Tập trung kiểm tra, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2022

author 06:44 23/12/2021

(VietQ.vn) - Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, điều kiện cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm…

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, mục tiêu của kế hoạch bảo đảm vệ sinh an toàn, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân 2022 là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm…

Các bộ ngành, cơ quan Trung ương sẽ thành lập 6 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm. Các địa phương tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, có kế hoạch thanh, kiểm tra phù hợp vào tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, điều kiện cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm…

“Không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện sửa chữa, khắc phục đạt yêu cầu. Các cá nhân, cơ sở vi phạm phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong báo cáo kế hoạch bảo đảm vệ sinh, an toàn, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân 2022. Ảnh: VGP

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM nhấn mạnh dù khó khăn về dịch bệnh nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm an toàn trong tất cả các khâu. Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đã triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đến các quận, huyện và TP. Thủ Đức.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị làm tốt công tác truyền thông đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng; tăng cường các đoàn kiểm tra cấp huyện để bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, vận chuyển và mua bán, tiêu dùng.

Có ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục có nhiều tiến bộ trong thời gian vừa qua, nhất là chuyển hướng sang quản lý rủi ro, đưa sản xuất an toàn vào trong nông nghiệp. Các địa phương, Bộ NN&PTNT đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ an toàn sản xuất nông nghiệp gắn với chỉ dẫn địa lý. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi những thói quen không tốt trong chế biến, kinh doanh thực phẩm của hàng triệu hộ cá thể, thói quen tiêu dùng của người dân.

Trong công tác quản lý hậu kiểm trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn có cơ chế phản biện, đối thoại với doanh nghiệp. Trong dịp Tết Nguyên đán, trước tình hình dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức các đợt ra quân, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.

“Các cơ sở y tế sẵn sàng xử lý tình huống xảy ra ngộ độc, nhất là trong vùng có dịch. Đồng thời việc hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình đang cách ly trong dịp Tết càng phải bảo đảm an toàn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Liên quan tới vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trước đó, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cho biết sẽ có kế hoạch tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Theo Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Tết Nguyên đán cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Tuy nhiên, trong thời gian này, thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cho biết sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Ảnh minh hoạ

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022, đồng thời bảo đảm phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng sẽ huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

Theo đó, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trước ngày 5/1/2022. Tại địa phương, sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến quận, huyện, xã, phường từ 5/1 đến 12/3/2022.

Các đơn vị sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn; tuyên truyền các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...

Hàng tuần sẽ công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người tiêu dùng, không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Người dân không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng…

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang