Tháng 7 này Nhật Bản sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người
WHO bật mí ứng viên tiềm năng nhất trong cuộc đua vaccine Covid-19
Dự án Vaccine Covid-19 ‘Made in Việt Nam’ vượt tiến độ sản xuất
Dùng trí tuệ nhân tạo để kiểm soát việc nhân viên rửa tay phòng chống Covid-19
Cụ thể, theo thông tin từ báo VnExpress, Công ty dược phẩm AnGes Inc, Nhật Bản, ngày 30/6 cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Osaka vào tháng 7.
Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm là người trưởng thành khỏe mạnh. Họ sẽ được chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 15 người. Trong đó một nhóm tiêm vaccine Covid-19 với liều lượng cao hơn nhóm còn lại. Mỗi người tiêm hai mũi vaccine cách nhau hai tuần.
Nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá dữ liệu trong 8 tuần để xem liệu có tác dụng phụ từ vaccine hoặc đã có sinh các kháng thể chống lại Covid-19.
Nhật Bản chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người. Ảnh: VnExpress
Vaccine do công ty AnGes hợp tác với Đại học Osaka bào chế. Chúng được phát triển dựa trên các vòng DNA sao chép một phần từ nCoV đã được biến đổi gen. Khi tiêm các DNA vào cơ thể sẽ tạo ra protein gai nhú, một loại đặc trưng trên bề mặt của nCoV. Khi các protein gai nhú được tạo ra, hệ thống miễn dịch của cơ thể được kích thích để tạo ra các kháng thể chống lại virus.
Nếu thử nghiệm cho thấy loại vaccine này đạt chuẩn an toàn, nó sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên khoảng 500 tình nguyện viên. AnGes hy vọng sẽ chính phủ cấp phép để sản xuất và đưa vaccine ra thị trường vào giữa mùa xuân đến mùa thu năm sau.
Tại Nhật Bản, công ty Shionogi & Co cũng đang phát triển một loại vaccine nhưng chưa bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người.
Hiện có khoảng 17 thử nghiệm lâm sàng đối với các ứng cử viên vaccine Covid-19 đang được tiến hành trên toàn cầu ở nhiều giai đoạn. Sản phẩm do các "ông lớn" nghiên cứu như công ty công nghệ sinh học Mỹ Moderna Inc, công ty dược phẩm của Anh AstraZeneca PLC và công ty CanSino Biologics Inc của Trung Quốc...Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có loại vaccine ngừa Covid-19 nào được cấp phép ra thị trường.
Mới đây, Trung Quốc cho phép quân đội sử dụng vaccine của công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics sau khi trải qua hai giai đoạn thử nghiệm. Vaccine có tên gọi Ad5-nCoV, thời gian sử dụng là một năm. Sản phẩm hiện được giới hạn dùng trong quân đội, không mở rộng sang phạm vi tiêm chủng rộng hơn nếu chưa có sự chấp thuận của Cục Hỗ trợ Hậu cần.
Liên quan tới tình hình Covid-19, theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 1/7, thế giới ghi nhận tổng cộng 10.564.001 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó có 513.040 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 5.782.319.
Ngày 30/6, Giám đốc khu vực châu Mỹ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Carissa Etienne bày tỏ quan ngại rằng các quốc gia, các bang hay các thành phố nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 có thể sẽ bị "nhấn chìm" bởi những ca nhiễm bệnh mới.
Cũng tại cuộc họp, bà Etienne cho rằng, số người thiệt mạng vì Covid-19 tại khu vực Mỹ Latinh có thể lên tới 438.000 người nếu các biện pháp phòng dịch không được duy trì. Tính tới ngày 29/6, châu Mỹ đã ghi nhận hơn 5,4 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 250.000 người thiệt mạng.
Mỹ vẫn đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 với 2.723.959 ca nhiễm bệnh, trong đó có 130.077 ca tử vong. Đa số các ca nhiễm mới của Mỹ xuất hiện tại các bang miền Tây và miền Nam.
Nguyên nhân khiến số ca tăng cao trở lại cộng đồng là do tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân và nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tình hình dịch bệnh lây lan đã buộc nhiều thống đốc bang phải tái áp đặt các biện pháp như đóng cửa quán bar và nhà hàng, trong đó có bang New Jersey, Arizona và California.
Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ở Mỹ có thể lên tới 100.000 trường hợp mỗi ngày nếu như quốc gia này không thực hiện nghiêm ngặt việc giãn cách xã hội cũng như các biện pháp khác.
Tại Nam Mỹ, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới và ghi nhận số ca nhiễm liên tục tăng. Tính đến ngày nay, Brazil đã ghi nhận tổng cộng 1.402.041 ca nhiễm Covid-19 với 59.594 ca tử vong. WHO cảnh báo quốc gia này vẫn đối mặt thách thức lớn trong kiểm soát dịch bệnh, do đó cần nỗ lực thực thi các biện pháp đồng bộ từ cấp liên bang đến các cấp nhỏ hơn, cũng như tập trung tiếp cận toàn diện để ngăn chặn dịch bệnh.
Tại châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ mở cửa biên giới với 15 nước, trong đó riêng với Trung Quốc mở cửa nhưng kèm một số điều kiện. Tuy nhiên, thông báo này không áp dụng đối với Mỹ, quốc gia được coi là đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ hai. Động thái diễn ra trong bối cảnh những ngày qua, toàn châu Âu chỉ ghi nhận khoảng hơn 12.000 ca nhiễm bệnh mỗi ngày, thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 3,4.
Tại Anh, Chính phủ đã quyết định phong tỏa thành phố Leicester. Tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua tại Leicester là 135 ca/100.000 người, cao nhất cả nước và gấp 3 lần so với thành phố đứng thứ 2. Vì vậy, Bộ Y tế Anh quyết định không triển khai giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo tại thành phố này từ ngày 4/7 tới như áp dụng với các địa phương khác trên cả nước.
Tại châu Á, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 43 ca nhiễm, trong đó 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 12.800 ca. Số người tử vong do Covid-19 vẫn là 282 người, chủ yếu là người cao tuổi và có bệnh nền từ trước.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, khu vực đô thị Seoul và vùng phụ cận đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, đồng thời cảnh báo nước này cần chuẩn bị cho một cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 kéo dài.
Trong khi đó, ngày 30/6, giới chức y tế đã thông báo 2 học sinh tiểu học dương tính với SARS-CoV-2 trong đợt lây lan đầu tiên của virus này tại trường học tại Hàn Quốc.
An Dương (T/h)