Kiểm soát thị trường, ngăn chặn các mặt hàng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng

author 06:17 06/10/2021

(VietQ.vn) - Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội yêu cầu lực lượng chức năng tập trung kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch, lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng...

Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng 9, triển khai nhiệm vụ tháng 10/2021 của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho thấy, trong tháng 9, TP. Hà Nội thực hiện tiếp 1 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 21/9.

Trong thời gian giãn cách, các cơ sở kinh doanh hàng hóa không thiết yếu đóng cửa để phòng chống dịch trong khi các cửa hàng kinh doanh dịch vụ thiết yếu như thuốc tây, tạp hóa, thực phẩm… vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân. Tình hình thị trường hàng hóa ổn định; các cơ sở kinh doanh cung ứng cam kết bảo đảm nguồn cung, không tăng giá và bán đúng giá niêm yết.

Trước bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các sở, ngành và lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố vừa tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa đấy mạnh thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nhất là hành vi lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, không niêm yết giá và bán hàng không đúng giá niêm yết.

Đặc biệt, thời điểm tháng 9 trùng vào dịp Tết Trung thu nên một số vụ việc vi phạm liên quan đến mặt hàng bánh trung thu, bánh ngọt các loại đã được các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm. Ngoài ra, còn phát hiện một số vụ việc vi phạm về mặt hàng phòng chống dịch bệnh như thuốc điều trị COVID-19, khẩu trang giả mạo nhãn hiệu, bộ đồ bảo hộ y tế, máy tạo oxy…

Thời gian tới, các lực lượng chức năng của TP. Hà Nội sẽ tập trung ngăn chặn buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minhh họa

Cùng với lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), công an, hải quan, các sở, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thường xuyên bám sát và kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của các sở, ngành, các lực lượng chức năng đã được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ quy định của pháp luật.

Gắn với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân cam kết không buôn lậu, không kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn thực phẩm, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật.

Trong tháng 9/2021, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 725 vụ; xử lý hành chính: 631 vụ. Khởi tố 2 vụ đối với 5 đối tượng. Trong đó: 57 vụ hàng cấm, hàng lậu; 4 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; 570 vụ gian lận thương mại. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là 140 tỷ 675 triệu đồng.

Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng gia tăng, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội xác định, tiếp tục thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, đặc biệt tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng chức năng tập trung kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch, lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm...

Đặc biệt chú trọng công tác quản lý tốt địa bàn; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa, không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết.

Tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Qua đó lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đối tượng kiểm tra…

Bộ Y tế có Công văn số 8345/BYT-TTrB gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kít xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi liên quan đến việc lợi dụng dịch bệnh để trục lợi và nâng giá, lợi ích nhóm, Bộ Y tế đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thanh tra một số nội dung. Cụ thể:

Thứ nhất, giao Thanh tra tỉnh, thành lập đoàn thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng, chống dịch, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Thứ hai, rà soát quy trình, thủ tục mua sắm, chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ ba, tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm (bao gồm cả test xét nghiệm chẩn đoán kháng nguyên nhanh và RT-PCR).

Thứ tư, kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, thông tin kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định.

Bộ Y tế nêu rõ, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị UBND các Tỉnh, Thành phố trao đổi với Bộ Y tế (qua Thanh tra Bộ Y tế) để cùng phối hợp, giải quyết.

Bảo An (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang