TGDĐ đóng cửa nhiều siêu thị, Điện Máy Xanh vì Covid-19: Giá cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh

author 14:47 26/03/2020

(VietQ.vn) - Từ ngày 26/3, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho biết sẽ tạm thời đóng cửa một số cửa hàng và Điện Máy Xanh tại các vùng dịch khi có yêu cầu từ cơ quan nhà nước.

Theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân (UBND) một số phường trên địa bàn TP.Hà Nội, MWG đã tạm thời đóng cửa các siêu thị Thế giới Di động và Điện Máy Xanh cho đến khi có thông báo tiếp theo của UBND thành phố. Thông tin trên khiến mã cổ phiếu MWG giảm mạnh trong phiên chiều ngày 26/3, ở ngưỡng 67.900 đồng/cổ phiếu, giảm 4.300 đồng/so với phiên giao dịch trước đó. Với hơn 543 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của MWG còn 31.109 tỷ đồng, giảm hơn 5.000 tỷ so với thời điểm nhân viên Bách Hóa Xanh bị dương tính với Covid-19 hồi đầu tháng 3 vừa qua (36.610 tỷ đồng). Như vậy, từ đầu năm tới nay, cổ phiếu MWG liên tục giảm, lên đến 40% so với đầu năm 2020.

 Thế giới Di động đóng cửa nhiều siêu thị, Điện Máy Xanh vì Covid-19

Trước đó, khi giá cổ phiếu doanh nghiệp này đang giảm mạnh thì hàng loạt lãnh đạo chủ chốt và người nội bộ đăng ký mua vào 1,7 triệu cổ phiếu MWG, giá trị tạm thời vào khoảng 124 tỷ.

Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT đăng ký mua 500.000 cổ phiếu; ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc đăng ký mua 720.000 cổ phiếu; ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng Ban kiểm soát đăng ký mua 300.000 cổ phiếu và bà Nguyễn Thị Thu Thương, vợ ông Tùng lần lượt đăng ký mua 200.000 cổ phiếu.

Cũng trước đó ít ngày, loạt cổ đông nội bộ như bà Lý Trần Kim Ngân, Kế toán trưởng; ông Đặng Minh Lượm, thành viên HĐQT; ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc Tài chính; ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT cũng đăng ký mua vào tổng cộng 490.000 cổ phiếu MWG trong khoảng thời gian từ ngày 23/3 – 21/4/2020. Các giao dịch trên dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trong khoảng thời gian từ ngày 27/3 - 25/4/2020.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý IV năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của MWG đều tăng. Cụ thể quý IV/2019, tổng doanh thu đạt 103.485 tỷ đồng, tăng 18% so mức 87.738 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của MWG ghi nhận 19.488 tỷ đồng, tăng 27% so năm trước, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cũng tăng khá từ mức 17,6% lên 19%. Sau khi trừ một loạt chi phí khác, MWG vẫn lãi ròng 3.834 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2018.

Tuy nhên, nhìn kĩ bảng báo cáo tài chính MWG, trong cơ cấu nguồn vốn 41.708 tỷ đồng của MWG, nợ phải trả chiếm tới gần 71%, tương ứng 29.564 tỷ đồng chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn của MWG tăng vọt gấp 2,2 lần đầu kỳ, lên tới 13.031 tỷ đồng.

Còn vay nợ tài chính dài hạn vẫn duy trì ở mức chỉ 1.122 tỷ đồng. Do vay nợ lớn khiến MWG phải chi ra hơn 568 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2019, tăng hơn 30% so với năm 2018.

Ngoài ra, MWG cũng là “con nợ” của nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) 1.952 tỷ đồng; Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi nhánh Hà Nội 1.844 tỷ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG) 1.698 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) chi nhánh TP.HCM 1.432 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH Mizuho Bank chi nhánh Hà Nội 1.268 tỷ đồng...

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang