Hé lộ bí mật về đội 'thợ săn cáo' Trung Quốc

author 06:04 20/04/2015

(VietQ.vn) - Mới đây, Phó cục trưởng Cục Tội phạm kinh tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc Lưu Đông, hé lộ về thông tin chi tiết hoạt động của biệt đội “Săn cáo” - chống tham nhũng Trung Quốc. Ngoài tiêu chuẩn gắt gao, họ còn đối mặt với rất nhiều rào cản pháp lý.

Sự kiện: Tham nhũng ở Trung Quốc

Theo tin tức trên Dân Trí, thông tin chi tiết về hoạt động của biệt đội “Săn cáo” được ông Lưu Đông, Phó cục trưởng Cục Tội phạm kinh tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc, chỉ huy biệt đội, hé lộ ngày 18-04. Ông cho hay, những người được tuyển vào lực lượng chống tham nhũng Trung Quốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kiến thức kinh tế, luật pháp, ngoại ngữ và quản lý, bên cạnh đó còn là “chỉ số xúc cảm” của họ.

Tân Hoa Xã trích lời ông Lưu Đông nói rằng: “Chúng tôi không có quyền gì để đòi áp dụng luật pháp ở nước ngoài, nên phải thông hiểu và tôn trọng luật lệ của nước sở tại”. Theo cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có 500 nghi can đã bị dẫn giải về Trung Quốc trong năm 2014, cùng với hơn 3 tỷ NDT (448 triệu euro) bị thu hồi.

Bắc Kinh ước tính có khoảng 150 quan tham đang trốn ở Mỹ, và đã trao cho Washington một danh sách “ưu tiên” các nghi phạm, mặc dù giữa Washington và Bắc kinh không có hiệp ước dẫn độ. Ông Lưu Đông cho rằng việc hợp tác với chính phủ các nước cần được cải thiện.

Hai tội phạm tham nhũng Trung Quốc trốn ra nước ngoài bị đưa về nước tháng 8/2014

Hai tội phạm tham nhũng Trung Quốc trốn ra nước ngoài bị đưa về nước tháng 8/2014

Tin tức trên Thanh Niên, theo ông Lưu, biệt đội “Săn cáo” bao gồm 20 “thợ săn”, độ tuổi trung bình 30, trong đó có người mới bước qua 20. Quan chức này cho hay “Chiến dịch Săn cáo” đòi hỏi một biệt đội trẻ vì các thành viên cần có sự dẻo dai để chịu đựng các chuyến công tác kéo dài và xa nhà.

Hầu hết thành viên trong đội có bằng thạc sĩ và phần lớn học về kinh tế, luật và điều tra. Nhiều người khác có chuyên môn về ngoại ngữ và quản lý doanh nghiệp. Các thành viên phải có trí tuệ cao để ứng phó những “con cáo” quỷ quyệt, chỉ số cảm xúc cao để hợp tác thuận lợi với các bộ phận công lực trong những quốc gia và khu vực liên quan.

Ngoài Bộ Công an, “Chiến dịch Săn cáo” còn có sự tham gia của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các Bộ Ngoại giao, An ninh quốc gia cùng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Một trong những vấn đề lớn nhất của chiến dịch này là truy lùng những nhân vật bỏ trốn sang Canada, Mỹ và Úc cả 3 quốc gia đó chưa ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc, theo SCMP.

Lai Changting bị truy nã vì tội tham nhũng Trung Quốc bao gồm buôn lậu, hối lộ, bị dẫn độ từ Canada về Bắc Kinh

Lai Changting bị truy nã vì tội tham nhũng Trung Quốc bao gồm buôn lậu, hối lộ, bị dẫn độ từ Canada về Bắc Kinh

Gặp nhiều trở ngại, giới chức Trung Quốc vẫn có chiêu thức để đưa những “con cáo” về nước. Trong một bài viết đăng trên website hồi tháng trước, CCDI tiết lộ rằng trong vài trường hợp, Trung Quốc gửi đặc vụ ra nước ngoài để thuyết phục đối tượng bỏ trốn về nước, kết thúc cuộc sống lưu vong.

Trong vài trường hợp khác, Bắc Kinh cung cấp bằng chứng phạm tội cho nước sở tại để trục xuất nghi phạm về tội nhập cư bất hợp pháp. Ngoài ra, CCDI cung cấp bằng chứng để nước sở tại có thể khởi tố nghi phạm bỏ trốn theo luật của nước đó.

Còn tài sản phi pháp của đối tượng trên được đưa về Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau, từ thỏa thuận hợp tác giữa cảnh sát của hai bên, đến kiện tụng dân sự hoặc dựa vào luật tịch thu tài sản phạm nhân ở nước ngoài hoặc ở Trung Quốc. Một giải pháp khác là giới chức CCDI dàn xếp với nghi phạm hoặc gia đình để họ giao nộp tài sản phi pháp.

Bích Phượng(T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang