Tạm giữ 2.600 hộp thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn

author 14:30 13/05/2021

(VietQ.vn) - QLTT Phú Yên tạm giữ 2.600 hộp thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ

Căn cứ nguồn tin từ cơ sở cung cấp, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, vào lúc 10 giờ ngày 11/5/2021, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT Phú Yên phối hợp với Công an Thị xã Đông Hòa tỉnh Phú Yên tiến hành dừng và khám phương tiện vận tải xe ô tô mang BKS 36C-325.20 lưu hành theo hướng Nam - Bắc do ông Mai Thế Thành, địa chỉ thường trú: Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa trực tiếp điều khiển phương tiện.

 QLTT Phú Yên tạm giữ 2.600 hộp thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ.

Kết quả khám phương tiện Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển hàng hóa gồm 2.000 hộp nước Hồng Sâm cho trẻ em, nhãn hiệu DAYCELL Bio-Lab, Made in Korea; 600 hộp tinh chất nghệ, nhãn hiệu CURCUMIN GOLD, Made in Korea; 336kg linh kiện điện tử, không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Toàn bộ hàng hóa nói trên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có thông tin cảnh báo về 3 hình thức lừa đảo bán thực phẩm chức năng phổ biến hiện nay.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Đặc biệt, nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Trước tình hình trên, Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng khuyến cáo người dân khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần lưu ý: sản phẩm này không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; cần đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua; chỉ chọn mua các sản phẩm có tên, địa chỉ rõ ràng; mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán…

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang