Tăng cường kết nối thúc đẩy năng suất chất lượng ngành, địa phương

author 06:20 28/12/2017

(VietQ.vn) - Cùng với việc hỗ trợ thúc đẩy DN nâng cao năng suất, giai đoạn II của Chương trình quốc gia NSCL sẽ tập trung triển khai lồng ghép các chương trình, đề án, dự án KHCN với đề án phát triển kinh tế xã hội khác có cùng mục tiêu hỗ trợ DN.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Những năm đầu triển khai giai đoạn II Chương trình quốc gia năng suất chất lượng (NSCL), trên cơ sở phát huy kết quả đạt được của giai đoạn I, khắc phục những hạn chế, vướng mắc và bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn II theo Quyết định 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các nhiệm vụ của Chương trình được các Bộ, ngành, địa phương duy trì triển khai thực hiện.

Thông tin từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), cùng với việc triển khai các nhiệm vụ được phê duyệt trong các dự án NSCL ngành, địa phương, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình NSCL quốc gia còn được các Bộ, ngành, địa phương triển khai lồng ghép trong các chương trình, đề án, dự án KHCN và các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội khác có cùng mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp.

 Trong giai đoạn 2017 – 2020 các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng: Dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, điện tử, sợi…sẽ có cơ hội tiếp cận những giải pháp hỗ trợ từ Chương trình NSCL 

Một số địa phương đã ban hành các Chương trình KHCN hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng trong đó bao gồm tập hợp các giải pháp về khoa học và công nghệ như: sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đổi mới công nghệ...

Các địa phương chưa phê duyệt dự án NSCL cũng đều có các hoạt động thúc đẩy nâng cao NSCL tại địa phương như: triển khai lồng ghép trong các chương trình, đề án phát triển KT-XH của tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình); ban hành Chỉ đạo của UBND về việc đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL như Nghệ An...

Để tập trung được nguồn lực và phối kết hợp trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các đơn vị quản lý các chương trình KHCN quốc gia có cùng mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và thực hiện phương án phối hợp, lồng ghép giữa các Chương trình. Một số hoạt động phối hợp đã được triển khai như: trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu, dữ liệu; biên soạn, cung cấp tài liệu giới thiệu, phổ biến về các chương trình; lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu kiến thức về NSCL, SHTT trong chương trình “Sáng tạo Việt” trên VTV3 Đài truyền hình Việt Nam…

Được biết, trong năm 2017, Tổng cục TCĐLCL đã làm việc trực tiếp với 07 Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng như: Hiệp hội Dệt May Việt Nam; Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp Điện – điện tử Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và chế biến Lâm Sản Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội để nắm bắt, xác nhận nhu cầu và ký kết phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình.

Tổng cục TCĐLCL cũng đã làm việc trực tiếp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để bàn biện pháp thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ISO 39001 (Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ) vào Việt Nam và sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2018.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Nam Hải, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 và các năm tiếp theo của Chương trình bên cạnh các nhóm nhiệm vụ cụ thể như: Đào tạo đội ngũ chuyên gia, phổ biến, hướng dẫn áp dụng hệ thống, mô hình, công cụ mới, tiên tiến; Triển khai các hoạt động nghiên cứu và tác động, các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghiên cứu, xây dựng, hệ thống TCVN theo hướng tập trung cho các nhóm SPHH chủ lực và một số nhóm tiêu chuẩn thuộc lĩnh vực quan trọng khác…

"Một nội dung cũng đặc biệt qua trọng là phối hợp với một số Hiệp hội, ngành hàng từ công tác tuyên truyền, đến triển khai các “Gói giải pháp” gắn với đào tạo lực lượng cho Hiệp hội. Phối hợp thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hiệp hội, ngành hàng", Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết.

Theo đó, các giải pháp được hỗ trợ sẽ được triển khai như: Quản lý tinh gọn (Lean), Duy trì hiệu suất tổng thể (TPM), Chỉ số hoạt động chính (KPI), Chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 sang phiên bản ISO 9001: 2015 và xây dựng tích hợp các hệ thống quản lý (ISO 22000/ISO 14000/ISO27001…; hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng: 5s/7 công cụ thống kê, loại bỏ lãng phí/ MFCA…)

Theo đại diện của Viện Năng suất Việt Nam, trong giai đoạn 2017 – 2020 sẽ có khoảng 2.000 doanh nghiệp được phổ biến, hướng dẫn áp dụng và chia sẻ kinh nghiệp áp dụng Lean, TPM/KPis, TWI, …theo đó, các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng: Dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, điện tử, sợi…sẽ có cơ hội tiếp cận những giải pháp hỗ trợ này.

Bên cạnh những nỗ lực và sự chủ động của các bộ ngành, địa phương số dự án NSCL đã thẩm định, phê duyệt năm 2016-2017 là 09 dự án; trong đó đáng chú ý là 02 dự án ngành: dự án 6 do Bộ Y tế chủ trì và dự án 7 do Bộ Xây dựng chủ trì đã được phê duyệt.

Đến nay, số Dự án NSCL được phê duyệt và thực hiện là 63 dự án trong đó, 02 dự án "nền” do Bộ KH&CN chủ trì; 5/6 dự án NSCL ngành do các Bộ quản lý ngành chủ trì và 56 dự án do UBND tỉnh/thành phố chủ trì.

Hiện, Dự án NSCL ngành Giao thông vận tải và 07 dự án NSCL địa phương chưa phê duyệt là: Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Tuyên Quang, Lai Châu, Vĩnh Phúc.

Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang