Tăng cường phòng vệ thương mại, bảo vệ hàng hóa xuất khẩu

(VietQ.vn) - Trước làn sóng điều tra phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng và phức tạp từ các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, đồng thời tăng cường hợp tác với cơ quan chức năng để bảo vệ lợi ích xuất khẩu.
Không có tiêu chuẩn quản lý, giám sát sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe cộng đồng
Bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu
Thuế quan đối ứng từ Hoa Kỳ: Thách thức với xuất khẩu thủy sản
Xuất khẩu tôm sang EU khởi sắc nhờ hiệp định EVFTA
Gia tăng số lượng và mức độ phức tạp của các vụ điều tra
Theo bà Nguyễn Anh Thơ - Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến tháng 4/2025, Việt Nam đã đối mặt với tổng cộng 284 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá chiếm 54,6% và các vụ việc tự vệ chiếm 20,8%.
Riêng năm 2024, số lượng các vụ điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa Việt Nam đạt 27 vụ trong 11 tháng, đứng thứ hai trong lịch sử, chỉ sau năm 2020 với 39 vụ. Các mặt hàng bị điều tra trải rộng từ các sản phẩm có kim ngạch lớn như pin năng lượng mặt trời, tôm, thép đến các sản phẩm nhỏ hơn như đĩa giấy, khay đúc từ sợi giấy.
Sản phẩm thép một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang đối mặt với nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường nhập khẩu. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, các cuộc điều tra không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ. Xu hướng điều tra kép chống bán phá giá và chống trợ cấp đang gia tăng, với 5 vụ việc kép được ghi nhận trong năm 2024. Ngoài ra, điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại cũng có xu hướng gia tăng.
Nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Đặc biệt, với việc thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều mặt hàng của Việt Nam tăng xuất khẩu mạnh sang các thị trường như Mexico, ASEAN, dẫn tới việc các quốc gia nhập khẩu gia tăng điều tra để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Xu hướng điều tra sắp tới cũng được dự báo sẽ ngày càng khắt khe, thủ tục chặt chẽ hơn, thời hạn trả lời ngắn và yêu cầu bổ sung thông tin liên tục. Ngoài ra, một số nước chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên thường sử dụng giá của nước thứ ba để tính chi phí sản xuất, dẫn tới mức thuế áp dụng cao hơn thực tế khiến hàng hóa Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh.
Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực và đa dạng hóa thị trường
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, cũng chính thị trường này đang đặt ra thách thức lớn với nguy cơ áp thuế đối ứng cao. Theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng nặng nề tới các ngành chủ lực như điện tử, dệt may, giày dép, gỗ và thủy sản. Dù một số linh kiện điện tử như chất bán dẫn được miễn trừ, song các doanh nghiệp lớn như Samsung, Intel, LG vẫn đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Tình hình này buộc các tập đoàn phải tính toán lại chiến lược toàn cầu nhằm duy trì hiệu quả hoạt động.
Trong lĩnh vực dệt may, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, ngành này đạt kim ngạch xuất khẩu 43,6 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm tới 38,2%. Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, chính sách thuế quan và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là yếu tố nhạy cảm hàng đầu. Doanh nghiệp cần nâng cao nội lực, chủ động thích ứng với triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ quy định quốc tế để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang tích cực triển khai các giải pháp để vượt khó. Ông Nguyễn Đức Thăng - Giám đốc điều hành Công ty CP May Đáp Cầu (Bắc Ninh) cho biết, doanh nghiệp đã đàm phán với đối tác để chia sẻ rủi ro, đồng thời đầu tư nâng cấp máy móc, cải tiến kỹ thuật và tìm kiếm khách hàng mới để duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Tương tự, Tổng Công ty May Hưng Yên đã đặt mục tiêu doanh thu 616 tỷ đồng trong năm 2025 và đang tập trung hoàn tất đơn hàng trước thời điểm các biện pháp thuế quan của Mỹ được áp dụng. Công ty cũng theo dõi sát diễn biến thương mại quốc tế và xúc tiến mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Với Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, chiến lược ứng phó được đặt ở việc áp dụng mô hình quản trị tiên tiến, đầu tư cho năng lực sản xuất, củng cố mảng dịch vụ phụ trợ và trẻ hóa nguồn nhân lực để tăng sức cạnh tranh bền vững.
Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Hệ thống cảnh báo sớm. Theo bà Nguyễn Anh Thơ, hệ thống này giúp xác định nhóm hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị điều tra như thép các-bon chống ăn mòn, pin năng lượng mặt trời, tủ bếp, ghế sofa, gỗ dán… giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản xuất - xuất khẩu kịp thời. Cùng với đó là các chương trình đào tạo, tư vấn để nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật quy định phòng vệ thương mại, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa và từng bước áp dụng hệ thống kế toán chuẩn quốc tế. Đây là những yếu tố then chốt để chứng minh tính hợp lệ trước các cuộc điều tra.
Việc đa dạng hóa thị trường và nâng cấp công nghệ, chất lượng sản phẩm cũng được coi là chiến lược trọng tâm để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc và tăng khả năng thích ứng trước các biến động thương mại.
Về phía chính sách, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ kiến nghị các cơ quan quản lý tiếp tục nỗ lực ngoại giao, đàm phán thuế quan và xây dựng lộ trình cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích thương mại quốc gia. Bên cạnh đó, việc kích cầu tiêu dùng nội địa và cải thiện môi trường kinh doanh trong nước cũng là giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động khó lường.
Duy Trinh