Thêm nghiên cứu về chế độ ăn nhiều đường khiến cơ thể lão hóa nhanh hơn
Phụ gia thực phẩm và những tác hại không ngờ đến sức khỏe
Bác sĩ lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm phế quản để tránh tác hại tới sức khỏe trẻ nhỏ
Phát hiện một số loại mỹ phẩm có thể gây ảnh hưởng tới phổi
TS Dorothy Chiu, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y học tích hợp Osher, Đại học California ở Mỹ, cho biết, việc tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung đã được chứng minh rằng có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe như béo phì hoặc tiểu đường type 2.
Lượng đường bổ sung lớn còn dẫn đến sự thay đổi trong cách tế bào hoạt động và dẫn đến lão hóa sinh học nhanh hơn. Đường là một chất gây viêm, cũng như gây ra stress oxy hóa cho cơ thể. Stress oxy hóa xảy ra khi các gốc tự do vượt quá chất chống oxy hóa, gây tổn hại tế bào. Cả stress oxy hóa và viêm đều có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa sinh học.
TS Dorothy Chiu và nhóm của bà đã phân tích dữ liệu từ Nghiên cứu Phát triển và sức khỏe của Viện Tim, Phổi và Máu quốc gia từ năm 1987 - 1997. Dữ liệu bao gồm thông tin về sức khỏe tim mạch của một nhóm các bé gái da trắng và da đen từ 9 - 19 tuổi. Từ năm 2015 - 2019, các nhà nghiên cứu đã theo dõi gần 350 người tham gia này, tất cả đều sống ở Bắc California.
Những người phụ nữ đã cung cấp thông tin về chế độ ăn uống của họ và mẫu nước bọt để nhóm nghiên cứu phân tích tuổi sinh học thông qua dấu hiệu GrimAge2, một chỉ số về nguy cơ bệnh tật và tử vong. Khi phân tích lượng đường tiêu thụ, nhóm nghiên cứu nhận thấy trung bình mỗi người dùng trung bình hơn 60g đường bổ sung mỗi ngày, người ít nhất từ 3g, nhiều nhất là 316g.
Ăn nhiều đường không chỉ gây lão hóa nhanh mà còn nhiều tác hại khác. Ảnh minh họa
Cũng theo một hướng dẫn chế độ ăn uống của người Mỹ khuyến nghị rằng những người tiêu thụ khoảng 2.000 calo mỗi ngày không nên ăn quá 50g đường thêm mỗi ngày. Trong khi một lon nước ngọt có gas đã chứa 39g đường.
Ngay cả những người có chế độ ăn uống lành mạnh, nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ đường thêm vẫn làm tế bào của họ lão hóa nhanh hơn tuổi thực. Ngoài các yếu tố như mức độ hoạt động và căng thẳng, đường dư thừa đóng vai trò quan trọng trong biểu sinh học, ảnh hưởng đến chức năng gene.
"Tiêu thụ lượng đường cao có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, mà bất kỳ yếu tố nào tác động đến trao đổi chất đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tế bào" - Julia Zumpano, chuyên gia dinh dưỡng tại Cleveland Clinic, cho biết.
Đường dư thừa cũng đẩy nhanh quá trình glycation, khi đường trong máu liên kết với protein, tạo ra các sản phẩm glycation cuối (AGEs) gây viêm và stress oxy hóa, làm tăng tốc độ lão hóa tế bào.
Tổn thương do quá trình biểu sinh học có thể đảo ngược. Theo TS Dorothy Chiu, việc giảm 10g đường thêm vào mỗi ngày có thể làm trẻ hóa tế bào khoảng 2,4 tháng.
Chuyên gia dinh dưỡng Zumpano cũng cho biết thêm, hiểu được sự khác biệt giữa các loại đường là điều quan trọng. Cô cho biết: "Có sự khác biệt lớn giữa đường tự nhiên và đường bổ sung. Đường tự nhiên có trong trái cây và rau củ giàu tinh bột và ít khi gây ra vấn đề, trừ khi chúng ta ăn quá nhiều. Nhưng lượng đường có trong nhiều những thực phẩm mà ít ai ngờ tới, như xốt salad, món ăn đông lạnh và thực phẩm bổ sung".
Mặc dù hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ khuyến nghị hạn chế lượng đường bổ sung ở mức 50gmỗi ngày, nhưng chuyên gia Zumpano nói ngay cả lượng đường đó cũng là quá nhiều. Cô khuyến khích nên tiêu thụ tối đa 25 - 35g đường bổ sung mỗi ngày. Đường là một trong những mối quan ngại lớn nhất trong chế độ ăn tiêu chuẩn của người Mỹ, góp phần vào tình trạng sức khỏe kém và tuổi thọ giảm. Mặc dù đường không phải là yếu tố duy nhất gây hại, nhưng việc tiêu thụ thực phẩm giàu đường có thể làm giảm lượng thực phẩm giàu dinh dưỡng trong chế độ ăn, gây ra tác động kép lên cơ thể.
Không chỉ đường gây lão hóa mà còn góp phần tăng nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính như: tiểu đường, bệnh tim, đột quỵ, mất trí nhớ, ung thư… Do vậy việc hạn chế đường trong chế độ ăn uống vô cùng quan trọng. Nên hạn chế tiêu thụ đồ uống chứa nhiều đường bao gồm nước ngọt có ga, sinh tố, nước ép đóng chai… Thay vào đó có thể uống nước lọc hoặc nước ép trái cây nguyên chất. Cách này giúp giảm nguy cơ tiêu thụ quá nhiều đường và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh.
Khi mua thực phẩm và đồ uống cần đọc kỹ nhãn sản phẩm để kiểm tra lượng đường trong thành phần. Nếu có thể, chọn các sản phẩm có lượng đường thấp hoặc không có đường thêm vào. Lưu ý, đường có khoảng 50 tên gọi khác nhau nên người tiêu dùng có thể tìm đường đã qua chế biến, đường thô, đường nâu, malt dextrose…
Nên sử dụng thay thế tự nhiên cho đường như mật ong, xylitol, hoặc stevia để tạo độ ngọt cho thực phẩm và đồ uống yêu thích. Hoặc bổ sung thức ăn giàu chất xơ giúp kiểm soát đường huyết và giảm cảm giác đói. Thức ăn giàu chất xơ bao gồm rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và quả. Để tránh ăn quá nhiều đường, quan trọng cần kiểm soát khẩu phần ăn và không ăn quá nhiều thức ăn chứa đường trong một lần.
Ngoài ra nên uống nhiều nước vì đây là cách giữ cho cơ thể luôn được cung cấp đủ nước và làm giảm cảm giác đói giữa các bữa ăn. Ăn thực phẩm giàu protein, chất béo lành mạnh và carbohydrate phức tạp để duy trì năng lượng trong thời gian dài và giảm cảm giác đói.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13744:2023 đường bột, dextrose, lactose, fructose và xiro glucose
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho các loại đường được sử dụng trực tiếp mà không cần chế biến tiếp theo, bao gồm các loại đường được bán trực tiếp cho người tiêu dùng và đường được sử dụng như là thành phần trong thực phẩm. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các loại đường mía đã có tiêu chuẩn cụ thể.
Yêu cầu về nguyên liệu sản xuất các loại đường quy định trong tiêu chuẩn này đáp ứng các quy định hiện hành về chất lượng và an toàn thực phẩm (nếu có). Yêu cầu lý - hóa đối với các loại đường quy định trong tiêu chuẩn này.
Danh mục và hàm lượng phụ gia thực phẩm sử dụng cho các loại đường quy định trong tiêu chuẩn này. Mức giới hạn tối đa ô nhiễm kim loại nặng trong các loại đường, mức giới hạn tối đa ô nhiễm độc tố vi nấm phải đáp ứng theo quy định trong tiêu chuẩn này. Sản phẩm phải có khả năng cho phép truy xuất nguồn gốc, phù hợp với quy định hiện hành. Mức giới hạn ô nhiễm vi sinh vật đối với các loại đường chế biến từ ngũ cốc theo quy định hiện hành.
Vân Thảo (T/h)