Tăng huyết áp cần thận trọng khi sử dụng các chất bổ sung

author 14:40 15/11/2022

(VietQ.vn) - Mặc dù không thể phủ nhận lợi ích của một số loại thực phẩm chức năng, thảo mộc, vitamin và khoáng chất đối với sức khỏe con người nhưng đối với những người bị tăng huyết áp lại cần thận trọng.

Cao huyết áp, hay tăng huyết áp, là một trong những tình trạng y tế phổ biến nhất hiện nay. Những người có huyết áp cao không được kiểm soát có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ, đau tim, suy tim, thận, thậm chí tử vong.

Tại Mỹ, cứ 4 ca tử vong thì có một ca tử vong do bệnh tim, khiến cao huyết áp trở thành kẻ giết người thầm lặng số một. Tại Việt Nam, trong số 12 triệu người mắc tăng huyết áp có tới gần 60% chưa được phát hiện và trên 80% chưa được điều trị. Bệnh tăng huyết áp có nguyên nhân quan trọng là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia.

Chúng ta biết rằng huyết áp cao dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong và ngay cả sự gia tăng huyết áp nhỏ cũng có thể có những tác động có ý nghĩa đối với bệnh nhân, đặc biệt những người lớn tuổi, những người cũng có gánh nặng huyết áp cao nhất.

Tuy nhiên nhiều người thường có thói quen bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất, thảo dược để tăng cường sức khỏe nhưng thực tế khi bổ sung các sản phẩm này cần thận trọng.

Cần thận trọng khi bổ sung các khoáng chất, vitamin...khi bị tăng huyết áp. Ảnh minh họa 

Lưu ý khi bổ sung vitamin và khoáng chất

Sử dụng thực phẩm chức năng, các chất bổ sung hay thảo dược với mục tiêu tối ưu hóa sức khỏe, nhưng nhiều người không nhận ra rằng một số loại có thể gây hại vì có thể tương tác với các loại thuốc khác (cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn). Ví dụ, một số chất bổ sung trong các sản phẩm thực phẩm chức năng có thể làm tăng huyết áp hoặc tương tác với thuốc huyết áp làm cho thuốc kém hiệu quả hơn.

Không có bằng chứng khoa học chắc chắn rằng bất kỳ thực phẩm chức năng hay chất bổ sung nào có thể giúp giảm huyết áp. Các bác sĩ không khuyến cáo dùng thực phẩm chức năng để điều trị tăng huyết áp.

Thực phẩm chức năng hay các chất bổ sung không phải là một sự thay thế cho thuốc điều trị huyết áp theo toa hoặc các biện pháp thay đổi lối sống. Nếu muốn sử dụng thực phẩm chức năng để hỗ trợ người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị.

Cách tốt nhất để kiểm soát huyết áp là duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh, đạt được cân nặng hợp lý, giảm lượng natri, ăn một chế độ ăn uống tốt cho tim và tập thể dục thường xuyên; đồng thời kiểm tra huyết áp thường xuyên tại nhà, dùng thuốc theo đơn bác sĩ đều đặn, hằng ngày...

Khi áp dụng chế độ ăn đa dạng, cân bằng, giàu trái cây và rau quả có thể giúp đảm bảo cơ thể nhận được các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Nếu nghi ngờ thiếu hoặc có nguy cơ thiếu vitamin, khoáng chất cần tham khảo ý kiến chuyên gia y tế hoặc dinh dưỡng trước khi sử dụng.

Thận trọng khi sử dụng thảo dược

Một số chất bổ sung thảo dược có thể ảnh hưởng đến huyết áp, bao gồm: Cam thảo; Nhân sâm; Cây kim sa; Cây ma hoàng. Ngoài ra, một số thảo dược thường được sử dụng có thể tương tác với thuốc trị tăng huyết áp như: Hoa anh thảo; Bạch quả; Nhân sâm; Cam thảo

Các chất khác có thể làm tăng huyết áp

Nếu đang điều trị tăng huyết áp, nên biết rằng các chất và thuốc sau đây có thể làm tăng huyết áp: Caffeine; Rượu bia; Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) đặc biệt khi sử dụng lâu dài; Thuốc tránh thai nội tiết tố; Một số loại thuốc chống trầm cảm; Một số thuốc chống loạn thần; Thuốc steroid

Vì vậy, để đảm bảo an toàn, tránh các tương tác gây bất lợi ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh cũng như sức khoẻ, người bệnh tăng huyết áp cần thận trọng khi sử dụng thuốc cũng như các sản phẩm thực phẩm chức năng, thảo dược... Không nên tự ý sử dụng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang