TĂNG NĂNG SUẤT DỰA TRÊN PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

author 09:35 08/06/2023

(VietQ.vn) - Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm tăng năng suất lao động dựa trên hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/01/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030… Có thể nói, tăng năng suất lao động là vấn đề cấp bách cần làm ngay từ bây giờ và không thể chậm trễ, chúng chính là chìa khóa mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho tất cả các chủ thể trong nền kinh tế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng báo cáo Năng suất thường niên của Viện Năng suất Việt Nam, báo cáo năng suất Việt Nam 2022 do Viện Năng suất Việt Nam biên soạn tiếp tục cung cấp các thông tin về năng suất ở các cấp độ nền kinh tế, ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp. Nhằm hoàn thiện chính sách phát triển theo cách tiếp cận và yêu cầu mới là hình thành đồng bộ thể chế để phát triển đất nước dựa chủ yếu và nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, báo cáo đã đề cập tới chủ đề “Tăng năng suất dựa trên phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

1. Kết quả thực hiện Chiến lược khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2020

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 được ban hành theo Quyết định số 418-QĐ/TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đã đề ra mục tiêu, định hướng, giải pháp chủ yếu phát triển KH&CN quốc gia giai đoạn 2011-2020.

Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có 08/11 mục tiêu Chiến lược đã đạt được là: (1) Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao (CNC) và sản phẩm ứng dụng CNC/GDP; (2) Giá trị giao dịch của thị trường KH&CN; (3) Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; (4) Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ/một vạn dân; (5) Số lượng doanh nghiệp KH&CN; (6) Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị; (7) Số cơ sở ươm tạo CNC và doanh nghiệp CNC; và (8) Số lượng kỹ sư đào tạo và sát hạch theo chuẩn quốc tế đủ năng lực tham gia quản lý, điều hành dây chuyền sản xuất CNC trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, có 03 mục tiêu chưa đạt được là: (1) Tổng đầu tư xã hội cho KH&CN; (2) Số tổ chức nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đạt trình độ tiên tiến khu vực và thế giới; (3) Số lượng đăng ký bảo hộ sáng chế.

Kết quả thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020

Nguồn: Tổng hợp từ các báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và các báo cáo góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược  phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN (năm 2020, 2021).

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược đã đạt được kết quả như sau:

- Nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo, của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đối với vai trò của KHCN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được nâng cao.

- Về đổi mới cơ chế quản lý KH&CN: Nhìn chung, đã hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng KH&CN.

- Về Hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST: Hợp tác quốc tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về KH&CN với hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế và khu vực; là thành viên của hơn 100 tổ chức quốc tế và khu vực về KH&CN; ký kết và thực hiện hơn 80 hiệp định, thỏa thuận hợp tác KH&CN cấp Chính phủ và cấp Bộ. Mạng lưới đại diện KH&CN Việt Nam đã được hình thành tại 21 địa bàn trọng điểm ở 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

- KHCN&ĐMST đã đóng góp quan trọng trong cải thiện chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao rõ rệt năng suất lao động, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhận biết tầm quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng năng suất, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 để thúc đẩy hơn nữa hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam nhằm hướng tới tăng năng suất lao động. Mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế. 

2. Kết quả đạt được về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2022

Về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, theo công bố tại Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia, giảm 4 bậc so với năm 2021(Năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia) và xếp vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 43). Ngoài ra, Việt Nam dẫn đầu thế giới về nhập khẩu công nghệ cao; đồng thời có sự cải thiện vị trí xếp hạng về đầu ra (thứ hạng 35, năm 2021 là 38). Đặc biệt, Việt Nam cùng với I-ran (hạng 53) và Philippines (hạng 59) là 3 nền kinh tế thu nhập trung bình có tốc độ tăng trưởng hiệu suất đổi mới nhanh nhất.

Năm 2022 được coi là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Các thành tựu của khoa học công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng đối với các ngành kinh tế. Trong đó ở lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, đã làm chủ nhiều công nghệ, áp dụng có hiệu quả như công nghệ sấy bảo quản nông sản, giảm tổn thất xuống dưới 10% rau quả. Hàng trăm giống cây trồng được lai tạo mới cho năng suất, chất lượng tốt. Ở lĩnh vực y tế, Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt kỹ thuật phẫu thuật nội soi trong điều trị một số bệnh lý tuyến giáp, X-quang can thiệp, lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm. Nhờ ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, nhiều bệnh nhân ung thư được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả. Kỹ thuật ghép tạng - lĩnh vực đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao nhất trong y học cũng được các bác sĩ Việt Nam làm chủ. Trong đó kỹ thuật ghép đa tạng tụy - thận đã tạo ra bước đột phá giúp kỹ thuật ghép tạng Việt Nam đạt trình độ ngang tầm thế giới đã mang lại niềm hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin... Các lĩnh vực an ninh quốc phòng, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng... cũng phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Ở các địa phương, khoa học công nghệ thể hiện rõ nét những đóng góp trong phát triển sản phẩm chủ lực, nông nghiệp của vùng, góp phần phát triển kinh tế.

Về hoàn thiện các chính sách về khoa học công nghệ, trong năm 2022, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi và bổ sung đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV và kèm theo đó Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022). Để hiện thực hóa những mục tiêu của chiến lược này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng các chính sách như: (i) chính sách thị trường khoa học công nghệ; (ii) chính sách thí điểm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao làm chủ khoa học công nghệ trong các ngành lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025 và định hướng năm 2030… Hơn nữa, năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi các  Thông tư hướng dẫn tài chính đối với các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo hướng “minh bạch, rõ ràng, chấp nhận rủi ro trong khoa học theo hướng khoán chi tới sản phẩm cuối cùng” và từng bước tháo gỡ các thủ tục tài chính rườm rà, khó khăn để đơn giản hóa các quy trình.

Đối với hệ thống khởi nghiệp quốc gia, năm 2022 đã có những tiến triển vượt bậc như: (i) hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam xếp thứ 54/100 trên bảng xếp hạng toàn cầu do StartupBlink công bố (tăng 5 bậc so với năm ngoái, ở Đông Nam Á, Việt Nam vươn lên từ thứ 6 lên thứ năm và được dự báo có khả năng vượt Thái Lan trong năm 2023); (ii) có hơn 1000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó là hơn 200 không gian làm việc chung, 79 cơ sở ươm tạo, 29 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khoảng 170 trường đại học/ cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; (iii) Tống vốn đầu tư mạo hiểm 9 tháng đầu năm đạt mức 494 triệu USD với 94 thương vụ đầu tư; (iii) ước tính gần 3800 startup đang hoạt động; (iv) 116 bằng sáng chế được cấp… Tuy nhiên, đối với chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), trong năm 2022, Việt Nam tụt 4 bậc so với năm 2021 (thứ hạng 48 so với thứ hạng 44 năm 2021) do sự sụt giảm ở 2 chỉ số: (i) trình độ phát triển của thị trường giảm 21 bậc và (ii) sản phẩm tri thức và công nghệ giảm 11 bậc, Bên cạnh đó, kết quả GII còn cho thấy Việt Nam hiện đang yếu và còn hạn chế rất nhiều trong việc phát triển các yếu tố, bao gồm: (i) vốn con người và nghiên cứu (xếp hạng 80/132 quốc gia); (ii) Cơ sở hạ tầng (xếp hạng 71/132 quốc gia).

3. Thúc đẩy nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia 

Triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 118/QĐ-TTg ngày 25/1/2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa các nội dung của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2011-2020 và chủ trương của Nhà nước cho đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Vì vậy, chương trình đã điều chỉnh phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, chú trọng đến ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm...

Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm; 100% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành  các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3 đến 5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Cùng với đó, thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ. Khoảng 5.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp được tập huấn, đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới ở 10 lĩnh vực chủ lực, trọng điểm thông qua hình thức tại chỗ và trực tuyến. Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng …

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp - lực lượng trung tâm của nền kinh tế và hoạt động đổi mới sáng tạo để chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao...

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp tập trung vào các nội dung chủ yếu là đổi mới sản phẩm, từ nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới đến đổi mới quy trình (gồm quy trình sản xuất, quy trình quản lý dựa trên công nghệ), đổi mới công nghệ, đổi mới cách thức tiếp cận và phát triển thị trường. Như vậy, đổi mới công nghệ có vai trò và tác động quan trọng đối với các nội dung và hoạt động đổi mới khác.

Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được ban hành góp phần hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Trước đó, các chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu hỗ trợ đồng bộ từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và kết nối đầu tư… hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, viện trường, tổ chức khoa học và công nghệ ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ...

Với những kết quả đã đạt được, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện đến năm 2030. Hằng năm, ban tổ chức đã lựa chọn trình diễn và giới thiệu khoảng 3.000 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của gần 700 viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố, các nhà sáng chế không chuyên.

Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030

Ngày 11/5/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể của Chiến lược là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đưa nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030; tham gia tích cực, hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 Chính phủ đã đặt ra mục tiêu về tăng chi cho hoạt động khoa học công nghệ trong giai đoạn tới. Cụ thể, tới năm 2025, đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,2% - 1,5% GDP trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dạt 0,8 - 1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60 - 65%. Đến năm 2030, đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt 1,5 - 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 1 - 1,2% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 65 - 70%.

Việc tăng chi cho khoa học công nghệ là một trong những giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu trong Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Cụ thể, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới. Phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành; trong đó các doanh nghiệp lớn có vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo.

Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết đổi mới sáng tạo với các khu công nghệ cao, khu dân cư, trung tâm tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, trường đại học, viện nghiên cứu; triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới.

Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước.

Hoàn thiện hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và tăng cường đầu tư về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ để trở thành các đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại địa phương.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu khác của Chiến lược là phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao.

Cụ thể, chuẩn bị trước một bước nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tương lai. Tăng cường đào tạo kiến thức về khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực tin học, ngoại ngữ, rèn luyện năng lực thiết kế sáng tạo gắn với các dự án thực tế trong trường phổ thông, đặc biệt thông qua hình thức đào tạo STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học). Tăng cường định hướng nghề nghiệp và tư vấn theo đuổi khoa học, kỹ thuật và ngành kỹ thuật trong các trường học phổ thông và các trường đại học.

Đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao. Nhanh chóng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, từng bước nâng cao tiêu chuẩn nhà khoa học đầu ngành tiệm cận với tiêu chuẩn ở các nước phát triển. Tiếp tục chương trình tuyển chọn, gửi đi đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao thuộc các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm ở các nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến.

Triển khai các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu của khu vực doanh nghiệp. Đổi mới chương trình đào tạo cho nhân lực khoa học và công nghệ trong các trường cao đẳng, đại học hướng tới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Thúc đẩy, thu hút và dịch chuyển nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở rà soát, sửa đổi các quy định nhằm khuyến khích chuyển dịch nhân lực hai chiều giữa khu vực công và tư; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi về thủ tục xuất/nhập cảnh, visa, giấy phép lao động,... để thu hút nhân lực trình độ cao từ nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước; phát triển các mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài; có chính sách đưa người Việt Nam vào làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó trở về nước làm việc; tháo gỡ các chính sách để tạo thuận lợi cho các giảng viên, cán bộ nghiên cứu thường xuyên tham gia vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp.

Trên đây là những nghiên cứu, đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách phát triển theo cách tiếp cận và yêu cầu mới là hình thành đồng bộ thể chế để phát triển đất nước dựa chủ yếu và nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phản bác lại các luận điệu xuyên tạc về vấn đề này.

Trương Quốc Anh - Viện Năng suất Việt Nam


 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1.]   Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

[2.]   Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (2018), Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ban hành ngày 22/3/2018.

[3.]   Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ban hành ngày 27/9/2019.

[4.]   Bộ Thông tin và Truyền thông (2022), Quyết định số 186, QĐ-BTTT ngày 11 tháng 02 năm 2022 về Phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số Quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

[5.]   Quốc hội (2021), Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2021.

[6.]   Thủ thướng Chính phủ (2020), Quyết định số 1322/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030, ban hành ngày 31 tháng 8 năm 2020.

[7.]   Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 2117/QĐ-TTg phê duyệt “Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ban hành ngày 16 tháng 12 năm 2020.

[8.]   Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 06 năm 2020 về việc Phê duyệt “Chương tình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

[9.]   Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 36/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030, ban hành ngày 11 tháng 01 năm 2021.

[10.]   Tổng cục Thống kê (2022), Niên giám thống kê 2021, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

[11.]   Tổng cục Thống kê (2022), Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022.

[12.]   Viện Năng suất Việt Nam (2014-2021), Báo cáo Năng suất Việt Nam 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.

[13.]   APO (2021, 2022), Productivity Databook 2021, 2022, Keio Uninversity Press Inc., Tokyo.

[14.]  World Intellectual Property Organization (2022), Global Innovation Index 2022

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang