Tăng cường quản lý xe đưa đón học sinh trước thềm năm học mới
Cảnh báo: Hơn 800 nghìn camera giám sát bị chia sẻ dữ liệu công khai trên mạng
Cảnh báo: Những loại thực phẩm khiến da lão hóa nhanh chóng
Cục An toàn thông tin cảnh báo loạt lỗ hổng mới trong sản phẩm Microsoft
Những năm gần đây, do nhu cầu của phụ huynh, nên dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô rất phát triển, số lượng xe đưa đón học sinh cũng tăng lên hằng năm. Dù rất thuận tiện trong việc đưa đón học sinh tới trường, nhưng dịch vụ này còn không ít bất cập, đặc biệt là thiếu sót trong quy định pháp luật và giám sát thực hiện.
Chính vì thế, với những gia đình có con nhỏ sử dụng dịch vụ xe đưa đón, phụ huynh không khỏi lo lắng khi thỉnh thoảng lại xuất hiện vụ việc trẻ bị quên trên xe, nhiều trường hợp để lại những hệ quả đau lòng. Những hậu quả đáng tiếc vừa nêu đặt ra yêu cầu cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với nhà trường, giáo viên, học sinh, nhất là trách nhiệm của người lớn.
Trẻ em là đối tượng yếu thế, thiếu kỹ năng tự thoát hiểm, cho nên trong những trường hợp rủi ro, mức độ nguy hiểm cao hơn, nguy cơ thương tích lớn hơn. Tuy nhiên, hiện quy định về xe đưa đón học sinh chưa được luật hóa. Hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô hiện nay chủ yếu thông qua hợp đồng kinh doanh vận tải.
Bên cạnh quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, thì quy trình kiểm soát an toàn đưa đón học sinh do nhà trường tự xây dựng. Nếu doanh nghiệp vận tải và nhà trường chủ động kiểm tra, giám sát, quản lý lái xe, phương tiện và tuân thủ quy trình thì việc đưa đón học sinh bảo đảm an toàn; ngược lại, nguy cơ sự cố sẽ luôn rình rập.
Ảnh minh họa
Để hạn chế những vụ việc thương tâm như trên, Luật Trật tự ATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã dành 1 điều với 6 khoản quy định về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đối với ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh.
Cụ thể, tại Điều 46 Luật Trật tự ATGT quy định: Ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh; phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe. Bên cạnh đó, luật cũng tăng cường trách nhiệm đảm bảo ATGT của cơ sở tổ chức đưa đón trẻ.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến năm học mới 2024 - 2025, để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trong quá trình vận chuyển, đưa đón học sinh, các cơ quan liên ngành của nhiều địa phương đã và đang vào cuộc, tăng cường rà soát, kiểm tra hoạt động của xe đưa đón học sinh, nhất là ô tô
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, đơn vị đề nghị Sở GD&ĐT và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường học sử dụng xe đưa đón học sinh không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện, chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với phương tiện, người lái xe không đủ điều kiện quy định. Các nhà xe, lái xe tuyệt đối không chở quá tải cho phép, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu "xe hợp đồng" hoặc phù hiệu hết hạn, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển…
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về ATGT và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng ô tô. Thanh tra Sở GTVT có trách nhiệm tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định trong tổ chức và quản lý hoạt động vận tải đặc biệt đối với hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô.
Trước đó, Bộ GTVT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ATGT đối với ô tô đưa đón học sinh. Theo đó, sở GTVT các tỉnh, thành phố phải có phương án kiểm soát bảo đảm không còn hành khách trên xe. Người lái xe sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn ai ở trên xe.
Sở GD&ĐT sẽ yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục (từ bậc mầm non đến THPT) trên địa bàn có sử dụng ô tô đưa đón học sinh đến trường thực hiện quy trình, kiểm tra số lượng của học sinh khi lên xe và rời xe. Trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, duy trì trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe.
Tại Dự thảo quy chuẩn sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thêm nhiều quy định để tránh trường hợp học sinh bị bỏ quên trên xe. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất quy định, ô tô chở học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ khu vực hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong và hệ thống camera giám sát bên trong để giám sát hành vi của lái xe, hành vi của giám hộ học sinh và hành vi của học sinh trên xe. Cùng với đó, cần có hệ thống còi báo động, âm thanh khẩn cấp hoặc liên lạc trực tiếp đến lái xe hoặc người quản lý học sinh để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe, thời gian không quá 15 phút.
Ngoài ra, dự thảo này còn quy định phương tiện phải được thống nhất một màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe. Mặt trước và cạnh 2 bên xe phía trên cửa sổ phải có biển báo dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học. Xe phải có biển hiệu, có biển báo hiệu dừng đỗ, biển cảnh báo các phương tiện khác không được vượt khi xe đang đỗ ở bến để đón, trả học sinh đồng thời được trang bị thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80km/h.
Khánh Mai