Tây Ninh đẩy mạnh chuyển đổi xanh thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng thị trường

author 16:43 10/02/2025

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, các doanh nghiệp Tây Ninh đang tiên phong áp dụng công nghệ xanh nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm lãng phí và nâng cao giá trị sản phẩm.

Vị trí chiến lược thúc đẩy chuyển đổi xanh

Tây Ninh với vai trò là cửa ngõ giao thương trọng yếu giữa Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, sở hữu 3 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam), 3 cửa khẩu quốc gia (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân) và 10 cửa khẩu phụ khác. Nhờ vào tuyến đường Xuyên Á, tỉnh đã và đang đóng vai trò quan trọng trong kết nối Việt Nam với các nước Đông Nam Á và mở rộng hành lang kinh tế quốc tế. Vị trí chiến lược này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Tây Ninh có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, kết nối giao thông vùng. Ảnh minh họa

Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, trong giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ then chốt hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững như thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng mang lại năng suất, giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Nghiên cứu các sản phẩm có tiềm năng như chăn nuôi, khoai mì, mía để giảm giá thành và tạo thêm giá trị kinh tế cho chuỗi ngành hàng. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, khép kín là tiền đề cho việc hình thành hệ sinh thái kinh doanh từ nguyên liệu và sản xuất thức ăn gia súc đến phát triển công nghiệp thực phẩm, phân bón và biogas. 

Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo, cung cấp năng lượng sạch cho các ngành sản xuất, dịch vụ, thực hiện mục tiêu phát triển xanh bền vững; Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị của các khu vực tự nhiên…

Cam kết của doanh nghiệp và giải pháp thực tiễn

Bà Trịnh Ngọc Lan – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh nhấn mạnh, việc áp dụng quy trình sản xuất xanh giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí năng lượng và nước, qua đó giảm chi phí vận hành trong dài hạn. Sự cam kết này không chỉ nâng cao hình ảnh thương hiệu mà còn thu hút khách hàng và nhà đầu tư nhờ vào chất lượng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, chuyển đổi xanh đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ, trang thiết bị và đào tạo nhân lực – một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự thay đổi từ tư duy sản xuất truyền thống sang mô hình xanh yêu cầu lãnh đạo và nhân viên phải đồng lòng vượt qua khó khăn ban đầu để hướng tới lợi ích bền vững trong tương lai.

Để hướng tới sản xuất xanh và tăng trưởng bền vững, Công ty TNHH sản xuất cao su Liên Anh đã đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo từ pin năng lượng mặt trời, đảm bảo cung cấp điện ổn định và tiết kiệm năng lượng. Công ty còn áp dụng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, tái sử dụng nguồn nước và thay thế các thiết bị cũ bằng công nghệ “dầu truyền nhiệt” nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ông Phạm Văn Tiến – Phó Giám đốc sản xuất chia sẻ rằng việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế (FSC, EUDR) giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tương tự, Công ty TNHH Tân Nhiên đã áp dụng năng lượng tái tạo (biogas) để vận hành nhà máy, tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu chất thải. Sản phẩm chủ lực của công ty như bánh tráng siêu mỏng – không nhúng nước đã được tiêu thụ thành công tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Ông Đặng Khánh Duy – Giám đốc Công ty cho biết, sự áp dụng sản xuất xanh không chỉ đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn cao về môi trường.

Việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất xanh là cơ hội rộng mở cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường người tiêu dùng toàn cầu. Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tối ưu hóa việc tái chế và sử dụng hiệu quả nguyên liệu nhằm giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm. Đồng thời, để lan tỏa mô hình sản xuất xanh, các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và vốn đầu tư, cũng như các chương trình tập huấn và chuyển giao kỹ thuật.

Sự kết hợp giữa sản xuất xanh và chuyển đổi số sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp không chỉ cải thiện hiệu quả quản lý, tiết kiệm tài nguyên mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang