Thêm thông tin liên quan tới công ty sản xuất gần 600 sản phẩm sữa giả

author 06:28 16/04/2025

(VietQ.vn) - Ngoài sản xuất sữa giả, Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma còn sử dụng nhiều mánh khóe để lừa dối người tiêu dùng như: thuê công ty dịch vụ làm các loại giấy chứng nhận, thuê diễn viên nước ngoài đóng làm chuyên gia nghiên cứu...

Trước đó, toàn soạn Chất lượng Việt Nam đã đăng tải bài viết về việc Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất sữa giả với quy mô lớn, doanh thu gần 500 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group.

Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà và 6 người khác liên quan đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả này. Trong gần 600 loại sữa làm giả gồm sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai...

Để làm rõ những nội dung trên cũng như giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn, tòa soạn tiếp tục đăng tải nhiều bài viết về cách phân biệt sữa thật – giả; điểm tên các nhãn hàng sữa giả; các tiêu chuẩn Việt Nam về sản xuất sữa bột...

Ngoài ra, quá trình tìm hiểu mở rộng về hoạt động của Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma, PV nhận thấy ngoài sản xuất sữa giả, công ty này còn thuê diễn viên đóng là chuyên gia nghiên cứu sản phẩm. Cụ thể, người tên David đến từ Cộng hòa Ireland chỉ là một diễn viên quần chúng nhưng trong video quảng cáo của công ty sản xuất, người này lại trở thành chuyên gia nghiên cứu sản phẩm.

Thậm chí, để người tiêu dùng tin các sản phẩm sữa được sản xuất tại nhà máy đạt chất lượng cao, công ty này còn thuê dịch vụ ngoài “lo” các loại giấy tờ như: Giấy tiêu chuẩn sản phẩm FDA Hoa Kỳ, Giấy chứng nhận sản phẩm môi trường Vương Quốc Anh. Trao đổi về nội dung trên, ông Đặng Trung Kiên, cổ đông góp vốn, Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma cho biết, công ty thuê đơn vị truyền thông bên ngoài quay video, hình ảnh chứ thực tế ông không biết những diễn viên này là ai. Về các loại giấy chứng nhận thì dễ làm, chỉ cần nộp thông tin của công ty sản xuất là có đơn vị dịch vụ lo hết.

Các chuyên gia, chứng nhận mà Công ty Rance Pharma quảng cáo thời gian qua.

Thông qua nội dung trên có thể thấy, vì mục tiêu lợi nhuận, vì tạo nên hào quang mà Công ty Rance Pharma sẵn sàng bất chấp pháp luật, tạo ra vỏ bọc hoàn hảo để lừa dối người tiêu dùng.

Để xử lý nghiêm hoạt động sản xuất sữa giả của Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế thông tin, vụ việc đang trong quá trình điều tra, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an về các vấn đề chuyên môn, nhằm đảm bảo có đủ căn cứ pháp lý xử lý đúng người, đúng tội; truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Cục ATTP, Bộ Y tế thường xuyên phối hợp liên ngành, đặc biệt là với Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương trong xử lý các hành vi liên quan đến thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm...

Về việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm, đại diện Cục ATTP cho biết, quy trình này được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 - quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP. Theo đó, phần lớn sản phẩm thực phẩm được tự công bố, riêng 4 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Việc trao quyền công bố cho doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính nhưng doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về ATTP và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố, cũng như chất lượng, độ an toàn của sản phẩm… Các quy định hiện hành đã gắn rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ điều kiện ATTP, từ sản xuất đến lưu thông sản phẩm.

Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong quản lý các nhóm thực phẩm cụ thể; đồng thời làm rõ vai trò thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...

Cũng theo Cục ATTP, trước vụ việc lực lượng Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lên tới hàng trăm nhãn hiệu, Bộ Y tế đã có động thái khẩn trương nhằm kiểm soát và ngăn chặn tình trạng tương tự trong tương lai. Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long đã ký văn bản gửi Sở Y tế các địa phương yêu cầu rà soát toàn diện hoạt động công bố sản phẩm, điều kiện ATTP cũng như các hồ sơ thanh tra, kiểm tra liên quan đến các công ty trong danh sách nghi vấn.

Bộ Y tế yêu cầu nếu các doanh nghiệp trong đường dây sữa giả từng công bố sản phẩm tại địa phương, phải cung cấp thông tin về số lượng, tên từng sản phẩm, đồng thời rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Các đơn vị chức năng cũng được yêu cầu báo cáo lại hoạt động thanh tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính từ năm 2021 đến nay. Mục tiêu của động thái này là truy rõ trách nhiệm quản lý, xác minh các lỗ hổng trong giám sát hậu kiểm và ngăn chặn nguy cơ hàng giả tiếp tục lọt lưới thị trường.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang