'Thú cưng' có nọc độc nguy hiểm cần tránh tiếp xúc

author 06:29 05/12/2021

(VietQ.vn) - Mới đây một người phụ nữ đã bị con cu li cắn vào bàn tay, vài phút sau tê bì đầu các ngón tay và chân, giọng nói yếu, đánh trống ngực.

Vài năm gần đây, người Việt bắt đầu nuôi cu li như thú cưng trong nhà mà không biết rằng đây là loài có độc, gây tử vong cho con người.

Cụ thể, mới đây Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị này đã cấp cứu người phụ nữ 54 tuổi do bị cu li cắn. Tại đây bệnh nhân đã được làm các xét nghiệm chẩn đoán bị nhiễm độc do cu li cắn. Hình ảnh con cu li được gửi tới các chuyên gia về động vật, cho thấy thuộc giống Nycticebus, họ cu li Lorisidae, bộ linh trưởng (Primate).

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, cu li là sinh vật được nhiều người ở Việt Nam nuôi làm cảnh. Tuy nhiên, loài này đã được đưa vào Sách đỏ và bị cấm nuôi nhốt, buôn bán.

 Cẩn thận khi nuôi cu li vì chúng có nọc độc. Ảnh minh họa

Việt Nam có hai loài là cu li lớn Nycticebus coucang và cu li nhỏ Nycticebus pygmaeus. Chúng thường sống ở rừng xanh nguyên sinh hoặc thứ sinh. Loài này thường kiếm ăn ban đêm với thức ăn chủ yếu là côn trùng, bọ cánh cứng, nhựa cây đóng cục.

Cu li có tuyến nọc độc ở mặt trong hai khuỷu chân phía trước. Nọc độc phủ trên da, trên lông giúp bảo vệ nó khỏi các con côn trùng và sinh vật bên ngoài tấn công. Cu li dùng miệng liếm nọc độc từ tuyến nọc, sau đó chải lông. 

Trong các nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã phân tích được 212 hợp chất có độc ở loài cu li lớn và 68 hợp chất có độc ở loài cu li nhỏ. Các bằng chứng sau khi nghiên cứu cho thấy, nọc độc của cu li ngoài tác dụng bảo vệ chúng khỏi ký sinh trùng còn có thể dùng để phòng vệ chống lại kẻ thù. Phần độc này nằm ở phần trong của cánh tay trước và được tiết ra cùng mồ hôi. Khi cu li liếm phải chất độc sẽ theo tuyến nước bọt nên nếu không may bị loài này cắn, con mồi cảm thấy đau đớn toàn thân.

Chất độc có thể gây phù nề, nôn mửa, mất vài tuần để chữa lành ở người và để lại sẹo. Trong những trường hợp cực đoan, đối với một số người mẫn cảm với nọc độc này, vết cắn có thể bị sốc phản vệ, đôi khi dẫn đến cái chết.

Biểu hiện nhiễm độc sau khi bị cu li cắn gồm đau buốt nghiêm trọng, tê bì, rối loạn cảm giác, đau đầu, buồn nôn, run rẩy, mệt mỏi khó chịu toàn thân, rối loạn đông máu. Một số trường hợp có biểu hiện dị ứng, thậm chí phản vệ, có thể dẫn đến tử vong. Vết cắn có thể bị nhiễm trùng, hoại tử phần mềm, gây nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo người dân thận trọng khi tiếp xúc với các sinh vật trong tự nhiên, cần phải biết các nguy cơ mà động vật có thể mang tới, bao gồm các bệnh lây truyền. Cần phân biệt rõ động vật nào có thể được nuôi, khi nuôi phải được kiểm dịch và tiêm phòng bệnh đầy đủ. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có người nhiễm độc do con cu li cắn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang