Talkshow: Năng suất lao động – Đòn bẩy phát triển kinh tế bền vững

author 10:20 05/12/2019

(VietQ.vn) - Ngày 5/12, Talkshow “Năng suất lao động – Đòn bẩy phát triển kinh tế bền vững” đã được Chất lượng Việt Nam online tổ chức thực hiện với sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL và chuyên gia kinh tế.

Sự kiện: Giao lưu trực tuyến

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động (NSLĐ) là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện NSLĐ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Chương trình này có sự tham gia của các khách mời:

+ TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN)

+ TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

+ Ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI)

+ TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế

Các chuyên gia trao đổi về năng suất lao động trong bài toán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tại talkshow.

Phần 1: Bức tranh Năng suất lao động Việt Nam

MC: Thưa TS Nguyễn Trí Hiếu, yếu tố nào quan trọng quyết định đến NSLĐ trong bài toán tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Như chúng ta đã biết phát triển một nền kinh tế dựa rất nhiều vào các yếu tố như: sản xuất, đất đai, con người… Thực tế, dù quốc gia có giàu tài nguyên, tiền của mà yếu tố con người không đủ năng lực để quản lý, sử dụng các phương tiện khác thì nền kinh tế cũng không thể tiến xa.

Trên thế giới, những nền kinh tế đứng hàng đầu đều có nguồn nhân lực dồi dào, trình độ và năng suất lao động cao. Và rõ ràng con người - nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế của một quốc gia.

MC: TS. Vũ Tiến Lộc: Xin ông cho biết thực trạng năng suất lao động trong các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay và đâu là nguyên nhân khiến năng suất lao động còn thấp?

TS. Vũ Tiến Lộc: Trước hết phải khẳng định rằng hiện nay Việt Nam đang là một trong những quốc gia có năng suất lao động thấp nhất trong ASEAN. Trong những năm qua dù chúng ta có những nỗ lực để cải thiện năng suất, nhưng khoảng cách về năng suất giữa Việt Nam và các nước ASEAN đang giãn dần, như vậy khả năng bắt kịp năng suất lao động của những nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN là rất khó khăn.

Hiện nay phần lớn lao động của chúng ta vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và với mọi nền kinh tế thì năng suất lao động của khu vực này vẫn luôn rất thấp. Chính vì vậy cả hai hướng rất quan trọng mà chúng ta cần thúc đẩy trong thời gian tới đó là tiếp tục chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ thông qua việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện những biện pháp để các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, tăng cường đầu tư bắt kịp được công nghệ 4.0 để có thể nâng cao năng suất ngay trong nội ngành của các doanh nghiệp. Đây là những giải pháp rất quan trọng và muốn đạt được những định hướng nâng cao năng suất lao động như vậy thì phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế và mở cửa hội nhập.

Tôi cho rằng một trong những hướng đi rất quan trọng là phải chính thức hóa khu vực hộ kinh doanh cá thể, thúc đẩy họ phát triển thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng cường nghiên cứu phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể trang bị nguồn công cụ mới nhất trong những doanh nghiệp sản xuất cũng là biện pháp quan trọng.

MC: Thưa ông Đào Phan Long - Doanh nghiệp cơ khí cần gì để tăng năng suất lao động?

Ông Đào Phan Long: Năng suất lao động vốn giữ vai trò quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. năng suất lao động của Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng xuất phát từ chính môi trường làm việc, công nghệ hóa còn yếu.

Trừ ra những ngành chúng ta đã phát triển và có thế mạnh như cơ khí thủy công, chế tạo dàn khoan dầu khí, đóng tàu… thì đa số các ngành chế tạo linh phụ kiện của Việt Nam, năng suất còn kém, người lao động có tay nghề khéo, nhưng đa số vẫn còn yếu về kỹ năng, công nghệ và tư duy sáng tạo.

Chính vì thế, sản phẩm của Việt Nam vẫn còn ở trong ao làng, chưa thể tham gia vào chuỗi sản phẩm toàn cầu, sản xuất cùng các doanh nghiệp quốc tế. Để nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp, có 3 yếu tố cần tập trung: công nghệ, nhân lực và vốn; trong đó, về công nghệ, máy móc thiết bị là yếu tố quan trọng, nhưng phải cộng thêm cách tổ chức quản lý khoa học mới mang lại hiệu quả và giảm bớt số công nhân. Thêm vào đó, cần tăng cường kỹ năng, năng lực của người lao động. Vấn đề này có vai trò nhiều của các cơ sở đào tạo, trường học.

MC: Vậy theo ông Long, vấn đề tăng năng suất cần yếu tố nào quan trọng nhất?

Ông Đào Phan Long: Theo tôi, ngoài việc nhà nước hỗ trợ như có chính sách tiếp cận hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, có những chính sách giúp nâng cao năng suất cho doanh nghiệp như đổi mới sáng tạo, tiếp cận các mô hình quản trị hiện đại, hay có các doanh nghiệp đầu tàu để kéo doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đi lên…xét cho cùng, năng suất lao động là yếu tố sống còn của doanh nghiệp nên doanh nghiệp phải tự mình tìm tòi, học hỏi những công nghệ mới, cách thức quản lý khoa học từ các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn.

Hiệp hội cũng đã phối hợp các đơn vị trong nước để tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội thảo lớn về máy móc, cơ khí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam – quốc tế gặp gỡ và tìm kiếm hợp tác. Sắp tới, hiệp hội sẽ tiếp tục có tổ chức những chương trình như vậy, vấn đề còn lại là hành động của doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước như thế nào. Cơ hội là rất nhiều ở phía trước.

MC: NSLĐ của Việt Nam thấp, qua các con số thống kê cho thấy rất rõ điều đó, vậy theo ông nguyên nhân là do đâu thưa TS Hà Minh Hiệp?

TS. Hà Minh Hiệp: Theo báo cáo gần đây, năng suất lao động (NSLĐ) 2018 là 102 triệu/1 lao động, tương đương 4.5120 USD/1 lao động. Mặc dù giá trị NSLĐ chưa cao nhưng tốc độ tăng NSLĐ là 5,93% (2018). Trong châu Á, Việt Nam nằm trong top các nước có tốc độ tăng NSLĐ cao. Tốc độ tăng NSLĐ giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách về NSLĐ về các nước phát triển.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu lao động còn thấp. Bên cạnh đó, năng suất nội ngành chưa thực sự phát huy động lực chính để cải thiện NSLĐ.

Thứ hai, chất lượng nguồn lao động chưa cao. Theo số liệu báo cáo năng lực cạnh tranh quốc tế, của Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 chất lượng nguồn nhân lực có 2 chỉ số, gồm: chỉ số sức khỏe và kĩ năng. Chỉ số sức khỏe, Việt Nam đứng thứ 68 trên 140 nước; chỉ số kỹ năng xếp thứ 97/140 nước. Trong chỉ số kĩ năng, chỉ số kĩ năng sinh viên sau tốt nghiệp đứng thứ 128; chỉ số chất lượng đào tạo nghề đứng 115/140 nước.

Thời gian tới, cần phải cải thiện các chỉ số về nguồn lao động.

TS.Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh về vai trò của KHCN và Đổi mới sáng tạo trong việc giúp tăng NSLĐ. 

 

MC: Vậy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức nào để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước?

TS. Hà Minh Hiệp: Chúng ta đang phải đối diện với thách thức già hóa dân số. Trình độ quản lý của doanh nghiệp và ý thức người lao động chưa cao.

Chúng ta đã tích cực cải thiện năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn phải tích cực đổi mới.

Trong bối cảnh thế giới mới, cách mạng 4.0 đang tác động trực tiếp tới các quốc gia, doanh nghiệp và người dân, nếu không bắt kịp chúng ta khó thúc đẩy tăng NSCL thời gian tới.

MC: Thưa ông Hiếu, thống kê cho thấy, NSLĐ các ngành như nông, lâm, thủy sản hiện rất thấp, còn công nghiệp, xây dựng, dịch vụ thì chưa được như kỳ vọng. Vậy theo ông, những ngành kinh tế chủ chốt này phải làm gì để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo thống kê năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khoảng 3.000 USD/người và đây là mức khá thấp so với thế giới. Trong phạm vi khu vực ASEAN, năng lực lao động và năng suất lao động của Việt Nam vẫn đứng dưới Singapore, Malaysia, Brunei, Philippin và chỉ xếp trên Lào, Campuchia, Myanma.

Lí giải về việc năng suất lao động thấp, theo tôi xuất phát từ các nguyên nhân sau: Xét về vĩ mô, quy mô nền kinh tế của Việt Nam còn tương đối thấp; Xét về vi mô, người lao động của Việt Nam vẫn còn yếu về năng suất lao động. Nghĩa là sản xuất của chúng ta chưa phải sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Giá trị những sản phẩm người lao động sản xuất ra còn hạn chế so với thế giới.

Về các ngành nghề, ví dụ ngành nông nghiệp được coi là một trong những cột trụ của nền kinh tế. Tuy nhiên năng suất của người lao động trong ngành này vẫn rất thấp, thậm chí thấp nhất bởi quy mô nhỏ, chưa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tiếp theo là ngành dệt may, dù chúng ta xuất khẩu rất nhiều thế nhưng hàng hóa sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng, công nghệ cao…

Tôi cho rằng, với những ngành nghề như nông nghiệp, dệt may, thủy hải sản, hàng tiêu dùng… năng suất lao động của chúng ta thấp là bởi chúng ta chưa áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, muốn tăng NSLĐ phải quan tâm đến đời sống của người lao động.

 

MC: Có một thực tế cho thấy, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ. Ông ý kiến như thế nào về thực trạng này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong nền kinh tế có 3 nhóm lực lượng nòng cốt bao gồm: Doanh nghiệp có vốn nhà nước; Doanh nghiệp tư nhân và Hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân có tỷ trọng về lực lượng lao động chiếm đến 90%, trong đó hộ kinh doanh chiếm khoảng 60-70%. Phần lớn hộ kinh doanh sản xuất với công nghệ thấp, trình độ kĩ thuật, sử dụng phương pháp sản xuất thủ công.

Chính vì điều đó, lực lượng lao động của chúng ta còn nằm trong nhóm sản xuất với hàm lượng công nghệ thấp. Nếu chúng ta muốn chuyển đổi lực lượng lao động lên cấp quốc gia, chúng ta phải quan tâm rất nhiều đến lực lượng lao động trong hộ kinh doanh.

Trở lại cuộc cách mạng công nghệ 4.0, mặc dù chúng ta có chuyển đổi tuy nhiên vẫn rất chậm, vận hành thủ công rất nhiều. Chẳng hạn quản trị một thành phố như Hà Nội, gần như tất cả mọi thứ từ: quản lý, kiểm soát, giao thông… đều vận hành theo phương pháp truyền thống, chưa có những phương pháp hiện đại. Ngay cả trong hệ thống ngân hàng - tài chính, rất nhiều phương pháp quản trị (văn bản, kí giấy tờ…) vẫn sử dụng bản cứng, bản sao mà chưa áp dụng công nghệ cao (ví dụ như chữ kí điện tử…). Thành ra sự chuyển đổi sang nền kinh tế với công nghệ hiện đại còn chậm.

Tôi nghĩ rằng, một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải đẩy nhanh tiến trình công nghệ hóa. Thời đại số, điện thoại di động là công nghệ kết nối tất cả mọi sự vật, sự việc. Bởi vậy các doanh nghiệp, Chính phủ, cơ quan hãy sử dụng những ứng dụng mà chúng ta có thể kết nối bằng điện thoại di động.

MC: Theo TS Vũ Tiến Lộc chúng ta đang gặp khó khăn nào khi chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp?

TS. Vũ Tiến Lộc: Có 2 lý do gây cản trở cho việc chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp dịch vụ. Trước hết, đó là vấn đề thị trường, điều này sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực công nghiệp, có khả năng mở rộng thị trường thì sẽ có khả năng thu hút thêm nhiều lao động chuyển dịch sang khu vực này.

Thứ hai chính là thể chế chính sách đối với phát triển doanh nghiệp. Chúng ta đã trải qua 1 thời kỳ rất dài để cởi trói cho doanh nghiệp, tạo điều kiện việc thành lập các doanh nghiệp mới và phát triển các doanh nghiệp hiện có. Nhưng các thủ tục hành chính, các kiện kinh doanh, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, công tác thanh tra, kiểm tra hiện vẫn đang là rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. Muốn phát triển được khu vực công nghiệp dịch vụ thì chủ thể của khu vực này chính là các doanh nghiệp. Vì vậy, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hướng tới đạt bằng được các mục tiêu phát triển doanh nghiệp như Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã đề ra, thì chúng ta mới hoàn thành được nhiệm vụ chuyển dịch được lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ để có thể nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế sở hữu nhiều Hiệp định thương mại tự do cho nên không gian thị trường của chúng ta là không gian toàn cầu, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp mở cửa thị trường. Tất nhiên đi kèm với đó là sự cạnh tranh rất gay gắt và các doanh nghiệp chỉ có thể cạnh tranh thắng lợi trong một thị trường rộng mở nếu doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh và để nâng cao được năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp phải nâng cao năng suất lao động của mình.

MC: Ông có thể nói rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất trong thời gian tới thưa TS. Vũ Tiến Lộc? 

TS. Vũ Tiến Lộc: Trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường mở cửa đặc biệt là sự tác động rất mạnh mẽ của cuộc Cách mạnh công nghệ 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp phải vươn tới những chuẩn mực quốc tế và ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao được năng lực cạnh tranh. Chỉ khi doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh mới thu hút thêm được nhiều lao động, tạo thêm nhiều việc làm trong ngành công nghiệp dịch vụ đó là cách doanh nghiệp đóng góp vào việc nâng cao năng suất lao động.

Tôi cho rằng khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chủ yếu của tăng trưởng, là xương sống của nền kinh tế nên việc nâng cấp được khu vực vừa và nhỏ thậm chí là siêu nhỏ vươn tới được chuẩn mực quốc tế là điều kiện để nâng cao được năng suất lao động của khu vực này.

Trong mọi nền kinh tế, năng suất lao động của doanh nghiệp vừa và nhỏ bao giờ cũng thấp hơn các doanh nghiệp lớn vì đầu tư về vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng hạn hẹp hơn rất nhiều, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bao giờ cũng sẽ khó tiếp cận được với các công nghệ hàng đầu, không có điều kiện để tham gia vào chuỗi các sản xuất để có năng suất lao động cao. Nhưng khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ lại là khu vực rất quan trọng bởi khu vực này có thể giải quyết được lực lượng lao động lớn nhất trong nền kinh tế nên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và nâng cao năng suất trong khu vực này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Vì vậy, cần từ bỏ quan niệm chỉ có những doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng vươn tới các chuẩn mực quốc tế mà trong thời buổi hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải và có điều kiện để vươn tới các chuẩn mực toàn cầu. Và không chỉ có doanh nghiệp lớn mới tham gia được thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp và nhỏ thậm chí là siêu nhỏ với sự trợ giúp của thương mại điện tử cũng hoàn toàn có thể vươn ra thị trường thế giới.

Tham gia vào thương mại điện tử, kết nối với thị trường toàn cầu, kết nối với các chuẩn mực quốc tế sẽ là những chiến lược định hướng rất căn bản để doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng suất lao động. Tất nhiên những chuẩn mực quốc tế mà tôi nói ở đây không chỉ là những chuẩn mực về công nghệ và quản trị mà còn là về trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh.

Cần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động ở những doanh nghiệp đầu đàn, mặt khác phải có những biện pháp phổ cập, lan tỏa mạnh mẽ để nâng cao năng suất lao động trong những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế. Làm sao để vấn đề nâng cao năng suất lao động từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh phải trở thành nhận thức hàng ngày của từng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, của từng người lao động.

Phần 2: Cần xây dựng kế hoạch tổng thể về năng suất quốc gia

MC: Thưa quý vị,

Rõ ràng, với quy mô nền kinh tế không lớn; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế;... là những yếu tố khiến cho năng suất lao động của Việt Nam còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực ASEAN.

Vậy Việt Nam sẽ phải làm gì để nâng cao NSLĐ. Một giải pháp đã được đề cập đến đó là: Xây dựng một Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, trong đó, các trụ cột khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về năng suất và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

MC: Thưa TS. Hà Minh Hiệp, ông có thể chia sẻ về áp dụng sản xuất thông minh vào tăng NSLĐ?

TS. Hà Minh Hiệp: Có thể nói, trong bối cảnh 4.0 tạo ra môi trường thúc đẩy các doanh nghiệp phải chuyển đổi. Trong đó, nhiều doanh nghiệp chuyển sang mô hình chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp sản xuất thông minh hơn.

Chúng tôi thấy rằng, lợi thế của Việt Nam tiếp cận sản xuất thông minh là có lực lượng làm về CNTT, chuyên gia, doanh nghiệp phát triển giải pháp thông minh để giúp doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ thuận lợi hơn. Tổ chức năng suất châu Á cũng có những chương trình hỗ trợ chuyển đổi sản xuất thông minh. Đây là xu thế, yêu cầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại.

Phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng tổ chức nhiều hội thảo để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số. Chúng tôi cũng báo cáo tới Bộ trưởng Bộ KH&CN, thời gian tới sẽ ban hành khung tiêu chuẩn về sản xuất thông minh, phối hợp với các tổ chức năng suất các nước tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công cụ sản xuất thông minh.

Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và nước xây dựng hệ sinh thái, giúp DN tiếp cận, chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh.

 

MC: Gần đây Việt Nam có triển khai mạnh Chính phủ điện tử, thưa ông Hiệp điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc tăng NSLĐ và Tổng cục TCĐLCL đã làm gì trong việc hưởng ứng hoạt động này?

TS.Hà Minh Hiệp: Quá trình chuyển đổi số là cuộc hành trình dài, phụ thuộc vào nhiều chủ thể. Về mặt hành lang pháp lý, Chính phủ cũng đã xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy Chính phủ điện tử.

Góc độ Tổng cục TCĐLCL, chúng tôi đã xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Chính phủ điện tử, chuyển đổi số và sản xuất thông minh. Chúng tôi đã ban hành 1 bộ tiêu chuẩn Đô thị thông minh.

Chúng ta trải qua 30 năm đổi mới, chúng ta dịch chuyển 30% từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Đấy cũng là thành công và là yếu tố giúp NSLĐ tăng. Việc dịch chuyển tiếp lực lượng này sang ngành khác cũng còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, giai đoạn tới, vai trò của DN phải tăng cường tiếp cận KHCN, thúc đẩy năng suất nội ngành.

 

MC: Ông có thể chia sẻ Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia có gì đặc biệt?

TS. Hà Minh Hiệp: Bộ KHCN được Chính phủ giao là đầu mối đại diện Việt Nam tham gia vào tổ chức năng suất châu Á. Tổ chức này có 20 thành viên, hỗ trợ, thúc đẩy năng suất, trong đó có năng suất lao động.

Năm 2018, Bộ Trưởng Bộ KHCN đề xuất tổng thư ký và tổ năng suất châu Á hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên KH&CN và Đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Chúng tôi đang phối hợp với tổ chức năng suất châu Á, các Bộ, ngành Việt Nam… xây dựng kế hoạch này tổng thể năng suất quốc gia. Dự kiến kế hoạch thúc đẩy dựa trên: áp dụng công cụ cải tiến năng suất, công cụ KHCN; thúc đẩy năng suất nội ngành theo hướng tham gia vào các công đoạn, giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng; thúc đẩy năng suất vĩ mô thông qua phát triển lực lượng lao động có trình độ; thúc đẩy giải pháp KHCN và ĐMST quy mô nền kinh tế để tăng năng suất.

Ngoài ra, cải thiện môi trường kinh doanh; tập chung xây dựng và phát triển thể chế để tăng năng suất. 

MC: Thưa ông Hiếu, là người am hiểu về nhiều quốc gia trên thế giới, theo ông các quốc gia trên thế giới có dành sự quan tâm và đầu tư về vấn đề năng suất thông qua xây dựng và phát triển các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia hay không?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Trước tiên, các nước tiên tiến trên thế giới quan tâm rất nhiều đến cải tiến đời sống của người lao động bởi ngoài các vấn đề về đào tạo, kĩ năng… thì đời sống của người lao động vô cùng quan trọng. Do đó, trong vòng 5 năm tới, chúng ta cần phải nâng GDP bình quân đầu người của Việt Nam từ 3.000 USD/người lên 7.000 USD/người.

Thứ hai, cần chú trọng đến đào tạo kĩ năng của người lao động. Ví dụ như nước Mỹ, tại các ngân hàng, doanh nghiệp, bình quân 1 năm sẽ có một chương trình đào tạo, tái huấn luyện để nâng cao trình độ của người lao động.

Thứ ba, với các nước bên ngoài họ có các chiến lược phát triển dài hạn 10 năm, 20 năm, 30 năm. Bởi vậy chúng ta cần có mô hình phát triển, từ đó định hướng chiến lược dài hạn cho quốc gia. Từ chiến lược đó mới đặt vấn đề về những yếu tố mà người lao động cần có để thích nghi.

Ngoài ra tôi muốn đề cập đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ pháp luật. Ý thức chấp hành pháp luật của người lao động Việt Nam vẫn rất thấp. Bởi vậy Việt Nam cần huấn luyện người lao động sao cho tính tuân thủ luật pháp cao hơn, đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp cần phải được nâng cấp.

Khách mời trao đổi về các vấn đề xung  quanh bài toán nâng cao NSLĐ tại chương trình.

 

MC: Thời gian vừa qua, Tổng cục TCĐLCL triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

TS. Hà Minh Hiệp: Chúng tôi có những chương trình ngắn, dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất nội ngành. Sắp tới, tổ chức năng suất châu Á hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược giúp thúc đẩy năng suất dựa trên KHCN, ĐMST.

Chúng tôi xác định ĐMST là động lực quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất nền kinh tế thành viên. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp các chương trình giải pháp, trong đó có chương trình 712, hỗ trợ chục ngàn doanh nghiệp tiếp cận công cụ cải tiến năng suất.

 

MC: Thưa ông Hiếu, để thúc đẩy NSLĐ khu vực doanh nghiệp, ngoài việc coi KHCN là trụ cột, đổi mới sáng tạo là động lực chính thì các doanh nghiệp việc cần phải đổi mới tư duy như thế nào để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Như đã trao đổi, ngoài việc coi KHCN là trụ cột, đổi mới sáng tạo là động lực chính, tôi đề cao việc cần quan tâm đến đời sống của người lao động. Khi đời sống ấm no, người lao động mới có thể yên tâm cống hiến, yên tâm sản xuất giúp phát triển doanh nghiệp.

Chính phủ và doanh nghiệp cần hỗ trợ tất cả chính sách về an sinh xã hội, bảo hiểm, giáo dục… đối với con em của người lao động. Chính phủ cần có các quỹ để giúp đỡ những người lao động nghèo. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải có các quỹ nhằm hỗ trợ người lao động trong những vấn đề sinh hoạt về y tế, học đường…

Đặc biệt, chế độ lương bổng của lao động Việt Nam còn rất thấp, các quỹ hưu trí còn giới hạn. Chúng ta chỉ có quỹ hưu trí cho các cán bộ nhà nước, còn đối với các doanh nghiệp, người lao động ngoài nhà nước không có quỹ hưu trí.

Chúng ta nên học hỏi các doanh nghiệp bên Mỹ, bởi mỗi doanh nghiệp nước này hầu như đều có quỹ hưu trí, trong đó người lao động trích vài phần trăm lương của họ đóng vào quỹ đó. Đến tuổi hưu trí, người lao động sẽ sử dụng quỹ đó để tiêu dùng và chi trả. Những quỹ như vậy Việt Nam chưa có, và chúng ta cần hết sức quan tâm. Bởi người lao động ngoài sản xuất phục vụ đời sống hiện tại, họ còn nghĩ về tương lai sau này.

Cuối cùng tôi xin nhấn mạnh về việc tăng năng suất lao động, ngoài chú trọng các vấn đề về công nghệ thông tin, chính sách… cần phải đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

MC: Thưa quý vị và các bạn,

Tăng trưởng GDP theo hướng tăng NSLĐ, tuy là thách thức lớn, nhất là đối với một nước mà tỷ lệ qua lao động qua đào tạo không cao như Việt Nam, nhưng đây lại là hướng đi có tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và CMCN 4.0 ngày càng phát triển, đây vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế, nhưng cũng đưa đến nguy cơ Việt Nam dễ “bị bỏ lại xa hơn” các quốc gia trên thế giới nếu không có định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả. Một trong những điểm nhấn căn bản để thúc đẩy tăng trưởng, chính là cải thiện NSLĐ thông qua một loạt các giải pháp về thể chế, chính sách; giải pháp chung cho nền kinh tế và giải pháp cho khối doanh nghiệp.

Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn.

Nhóm Phóng viên

Năng suất lao động: Đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam(VietQ.vn) - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 không chỉ hỗ trợ bởi sự gia tăng về quy mô của các yếu tố sản xuất mà đặc biệt còn được thúc đẩy bởi sự cải thiện của năng suất và hiệu quả.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang