Thảm sát Bình Phước: Bão mạng tranh luận về nghi can thứ 3

authorHòa Lê 19:02 10/11/2015

Có ý kiến cho rằng nghi can thứ 3 trong vụ thảm sát Bình Phước không phạm tội giết người. Dư luận đã tranh luận gay gắt trước thông tin này.

Nghi can thứ 3 có phạm tội giết người? Trước ý kiến cho rằng bị can Trần Đình Thoại không phạm tội giết người vì không trực tiếp gây án đã có rất nhiều luật sư, bạn đọc lên tiếng.

Trong buổi họp báo về vụ thảm sát gia đình 6 người tại huyện Chơn Thành (Bình Phước), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước đã công bố cáo trạng truy tố ba bị can: Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (tên gọi khác là Bé, 24 tuổi, quê Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) về hai tội giết người và cướp tài sản.

3 bị can (từ trái qua) Tiến, Dương, Thoại3 bị can (từ trái qua) Tiến, Dương, Thoại

Ngay lập tức, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, có ý kiến cho rằng bị can Trần Đình Thoại chỉ có dấu hiệu cấu thành tội phạm về hai tội cướp tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt và tội không tố giác tội phạm.

Không trực tiếp ra tay, có phạm tội giết người?

Theo một số người, khoảng cách giữa âm mưu giết người và giết người là rất lớn. Không thể vì dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ án mà truy tố Thoại với mức án nặng như thế. Thoại dừng nửa chừng thì không nên khép tội giết người hay cướp tài sản.

 Trong khi đó, nhiều bạn đọc cho rằng, một khi đã bàn bạc để lên kế hoach giết người cướp của thì phải bị xử như tội danh giết người.

Chị Hồng Thu (Q.8, TP.HCM) đặt trường hợp: “Thoại không vào được nhà nạn nhân nên bỏ về. Sau đó, tên này không tố giác đồng phạm mà còn tiếp tay mua dao cho Dương thì rõ rành rành rồi. Chưa kể nếu hôm đó có người mở cửa thì Thoại cũng đã giết người”.

“Thoại lên kế hoạch cùng Dương, đã đến nhà ông Mỹ nhưng không vào nhà được. Như vậy, dù sau đó, Thoại không tham gia nữa thì chừng đó cũng có thể mang tội tổ chức giết người hàng loạt, không tố giác tội phạm”- Anh Tuấn Hoàng (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) nhận định.

Ngoài hành vi, còn chú ý đến ý thức phạm tội

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, nếu trong quá trình bàn bạc với bị can Dương, Thoại biết được sắp tới mình và Dương có thể phải giết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì rõ ràng Thoại đã có ý thức giết người. Như vậy đã có cơ sở để kết luận Thoại phạm tội giết người.

Ông Hiệp nhấn mạnh: “Ý thức phạm tội là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc xác định tội danh của nghi phạm. Việc xác định ý thức phạm tội phụ thuộc vào điều tra viên. Trong quá trình điều tra, điều tra viên phải làm rõ động cơ, mục đích khi phạm tội của nghi phạm. Đâu phải vô cớ mà công an tỉnh Bình Phước quyết định truy tố bị can Thoại tội giết người?”.

Luật sư Hiệp dẫn chứng, trường hợp một người đặt bẫy điện diệt chuột nhưng vô tình giết người sẽ khác với trường hợp một người đặt bẫy điện diệt chuột để giết người. Nếu chỉ phân tích trên khía cạnh hành vi đặt bẫy diệt chuột để kết luận thì chưa chính xác.

Phản hồi ý kiến về việc nghi can Thoại có thể rơi vào trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 19 Bộ luật Hình sự, luật sư Huỳnh Phước Hiệp Hiệp cho rằng điều này là không thể.

“Cần phân biệt giữa việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội với việc phạm tội chưa đạt. Ở đây do điều kiện khách quan nên bị can Thoại và Dương mới không thể thực hiện hành vi cướp tài sản chứ không phải do tự ý chấm dứt hành vi phạm tội”, ông Hiệp cho hay.

Luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Viện kiểm sát Bình Phước truy tố bị can Thoại về tội giết người là có cơ sở. Trường hợp này là chuẩn bị phạm tội”.

“Giai đoạn chuẩn bị phạm tội là giai đoạn chuẩn bị công cụ, phương tiện và vạch ra các kế hoạch nhằm thực hiện tội phạm một cách thuận lợi. Theo quy định pháp luật, người có hành vi ở giai đoạn thực hiện tội phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội có ý định phạm. Tuy nhiên, xét ở trách nhiệm hình sự, giai đoạn chuẩn bị phạm tội sẽ chịu trách nhiệm hình sự nhẹ hơn so với trường hợp tội phạm đã hình thành”, ông Diệp nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM khẳng định, theo nguyên tắc, bị can Trần Đình Thoại chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi tố giác với cơ quan chức năng về hành vi phạm tội của Dương và Tiến.

“Quan trọng hơn hết, cần xác định rõ trong quá trình Dương và Thoại trao đổi trước khi đến nhà ông Mỹ lần 1 thì Thoại đã biết được phải giết cháu Vỹ khi cháu mở cổng cho hai đối tượng này vào nhà”, ông Hậu phân tích.

Đã biết có thể giết người ngay từ đầu

Xin trích đăng đoạn đối thoại giữa Trần Đình Thoại và Nguyễn Hải Dương chứng tỏ Trần Đình Thoại đã nhận thức được việc có thể giết người khi cướp tài sản:

Khi gặp nhau vào trưa ngày 4-7-2015, tức hơn ngày trước đêm gây án, Dương nói với Thoại rằng mình có hùn 700-800 triệu đồng mua gỗ cao su với một gia đình ở Bình Phước nhưng họ không chịu trả nên nhờ Thoại giúp cướp lại số tiền.

Nguyễn Hải Dương cho biết: “Em lấy đủ số tiền của em thôi, còn bao nhiêu em đưa anh hết. Em lên kế hoạch hết rồi, khi mình lên đến đó, điện thằng nhóc ra mở cửa rồi xử thằng nhóc luôn”.

Thoại hỏi vì sao phải “xử thằng nhóc” (Dư Minh Vỹ - 14 tuổi, cháu ông Mỹ), Dương trả lời rằng chỉ có “xử” thì mới vào nhà được, rồi cả hai sẽ đi vào bằng đường Vỹ đi ra.

Đến 21g45 cùng ngày, đang chở Thoại tìm quán nhậu, Dương tiết lộ kế hoạch: “Tối lên em điện thằng nhóc ra mở cửa rồi mình xử nó luôn. Khi vào nhà, mình khống chế 2 đứa con gái đang ngủ trên lầu, khống chế, đe dọa 2 vợ chồng để cướp tiền rồi giết từng người. Sau đó quay lên lầu giết hai đứa kia rồi về”.

Thoại nói: “Thù tức ai thì giết người đó” nhưng Dương cắt lời: “Phải giết hết, anh không giết thì em giết”. Trên đường đến nhà ông Mỹ, Thoại hỏi: “Lỡ bị phát hiện rồi sao?”. Dương trả lời: “Anh yên tâm, em có kế hoạch hết rồi, không bị phát hiện đâu, lỡ bị phát hiện thì sẽ xử luôn”. Thoại nói: “Ừ, để chút nữa lên coi sao”.

Khi đến nhà ông Mỹ, Dương nhiều lần gọi Vỹ nhưng không ai nghe máy. Thoại nói: “Thôi đi về, mai đi tiếp”. Trên đường về, Thoại có mua một con dao để ngày mai đi tiếp.

Theo Tuổi Trẻ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang