Thu giữ lượng lớn bút giả mạo nhãn hiệu Thiên Long được đăng bán trên mạng

author 06:08 29/05/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT thành phố Hà Nội) đã giám sát, thu thập thông tin về cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo hàng hóa là bút bi nhãn hiệu Thiên Long tại Thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Sau khi nhận được yêu cầu của đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Long đề nghị xem xét, xử lý đối với cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo hàng hóa là bút bi nhãn hiệu Thiên Long tại Thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT thành phố Hà Nội) đã cử công chức giám sát, thu thập thông tin về đối tượng có dấu hiệu vi phạm.

Song song với giám sát hành vi kinh doanh offline theo địa chỉ đại diện Công ty Thiên Long đề xuất, Lãnh đạo Đội QLTT số 1 đã chỉ đạo các tổ công tác khác nhanh chóng thực hiện nghiệp vụ giám sát trên môi trường online và phát hiện tài khoản mạng xã hội Zalo “Kho gia dụng Vũ Minh” có giới thiệu sản phẩm, hình ảnh bút bi Thiên Long.

Sau đó, Đội QLTT số 1 cũng tìm kiếm trên sàn thương mại điện tử Shopee đối với mặt hàng bút bi Thiên long có dấu hiệu giá bán thấp hơn so với hàng thật và kết quả xác định được gian hàng “Bún Xinh” bán và giới thiệu sản phẩm bút bi Thiên Long có dấu hiệu giả mạo. Đội QLTT số 1 đã ban hành Quyết định phân công công chức thực hiện biện pháp nghiệp vụ thẩm tra xác minh với Công ty TNHH Shopee để xác định số lượng hàng giả mạo nhãn hiệu đã được tiêu thụ trên môi trường thương mại điện tử làm căn cứ để xác định việc thu lời bất chính của các cơ sở kinh doanh.

Gian hàng "Bún Xinh" đăng bán các sản phẩm bút bi giả mạo nhãn hiệu Thiên Long trên Shopee

Ngay sau đó, ngày 22/5/2024, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra địa điểm tại Thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, phát hiện, tạm giữ 5.635 sản phẩm bút bi, bút chì giả mạo nhãn hiệu Thiên Long đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đồng thời, Đoàn kiểm tra xác định được hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu không chỉ thực hiện trực tiếp tại cơ sở mà còn kinh doanh thông qua tài khoản trên sàn thương mại điện tử Shoppe trên tài khoản “Bún Xinh”.

Ngày 28/5/2024, Đội QLTT số 1 đã nhận được văn bản của đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Long xác nhận toàn bộ sản phẩm đang bị tạm giữ tại Đội QLTT số 1 là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Thiên Long. Cùng ngày, Đội QLTT số 1 cũng nhận được công văn của Công ty TNHH Shopee cung cấp thông tin về số lượng hàng giả sản phẩm Thiên Long bán trên sàn thương mại điện tử Shopee.vn thông qua tài khoản mang tên “Bún Xinh”.

Đội Quản lý thị trường đang kiểm tra các sản phẩm bút bi giả mạo nhãn hiệu Thiên Long

Qua công tác kiểm tra, giám sát, Đội QLTT số 1 sẽ tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính của cơ sở kinh doanh đối với các hành vi Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh (cụ thể nội dung về địa điểm kinh doanh) với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện; Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Cùng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Cung cấp thông tin, buôn bán hàng giả trên môi trường Internet theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Quy định xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Ngoài ra cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, cụ thể:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b hoặc điểm c khoản 13 Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP;

- Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 7 đến khoản 10 Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, thì cá nhân, tổ chức có hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như:

- Buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường;

- Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường;

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP.

Như vậy, đối với hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 8.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật.

Khánh Mai 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang