Bài toán khai thác tối ưu tài sản trí tuệ của mỗi doanh nghiệp

author 18:04 20/12/2015

(VietQ.vn) - Tài sản trí tuệ đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tài sản của doanh nghiệp. Khai thác tối ưu tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp tăng cường uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Sự kiện: Phát triển Tài sản trí tuệ

Tài sản trí tuệ thực sự đã trở thành tài sản vô hình chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tỷ lệ tài sản của doanh nghiệp. Ở các nước châu Âu như Hà Lan, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, tài sản trí tuệ đã chiếm từ 30-40% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Tại Nhật Bản, 40% tài sản của doanh nghiệp là tài sản trí tuệ, tại Mỹ tài sản trí tuệ chiếm tới 70%.

Trong khi đó, theo thống kê, việc đăng ký và cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam tăng bình quân hàng năm 20%, do việc khai thác tối ưu tài sản trí tuệ có thể giúp doanh nghiệp tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Khai thác tối ưu tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và uy tín trên thị trường

Khai thác tối ưu tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh và uy tín trên thị trường

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi đầu tư vào tài sản trí tuệ sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, tránh được những rủi ro như mất thương hiệu, mất quyền sáng chế, mất quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, mất bí mật thiết kế và bị các đối thủ khác cạnh tranh không lành mạnh trên thương trường....

Thực tế cho thấy, tính đến nay, nhận thức của công chúng nói chung và doanh nghiệp nói riêng ở Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ đã được nâng cao. Bước vào hội nhập, các doanh nghiệp đã nhận thức được rằng nếu mang hàng ra nước ngoài mà không quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ là có thể vô tình xâm phạm tài sản trí tuệ của người khác hay nghiêm trọng hơn là tài sản trí tuệ của mình không được bảo vệ.

Theo thống kê, cho đến cuối năm 2014, đã có trên 29.900 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, trên 333.000 đơn đăng ký nhãn hiệu, 41.254 đơn đăng ký sáng chế… nộp về Cục Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, con số doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa ngày càng cao.

Bàn về vấn đề quyền sở hữu tài sản trí tuệ, đại diện Tổng công ty May 10 cho biết, việc đăng ký nhãn hiệu luôn được công ty chú trọng để bảo vệ sản phẩm của mình trước những hành vi làm hàng nhái, hàng giả và xây dựng thương hiệu. Công ty đã có hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam và đăng ký bảo hộ bản quyền thương hiệu tại 3 thị trường chính là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tài sản trí tuệ ngày càng được nâng cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay

Nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tài sản trí tuệ ngày càng được nâng cao trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay

Ngoài ra, công ty cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cửa hàng, đại lý nhằm phát hiện và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong hệ thống tiêu thụ.... Nhờ đó, May 10 luôn nằm trong Top thương hiệu mạnh trong ngành dệt may Việt Nam, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 15-20%/năm.

Hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp, ngay từ năm 2013, Công ty Vemedim cũng đã thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp các sản phẩm do công ty sản xuất. Vì vậy đã không bị trùng lặp thương hiệu, nhãn hiệu của doanh nghiệp khác, đồng thời được Nhà nước và xã hội bảo hộ về quyền lợi của nhãn hiệu hay kiểu dáng đã đăng ký, khách hàng cũng tin tưởng hơn, từ đó rất thuận lợi khi giao dịch với khách hàng trong và ngoài nước. Do vậy, khi đưa dòng sản phẩm mới nào ra thị trường, công ty đều chủ động đăng ký thương hiệu, bản quyền.

Tuy nhiên, để tài sản trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan cần liên tục cập nhật thông tin về sở hữu trí tuệ. Trước khi phát triển một sản phẩm mới hay dịch vụ nào đó, doanh nghiệp cần tra cứu thông tin để tìm hiểu tình hình trên thế giới, tránh lặp lại những nghiên cứu sáng chế đã có.

Doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình

Doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình

Đồng thời, tùy vào quy mô của doanh nghiệp mà nên có các phòng, ban, bộ phận, hoặc có người chuyên trách về sở hữu tài sản trí tuệ, bởi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay của doanh nghiệp đều có liên quan đến sở hữu trí tuệ, từ tên công ty, công nghệ sản xuất hàng hoá, kiểu dáng, nhãn hiệu....

“Rõ ràng, yếu tố then chốt bảo vệ thương hiệu là doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 100 văn phòng tư vấn, ở đó có các luật sư giúp cho người nộp đơn hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ cũng có một đơn vị gọi là trung tâm hỗ trợ tư vấn luôn sẵn sàng hỗ trợ miễn phí giúp các doanh nghiệp, nhà sáng chế hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình”, một chuyên gia chia sẻ thêm.

Minh Thùy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang