Tài khoản ngân hàng ảo, SIM rác vẫn là mối nguy trên không gian số

(VietQ.vn) - Mặc dù thời gian qua cơ quan chức năng và các nhà mạng đã áp dụng nhiều biện pháp xóa SIM rác, định danh tài khoản ngân hàng nhưng tình trạng mua bán SIM rác, sử dụng tài khoàn ngân hàng ảo vẫn diễn biến phức tạp.
Tên miền website có thể trở thành mục tiêu tấn công của kẻ xấu dẫn tới các website cờ bạc phi pháp
Trung Quốc sẽ áp dụng tiêu chuẩn về thiết bị đảm bảo an toàn trên ô tô trong năm nay
TCVN 14190-3:2024 về an toàn hệ thống sinh trắc học trong an toàn thông tin
Chuẩn hóa thông tin nhưng SIM rác vẫn còn
Dù các cơ quan chức năng và nhà mạng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong việc chuẩn hóa thuê bao và định danh tài khoản ngân hàng, tình trạng SIM rác, tài khoản ảo vẫn ngang nhiên tồn tại, là công cụ của các hoạt động lừa đảo.
Theo các nhà mạng, tính đến nay, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đã hoàn tất, nghĩa là mỗi số điện thoại đang hoạt động tại Việt Nam đều gắn với một cá nhân thật. Tuy nhiên, trên thực tế, người sử dụng SIM lại không hẳn là chủ sở hữu thực sự. Điều này khiến các đối tượng xấu có thể dễ dàng sử dụng danh tính người khác để lừa đảo, gây khó khăn cho việc điều tra.
Tình trạng SIM đã đăng ký sẵn vẫn được rao bán công khai như một mặt hàng phổ thông. Người mua chỉ cần chọn số yêu thích, còn người bán lo mọi thủ tục kích hoạt mà không cần giấy tờ cá nhân từ người mua. Trong khi đó, thị trường ngầm cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cũng hoạt động nhộn nhịp không kém trên các nền tảng mạng xã hội.
Không chỉ sử dụng SIM rác, các đối tượng lừa đảo còn tìm cách chiếm đoạt tài khoản ngân hàng bằng nhiều chiêu trò tinh vi. Từ việc giả mạo khuyến mãi để dụ dỗ học sinh, sinh viên, cán bộ mở tài khoản, đến việc dùng app độc hại, website ngân hàng giả để thu thập thông tin cá nhân.

Sử dụng SIM rác, ngân hàng ảo gây ra nhiều vụ lừa đảo người tiêu dùng qua điện thoại. Ảnh: Tuổi Trẻ
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng – Giám đốc Thương mại Điện tử hệ thống 24hStore nhận định: “Ngoài việc thuê người mở tài khoản, hiện nay nhiều nhóm tội phạm còn sử dụng công nghệ để giả mạo trang web ngân hàng, ứng dụng di động, từ đó lừa người dùng nhập dữ liệu cá nhân quan trọng.”
Hoạt động xuyên biên giới cũng là một phần nguyên nhân. Tại một số quốc gia như Campuchia, việc đăng ký SIM chưa yêu cầu xác thực sinh trắc học, tạo điều kiện cho các nhóm lừa đảo thuê người Việt quay video khuôn mặt để thực hiện eKYC giả, chuyển dữ liệu ra nước ngoài nhằm mở tài khoản phục vụ gian lận.
Giải pháp nào để ngăn chặn tận gốc?
Ông Nguyễn Duy Tín – Giám đốc một công ty truyền thông cho rằng tình trạng SIM và tài khoản không chính chủ là vấn đề toàn cầu. “Ngay cả tại các quốc gia phát triển, công nghệ giả mạo ngày càng tinh vi, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.”
Các cuộc gọi lừa đảo hiện không còn giới hạn ở người già, trẻ em mà đã mở rộng đến người đang đi làm, doanh nhân, quan chức... Công nghệ AI, deepfake và kỹ thuật giả giọng nói, mạo danh số điện thoại đã khiến nhiều nạn nhân mất tiền oan.
Dù nhiều ngân hàng lớn đã áp dụng eKYC, AI để phát hiện giả mạo, nhưng công nghệ lừa đảo cũng không ngừng nâng cấp. Đây là cuộc đua công nghệ không cân sức giữa các tổ chức tài chính, nhà mạng và giới tội phạm mạng.
Đại diện Viettel đề xuất Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao nên là đơn vị duy nhất được cấp phát và thu hồi số định danh. Khi phát hiện thuê bao có dấu hiệu lừa đảo, cần thu hồi ngay số định danh và chia sẻ dữ liệu với các doanh nghiệp viễn thông để ngừng cung cấp dịch vụ.
Với các cuộc gọi từ nước ngoài, cần có cơ chế cảnh báo người dùng bằng tin nhắn trước khi cuộc gọi đổ chuông. Ngân hàng Nhà nước cũng cần phát đi cảnh báo khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản có dấu hiệu lừa đảo.
Tập đoàn Viettel đề nghị khẩn trương sửa đổi Nghị định 91/2020, yêu cầu các doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm ngăn chặn cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Ngoài ra, cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành về số thuê bao và tài khoản ngân hàng liên quan đến lừa đảo. Đây sẽ là nền tảng để các đơn vị phối hợp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Các cơ quan nhà nước khuyến cáo, không làm việc với người dân qua điện thoại. Người dùng cần cảnh giác với các số lạ, không có định danh. Khi nhận cuộc gọi nghi vấn, nên từ chối hoặc ngắt máy ngay. Có thể sử dụng tính năng chặn cuộc gọi, ứng dụng lọc spam để bảo vệ an toàn cá nhân.
Cuộc chiến chống SIM rác, tài khoản ảo cần sự phối hợp mạnh mẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Chỉ khi toàn xã hội cùng vào cuộc, vấn nạn này mới có thể được đẩy lùi.
An Dương (T/h)