Phát triển NHCN quýt hồng Lai Vung… “rối như canh hẹ”

author 11:27 07/12/2015

(VietQ.vn) - Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ - Chương trình 68 đã thực hiện hỗ trợ cho nhiều địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu, tạo lập vị thế phát triển và cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Nhiều địa phương muốn có nhãn hiệu để bảo hộ cho sản phẩm nông sản đặc trưng của mình. Tuy nhiên, không ít nơi, khi có nhãn hiệu rồi lại lúng túng trong thúc đẩy phát triển. Nhãn hiệu tập thể Quýt hồng Lai Vung là một trường hợp như vậy.

Để làm rõ những bất cập trên, PV Chất lượng Việt Nam đã có trao đổi với ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đồng Tháp xung quanh những khó khăn mà nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Quýt hồng Lai Vung” đang gặp phải.

Sở hữu trí tuệ quýt hồng Lai Vung

Nhãn hiệu chứng nhận “Quýt hồng Lai Vung” được hỗ trợ bởi Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ - Chương trình 68 của Chính phủ

- Thưa ông, dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Quýt hồng Lai Vung” đem lại lợi ích thích thực gì cho người dân?

Ông Dương Nghĩa Quốc: Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Quýt hồng Lai Vung” cho sản phẩm quýt hồng của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp" do phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung chủ trì thực hiện.

Từ khi triển khai đến nay đã hơn 4 năm, kết quả mà dự án mang lại cho người dân là khá rõ ràng. Có 3 kết quả chính mà dự án đã mang lại cho người dân huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Đó là: Loại trái cây đặc sản đầu tiên của Đồng Tháp chính thức được sở hữu “nhãn hiệu chứng nhận” cho tập thể những người trồng quýt hồng tại địa phương. Được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Được địa phương, các ngành quan tâm đầu tư hỗ trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu giúp nâng cao chất lượng cũng như quảng bá nhãn hiệu và tiến tới phát triển thành thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

-Giá bán quýt hồng Lai Vung mang NHCN “Quýt hồng Lai Vung” so với quýt thường như thế nào, sản phẩm có dễ tiếp cận với các hệ thống siêu thị và phân phối hiện đại không?

Ông Dương Nghĩa Quốc: Theo thông tin từ cơ quan quản lý NHCN thì hiện nay giá bán giữa quýt hồng mang nhãn hiệu với quýt hồng không mang nhãn hiệu không có sự khác biệt nhiều. Nguyên nhân do phụ thuộc nhiều yếu tố về chất lượng, độ đồng đều của sản phẩm. Do đó, người trồng quýt hồng chưa quan tâm nhiều đến việc dán nhãn cho sản phẩm quýt hồng với lý do tốn thêm chi phí và mất nhiều thời gian. Trong khi đó, thời gian bảo quản sản phẩm quýt không được lâu nên phải nhanh chóng đưa đến nơi tiêu thụ càng nhanh càng tốt.

Hiện nay, sản phẩm quýt hồng Lai Vung hoàn toàn có thể tiếp cận với các hệ thống siêu thị và hệ thống phân phối hiện đại vì sản phẩm đã có NHCN. Việc còn lại là làm thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng và thị trường, đồng thời phải tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu để tạo và nâng cao uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng cho sản phẩm mang nhãn hiệu.

- Nhận định về những khó khăn của sản phẩm sau khi đăng ký nhãn hiệu, ông từng cho rằng, chỉ sử dụng logo nhãn hiệu có mức độ khiêm tốn tùy yêu cầu khách hàng. Ông giải thích cụ thể thực trạng này đối với nhãn hiệu quýt Hồng Lai Vung như thế nào?

Ông Dương Nghĩa Quốc: Tôi đã từng có báo cáo tham luận về vấn đề đó. Những khó khăn trên không riêng của Đồng Tháp mà hầu như các sản phẩm nông sản của Việt Nam đều gặp phải. Địa phương muốn có nhãn hiệu để bảo hộ cho sản phẩm nông sản đặc trưng của mình nhưng khi có nhãn hiệu rồi lại không thể phát triển được với nhiều lý do mà chủ yếu là do cách thức tổ chức quản lý của chủ nhãn hiệu còn lúng túng. Sở KH&CN đã làm việc và hướng dẫn địa phương nhưng cũng chưa chuyển biến tích cực.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Sản lượng tiêu thụ lớn, thương lái phân phối cho các chợ đầu mối nên không quan tâm đến việc dán nhãn vì mất nhiều thời gian cho việc dán nhãn từng trái (chưa có công nghệ dán nhãn hàng loạt).

Không quản lý được chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu - đã tư vấn lựa chọn thực hiện thí điểm cho HTX và một số hộ trồng quýt theo quy trình VietGap. Hiện tại chỉ có 19 thành viên đăng ký sử dụng nhãn hiệu.

- Giải quyết bài toán trên như thế nào thưa ông?

Ông Dương Nghĩa Quốc: Để giữ uy tín cho sản phẩm mang nhãn hiệu và cam kết cung cấp cho khách hàng những sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn và tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu thì bắt buộc chủ nhãn hiệu phải quản lý được:

- Chỉ thành viên được cấp quyền mới được sử dụng nhãn hiệu.

- Phải kiểm tra và kiểm soát được quy trình cấp, sử dụng và thu hồi nhãn hiệu nếu không đáp ứng yêu cầu của quy chế đối với các thành viên sử dụng nhãn hiệu.

- Nếu làm được những điều trên thì chủ nhãn hiệu mới giữ được uy tín, chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu của mình.

Xin cảm ơn ông!

Trần Hoài (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang