Thái Bình xử lý 433 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại

author 18:12 15/07/2023

(VietQ.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường Thái Bình thanh tra, kiểm tra 546 vụ, xử lý 433 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình cho biết, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đơn vị nay đã ban hành và triển khai thực hiện chương trình công tác, các kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa, đảm bảo lưu thông hàng hoá; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu. 

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã thanh tra, kiểm tra 546 vụ, xử lý: 433 vụ, số tiền nộp NSNN hơn 2 tỷ đồng.

Lực lượng QLTT tỉnh Thái Bình đã kiểm tra 546 vụ, xử lý: 433 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại. Ảnh: Cục QLTT Thái Bình

Vụ việc điển hình, mới đây Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình đã tiến hành kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính đối với 06 doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, số tiền nộp ngân sách nhà nước 90 triệu đồng. Theo đó danh sách các đối tượng kiểm tra gồm 06 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH MTV - Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (MIPECORP), đại lý bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà và 02 cửa hàng trực thuộc thương nhân có trụ sở chính đặt tại địa bàn Đội Quản lý thị trường số 4, số 5. Cả 06 thương nhân kinh doanh xăng dầu được kiểm tra đều chưa tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật về việc xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng xăng dầu. 

Tiếp đến Đội Quản lý thị trường  số 1 kiểm tra 01 cơ sở kinh doanh sữa bỉm trên địa bàn huyện Thái Thụy có hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa  hàng hóa gồm bỉm các loại; thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm bổ sung các loại. 

Vào ngày 22/02/2023, Đội Quản lý thị trường  số 1 kiểm tra cửa hàng kinh doanh điện thoại và linh kiện điện thoại trên địa bàn huyện Đông Hưng và phát hiện, tạm giữ gần 3000 chiếc ốp điện thoại và 20 chiếc điện thoại các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cũng trong tháng 2/2023 Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra, xử lý 9548 sản phẩm thiết bị vệ sinh, đồ điện, bản lề cửa các loại. Toàn bộ số hàng trên xe vi phạm về nhãn hàng hoá.

Quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa

Ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022. Với một số quy định mới cần chú ý liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường như sau:

Tại khoản 5, điều 1. sửa đổi, bổ sung (điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa. Theo đó nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này.

Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.

Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài. Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;

Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang