Thay vì đầu tư công nghệ, nhiều doanh nghiệp chỉ đầu tư vào bất động sản

author 06:33 28/11/2018

(VietQ.vn) - Việt Nam bước đầu đã tiếp cận rất mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thông tin công nghệ về Việt Nam là khá tốt, tuy nhiên việc bỏ tiền ra mua công nghệ để đầu tư phát triển còn hạn chế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Bên lề Hội thảo quốc tế của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) về chính sách khoa học công nghệ, đổi mới và nâng cao năng suất được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với APO tổ chức tại Hà Nội, PGS. Vũ Minh Khương, Viện Chính sách công Lý Quang Diệu, Trường Đại học quốc gia Singapore đã đưa ra những nhận định về thực trạng năng suất quốc gia và đưa ra những giải pháp giúp cho Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc về năng suất trong những năm tới nếu đầu tư đúng hướng.

PGS. Vũ Minh Khương, Viện Chính sách công Lý Quang Diệu, Trường Đại học quốc gia Singapore  

Theo PGS Vũ Minh Khương, Việt Nam đang ở trong giai đoạn khá tốt nhưng tiềm năng chưa được phát huy hết, điều này thể hiện ở năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khi năng lực không phải thấp như vậy.

Vấn đề đặt ra nằm ở nhiều điểm. Đó là, cấu trúc chung của nền kinh tế chưa tương tác có hiệu quả cao; trình độ công nghệ, trình độ của công nhân cũng như tay nghề chưa được đào tạo tốt; định vị, chiến lược của Việt Nam còn hạn chế đi vào những lĩnh vực mà mình thực sự mạnh, có thể kiến tạo ra giá trị cao.

Tổng hòa chung của vấn đề này theo ông Khương chính là thiếu Hội đồng Năng suất quốc gia để nhìn nhận thấu đáo các vấn đề mà các doanh nghiệp, các ngành đang gặp phải để có những lời giải mang tính chiến lược, nền tảng để thúc đẩy năng suất của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian tới.

 
Để nâng cao năng suất chất lượng, ở góc độ doanh nghiệp, việc đầu tiên là phải đưa ra chiến lược tập trung vào sản phẩm chủ lực, đầu tư công nghệ, đồng thời chia sẻ, công hưởng với các doanh nghiệp khác và phải tăng cường học hỏi trao đổi kinh nghiệm quốc tế…
                                                              PGS. Vũ Minh Khương
 

Ông Khương cho rằng, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với vấn đề năng suất. Năng suất nằm ở nhiều điểm khác nhau, có những điểm căn bản như máy móc thiết bị cũ, không có tiền để đổi mới sáng tạo, cái này ở mức độ 1 tức là cái cần phải đầu tư. Tiếp nữa là tầm nhìn về thị trường để tìm ra những sản phẩm bán được với giá cao hơn nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi trọng việc sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn là quản lý ở lượng vừa phải mà tăng giá trị lên. Đây chính là hạn chế trong tư duy chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ở khía cạnh vĩ mô, những năm qua Chính phủ đã có những hành động rất mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh đó là điều đáng mừng nhưng quan trọng hơn là phải tạo ra sức cộng hưởng để làm sao cả nền kinh tế đều tham gia và tương tác một cách hiệu quả.

“Tầm nhìn thấu đáo hơn về tương lai phát triển là phải làm rõ được Việt Nam đang có 25 ngành thì năng suất lao động của từng ngành so với thế giới và so với Đông Nam Á ở mức độ nào và khả năng thu hẹp của mỗi ngành ra sao, nhanh hay chậm và địa phương, doanh nghiệp nào đi nhanh hơn… Nếu làm rõ vấn đề này chúng ta sẽ dễ dàng nhận diện và cải biến nó”, ông Khương nói.

Ông Khương cũng thừa nhận rằng Việt Nam bước đầu đã tiếp cận rất tốt cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cho nên thông tin công nghệ về Việt Nam là khá tốt, tuy nhiên, việc bỏ tiền ra mua công nghệ để đầu tư phát triển còn hạn chế.

“Cái này không phải vì thiếu nguồn lực, mà do họ sẵn sàng bỏ tiền để mua rất nhiều bất động sản nhưng bỏ tiền ra đầu tư cho đổi mới công nghệ thì rất hạn hẹp”, chuyên gia này nói.

Chuyên gia đến từ Đại học quốc gia Singapore cũng đưa ra dẫn chứng về những nước đi nhanh như Hàn Quốc, Trung Quốc… họ rất chú trọng mua công nghệ để có bước tiến vượt bậc. Có những nước đi chậm như Philipines thì đầu tư cho công nghệ là rất thấp, Thái Lan thì cũng chỉ ở mức trung bình.

Mua công nghệ để đổi thay phát triển là chìa khóa rất lớn nhưng bên cạnh đó thì có những vấn đề như đổi mới về cấu trúc, quản lý thì mang tính chất của chiến lược phát triển.

“Do đó để có chiến lược phát triển năng suất, một lần nữa tôi nhấn mạnh đến vai trò của Hội đồng Năng suất quốc gia để trong chiến lược phát triển 5 năm tới hình thành được chiến lược cho từng ngành và các thủ lĩnh ngành phải đưa ra được lộ trình để các ngành, các doanh nghiệp phối hợp với nhau làm sao cải biến để Việt Nam vượt lên hẳn trong vòng 5- 10 năm tới”, PGS Vũ Minh Khương bày tỏ.

Thúc đẩy chính sách khoa học công nghệ, đổi mới và nâng cao năng suất(VietQ.vn) - Sáng nay (27/11), Hội thảo quốc tế của APO về Chính sách khoa học, công nghệ, đổi mới và vấn đề nâng cao năng suất đã được APO phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức tại Hà Nội.

Hà Thủy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang