Tăng cường thông tin cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng

author 07:14 13/11/2021

(VietQ.vn) - Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, với sự gia tăng sai phạm trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ thời gian qua cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang bị xâm phạm quyền lợi với quy mô rộng khắp và tính chất ngày càng phức tạp.

Nguyên nhân của tình trạng trên đó là do nhận thức, ý thức của doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh trong việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế. Ý thức coi thường quyền lợi của người tiêu dùng của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, người tiêu dùng thường có thói quen sử dụng sản phẩm rẻ, phù hợp với túi tiền. Thói quen sinh hoạt trong thời đại nền kinh tế thị trường, áp lực công việc nên nhiều người dân thường lựa chọn những sản phẩm tiện dụng, có sẵn mặc cho chất lượng thấp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (đồ ăn sẵn, hàng quán vỉa hè,...) cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn phổ biến.

 Ảnh minh họa.

Mặt khác, người tiêu dùng cho rằng các lợi ích thường từ các giao dịch nhỏ, giá trị tài sản thường chỉ phục vụ đời sống hàng ngày. Do đó, họ thường lựa chọn thái độ im lặng, không sử dụng sản phẩm đó nữa thay vì khiếu nại đến cơ quan Nhà nước; ít có những phản ứng quyết liệt trước những vi phạm của doanh nghiệp, chưa biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình.

Với những thực trạng đặt ra, Cục cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tiếp nhận giải quyết phản ánh của người tiêu dùng.

Thứ nhất, thời gian tới cần tăng cường thông tin cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng một cách thường xuyên hơn. Tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng lên án, tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng trong các tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức xã hội cần cụ thể hóa trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đề cao và giám sát chặt chẽ trách nhiệm cá nhân chủ doanh nghiệp, người đứng đầu, phụ trách sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần thể hiện sự nhạy bén, thông thái, tự bảo vệ, chung tay bảo vệ cộng đồng và chất lượng cuộc sống. Cộng đồng xã hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ hai, tuyên truyền về đầu số, chức năng của Tổng đài, và vai trò của Cục CT & BVNTD và các cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng có liên quan nhằm tạo điều kiện cho nhiều người tiêu dùng biết đến Tổng đài và chức năng của Cục CT & BVNTD, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các cơ quan phụ trách bảo vệ người tiêu dùng ở địa phương, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng, để người tiêu dùng có thể tìm đến, đề nghị được hỗ trợ khi cần thiết.

Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công việc của Tổ Công tác và Hệ thống Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng; Nâng cao chất lượng nhân lực, nâng cao năng lực, kỹ năng xử lý sự vụ cho các thành viên trực tiếp xử lý vụ việc thuộc Tổ công tác và Hệ thống Tổng đài 1800-6838; Có cơ chế phối hợp với các đơn vị, cá nhân thuộc Cục CT & BVNTD; Cần tuân thủ cơ chế và nguyên tắc hoạt động của Tổ công tác trong quá trình xử lý vụ việc, yêu cầu của người tiêu dùng…

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống Tổng đài, cơ sở dữ liệu, các yếu tố kỹ thuật cho công tác giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng; Nỗ lực và tích cực hơn để mở rộng và kết nối Hệ thống Tổng đài với nhiều địa phương trên cả nước.

 Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang