Tăng cường hiện diện trực tiếp và gián tiếp - doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn thị trường Ấn Độ

author 06:42 10/02/2023

(VietQ.vn) - Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, để khai thác hiệu quả hơn thị trường Ấn Độ, doanh nghiệp cần tăng cường hiện diện tại thị trường này thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Thương vụ Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến thông tin đến các doanh nghiệp Việt Nam quy định và thủ tục thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, văn phòng dự án tại thị trường Ấn Độ.

Ngày 8/2/2023, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức webinar đầu tiên năm 2023 giới thiệu về thị trường Ấn Độ nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Tại hội thảo, ông Bùi Trung Thướng- Tham tán, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ thông báo thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ lần đầu đạt mức 15 tỷ USD trong năm 2022, đạt mục tiêu do lãnh đạo cấp cao 2 nước đặt ra, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng thứ 8 của Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức webinar đầu tiên năm 2023 giới thiệu về thị trường Ấn Độ.

Tuy vậy, hai bên còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển với thị trường hai nước rộng lớn, hàng hóa có sự bổ sung tốt cho nhau. Tiếp nối thành công và kinh nghiệm tổ chức 50 chương trình xúc tiến thương mại năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tiếp tục hoạt động nêu trên trong năm 2023, góp phần tạo đà để đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên tầm cao mới.

Trong webinar đầu tiên, Thương vụ lựa chọn chủ đề “quy định thành lập doanh nghiệp tại Ấn Độ” theo nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam muốn mở văn phòng, đầu tư kinh doanh tại Ấn Độ- ông Bùi Trung Thướng cho hay.

Ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Ấn Độ được Việt Nam xác định là thị trường quan trọng tại khu vực Nam Á và trên thế giới, với dân số khoảng 1,4 tỷ người, nhu cầu thị trường phong phú, đa dạng nằm ở nhiều phân khúc khách hàng…

Để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu tư với doanh nghiệp Ấn Độ, khai thác hiệu quả hơn các cơ hội đang đặt ra tại thị trường Ấn Độ, việc nghiên cứu, mở công ty, chi nhánh công ty, văn phòng đại diện tại Ấn Độ là một trong những hướng đi cần được các doanh nghiệp tính đến trong giai đoạn hiện nay. 

Ông Manan Agawal- Giám đốc Công ty Tư vấn KrayMan Consultants LLP cho biết, con số đầu tư trực tiếp của Việt Nam tại Ấn Độ còn rất khiêm tốn ở mức 28,55 triệu USD. Ấn Độ đã vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, hiện là một trong thị trường sản xuất và tiêu thụ hàng đầu thế giới đối với nhiều sản phẩm, lĩnh vực. Ấn Độ có nhiều điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài với quỹ đất dồi dào, lực lượng lao động trẻ, có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt. Chính phủ có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên như: pin, đồ điện tử gia dụng, phụ tùng ô tô, dược phẩm, sản phẩm viễn thông v.v.

Đầu tư nước ngoài tại Ấn Độ chủ yếu là thông qua quy trình tự động, không phải xin giấy phép của Chính phủ, trừ một số lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng, an ninh, thông tin, bảo hiểm, ngân hàng v.v. Doanh nghiệp Việt Nam có thể hiện diên tại Ấn Độ thông qua hình thức trực tiếp và gián tiếp. Hình thức trực tiếp gồm: văn phòng đại diện, văn phòng dự án, chi nhánh, thành lập công ty; mỗi loại hình có thủ tục, địa vị pháp lý và giới hạn hoạt động, mức thuế suất cụ thể khác nhau. Hình thức gián tiếp thông qua hợp tác đầu tư, mua lại và sáp nhập, hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật, nhượng quyền.

Ông Shahjahan- Phó Chủ tịch Ngân hàng HDFC Ấn Độ cho biết HDFC là ngân hàng lớn nhất Ấn Độ, cung cấp tất cả tiện ích ngân hàng. Ông nêu cụ thể quy định và thủ tục thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, văn phòng dự án tại Ấn Độ. Theo đó, doanh nghiệp bắt buộc phải lựa chọn 1 ngân hàng Ấn Độ để thực hiện thủ tục xin giấy phép, mở tài khoản và các dịch vụ khác.

Đối với thành lập chi nhánh, doanh nghiệp phải chứng minh có lợi nhuận trong 5 năm tài chính liền kề trước đó ở Việt Nam và giá trị ròng không dưới 100.000 USD, không có giới hạn về thời gian trong giấy phép. Đối với văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải chứng minh tạo ra lợi nhuận trong ba năm tài chính liền kề trước đó và giá trị ròng không dưới 50.000 USD, thời hạn 3 năm và có thể được gia hạn. Đối với Văn phòng dự án có giấy phép theo thời hạn của dự án, yêu cầu có một hợp đồng từ một công ty Ấn Độ để thực hiện một dự án ở Ấn Độ.

Bùi Trung Thướng - Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang