rắn tại nguồn của địa phương để xác định khối lượng, quy mỏ, tính chất đặc thù chất thải rắn thuộc phạm vi được thiết kế thu gom, xử lý.

Khi lựa chọn giải pháp thiết kế bố trí, lắp đặt các hạng mục công trình hoặc lắp đặt cải tạo đi kèm với công nghệ thiết bị lò phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật xây dựng, vật liệu đảm bảo độ bền, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh và có so sánh các giải pháp kinh tế, kỹ thuật phù hợp với đặc điểm khu vực, mức độ quy mô yêu cầu an toàn chịu lực, vệ sinh môi trường, có khoảng cách bố trí hợp lý giữa các hạng mục đảm bảo thuận tiện, an toàn, tối ưu hóa trong quá trình vận hành sửa chữa/bảo trì.

Cho phép đối với một số hạng mục có thể hợp khối giữa các công trình nhưng vẫn cần bố trí không gian phù hợp đảm bảo tối ưu hóa vận hành, an toàn, thuận tiện cho người và phương tiện thiết bị trong quá trình lắp đặt, vận hành, sửa chữa.

Cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Không khuyến khích đầu tư cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã. Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý bằng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang