Tăng nặng mức phạt hành vi kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu không đạt chất lượng

author 05:54 14/01/2022

(VietQ.vn) - Trước tình trạng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu không đạt chất lượng, Chính phủ yêu cầu cần tăng mức phạt nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm này.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, kể từ ngày 10/1/2022 theo quy định tại Nghị định số 07/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi sẽ tăng nặng mức phạt đối với các hành vi kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu không đạt chất lượng nhằm ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứa chất cấm...

Nghị định quy định mức phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu mỗi loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất công bố. Phạt tiền từ 25-30 triệu đồng đối với hành vi bán mỗi loại thuốc thú y nhập khẩu có chứa chất ma túy, tiền chất cho cơ sở buôn bán thuốc thú y không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y theo quy định, cơ sở không được phép hành nghề khám bệnh, chẩn đoán bệnh, phẫu thuật động vật, xét nghiệm bệnh động vật.

Tăng mức phạt đối hành vi kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu không đạt chất lượng. Ảnh: Phan Anh

Ngoài ra, mức phạt từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi không lưu trữ hóa đơn liên quan đến việc mua bán thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; đơn thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất... Không bảo quản lưu giữ thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất riêng biệt theo quy định; không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ số lượng thuốc thú y chứa chất ma túy, tiền chất đã nhập, bán, số lượng thuốc phải thu hồi, địa chỉ cơ sở mua, mục đích sử dụng cho cơ quan nhà nước theo quy định...

Ngoài mức phạt tiền, cơ quan quản lý nhà nước còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ việc nhập khẩu thuốc thú y từ 6 tháng đến 9 tháng đối với hành vi vi phạm; Đình chỉ việc nhập khẩu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất từ 9 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm; Tịch thu các loại hồ sơ, giấy tờ, Chứng chỉ hành nghề thú y đối với hành vi vi phạm; Buộc tiêu bủy thuốc bảo vệ thực vật vi phạm.

Trước đó, trong Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp đã nêu rõ, tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng; hàng giả; không ghi rõ thành phần, hàm lượng, công dụng, nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì; tình trạng quảng cáo không đúng công dụng của vật tư nông nghiệp còn xảy ra ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, ô nhiễm môi trường và bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm...

Tính độc của thuốc bảo vệ thực vật

Hầu hết thuốc bảo vệ thực vật đều độc với con người và động vật máu nóng ở các mức độ khác nhau. Theo đặc tính, thuốc bảo vệ thực vật được chia làm hai loại: chất độc có nồng độ và chất độc tích luỹ.

- Chất độc nồng độ: Mức độ gây độc phụ thuộc vào lượng thuốc xâm nhập vào cơ thể. Ở dưới liều gây chết, chúng không đủ khả năng gây tử vong, dần dần bị phân giải và bài tiết ra ngoài. Loại này bao gồm các hợp chất Pyrethroid, những hợp chất Phốt pho hữu cơ, Cacbamat, thuốc có nguồn gốc sinh vật.

- Chất độc tích luỹ: Có khả năng tích luỹ lâu dài trong cơ thể vì chúng rất bền, khó bị phân giải và bài tiết ra ngoài. Thuốc loại này gồm nhiều hợp chất chứa Clo hữu cơ, chứa Thạch tín (Asen), Chì, Thuỷ ngân; đây là những loại rất nguy hiểm cho sức khoẻ.

* Biểu hiện nhiễm độc của thuốc bảo vệ thực vật:

- Nhiễm độc cấp tính: Là nhiễm độc tức thời khi một lượng đủ lớn hoá chất bảo vệ thực vật thâm nhập vào cơ thể. Lượng đủ lớn là cách nói thường của liều “gây chết trung bình” đối với loại thuốc nước hay thuốc bột, ký hiệu là LD50, tính bằng miligam hoạt chất/kilogam trọng lượng cơ thể, hoặc của “nồng độ gây chết trung bình” đối với thuốc bay hơi xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, kí hiệu là LC50 tính bằng miligam hoạt chất/1m3 không khí. Những loại có trị số LD50, LC50 càng thấp thì độ độc càng cao.

Biểu hiện bệnh lý của nhiễm độc cấp tính: mệt mỏi, ngứa da, đau đầu, lợm giọng, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, khô họng, mất ngủ, tăng tiết nước bọt, yếu cơ, chảy nước mắt, sảy thai, nếu nặng có thể gây tử vong.

- Nhiễm độc mãn tính: Được gây ra do tích luỹ dần dần trong cơ thể. Biểu hiện bệnh lý là sự kích thích các tế bào ung thư phát triển, gây đẻ quái thai, dị dạng, bệnh thần kinh nếu ở thể nhẹ cũng xanh bủng mất ngủ, mỏi cơ, mỏi khớp, suy gan, rối loại tuần hoàn.

- Nhiễm độc môi trường: Lượng thuốc bảo vệ thực vật khi phun ra bị rơi vãi khoảng 50% gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và bị trôi ra sông, hồ; từ đó chúng tiêu diệt hệ sinh thái, gây nhiễm độc cho con người dù không tiếp xúc trực tiếp với hoạt động nông nghiệp.

- Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: Là sự tồn lưu của chúng trong lương thực, thực phẩm và trong thức ăn chăn nuôi do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây nên (theo định nghĩa của Tiểu ban Dinh dưỡng Liên hợp quốc). Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được tính bằng miligam/1kilogam nông sản. Động thái của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất khác nhau. Nhóm Pyrethreoid, Thiadiazin, Oxyhydrocacbon, Benzoylphenyl dưới tác dụng của Enzim, ánh sáng và hoạt động sinh trưởng của chính cây cối sẽ bị phân giải nhanh, các dạng hợp chất chuyển hoá trung gian ít hay không độc hơn dạng thuốc ban đầu nên ít tồn lưu trong nông sản, vì thế cũng ít nguy hiểm cho người tiêu dùng. Nhóm Clo hữu cơ (ví dụ: Dieldrin, Cyclodien) phân giải chậm, sản phẩm chuyển hoá trung gian ít độc hơn thuốc ban đầu, tuy nhiên chúng tích luỹ rất lâu trong mỡ, sữa của người và động vật bị nhiễm; cần lưu ý tránh dùng mỡ, sữa động vật trong vùng sản xuất có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhóm này. Nhóm Lân hữu cơ và Cacbamat chuyển hoá rất chậm và khó đào thải khỏi cơ thể sinh vật, các sản phẩm trung gian có độc tích mạnh hơn dạng thuốc ban đầu; dư lượng của nhóm này trong thực phẩm là rất nguy hiểm cho người sử dụng.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang