Thế chấp quyền sở hữu trí tuệ, cần điều kiện chín muồi

author 06:30 28/09/2016

(VietQ.vn) - Muốn dùng quyền sở hữu trí tuệ để thế chấp, trước hết tài sản trí tuệ đó phải có giá trị vượt trội về công nghệ hoặc thương mại.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

 TS Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT. Ảnh: Loan Lê

 

Mới đây, trong buổi làm việc với Việt Nam, ông Daren Tang - Tổng giám đốc Cơ quan sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS) chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác sở hữu trí tuệ (SHTT) thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh chính sách hỗ trợ startup bằng cơ chế thế chấp quyền SHTT để vay vốn khởi nghiệp. Hiện nhiều starup Việt Nam quan tâm vấn đề này. Tuy nhiên, việc áp dụng các mô hình hay trên thế giới vào Việt Nam không thể trong một sớm, một chiều.

Muốn dùng quyền SHTT để thế chấp, trước hết tài sản trí tuệ đó phải có giá trị vượt trội về công nghệ hoặc thương mại, có khả năng đem lại lợi nhuận rõ rệt và lâu dài. Không phải mọi quyền SHTT đều thể hiện được ngay các giá trị đó. Nếu không được hoàn thiện để đảm bảo khả năng thương mại hóa, quyền SHTT chỉ thuần túy là tài sản trên giấy tờ, rất khó dùng để thế chấp và được cho vay.

Mặt khác, để các tổ chức tài chính cho vay trên cơ sở thế chấp quyền SHTT cũng không dễ. Tại Singapore, nếu các starup được IPOS bảo lãnh vay vốn trên cơ sở thế chấp quyền SHTT khởi nghiệp thất bại, IPOS sẽ bồi hoàn cho ngân hàng từ nguồn vốn 100 triệu USD do chính phủ cấp.

Trước khi bảo lãnh, IPOS phải đánh giá tài sản trí tuệ về giá trị, vòng đời, khả năng thương mại hóa, sức cạnh tranh, khả năng thu lợi và hoàn vốn… Việt Nam hiện thiếu nhiều điều kiện để đảm bảo các khoản vay của starup. Ít tổ chức tài chính dám bảo lãnh khi quyền SHTT mới dừng ở ý tưởng.

Để áp dụng chính sách hỗ trợ startup bằng cơ chế thế chấp quyền SHTT, điều kiện ở Việt Nam chưa chín muồi. Điều kiện tối quan trọng với starup là có giải pháp sáng tạo đột phá, khả thi. Khi đó chắc chắn nhiều nhà đầu tư sẽ hùn vốn.

Quyền SHTT là tài sản vô hình, cần có chuyên gia hiểu bản chất của tài sản trí tuệ, dự báo được giá trị của tài sản trí tuệ nhằm tư vấn cho ngân hàng để xác định cơ sở cho vay. Hiện chúng ta còn thiếu các chuyên gia và đơn vị tư vấn như vậy. Khi điều kiện thực sự chín muồi, Cục SHTT mới có thể đề xuất Chính phủ áp dụng chính sách hỗ trợ startup bằng cơ chế thế chấp quyền SHTT và bảo lãnh vay vốn khởi nghiệp, khi đó ngân hàng mới có cơ sở để cho vay.

Vào TPP: Doanh nghiệp phải bảo vệ mình bằng tài sản sở hữu trí tuệ(VietQ.vn) - Hội nhập TPP, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối diện nhiều cơ hội, tuy nhiên thách thức cũng không hề nhỏ.

Theo TS Lê Ngọc Lâm (Phó Cục trưởng Cục SHTT)/Khoa học& Phát triển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang