Thị phần cá ngừ Việt Nam tại Chile tăng mạnh nhờ Hiệp định CPTPP

author 07:33 10/07/2022

(VietQ.vn) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam sang Chile đã khởi sắc.

Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng tới XK cá ngừ sang các thị trường thì XK sang Chile vẫn duy trì được sự tăng trưởng. Và XK cá ngừ của Việt Nam sang Chile đã bật tăng liên tục trong 1 số tháng đầu năm 2022.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ sang Chile trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 4 triệu USD, tăng gần 59% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, XK cá ngừ sang thị trường này có những tháng tăng trưởng mạnh lên tới 3 số. Chile hiện đang NK rất nhiều thịt/loin cá ngừ đông lạnh từ Việt Nam, chiếm 87% tổng giá trị.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Chile đã NK tổng cộng hơn 17 nghìn tấn, trị giá hơn 39 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2022, tăng 5% về khối lượng và 22% về giá trị. Ba nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường này là Ecuador, Thái Lan và Việt Nam.

Thị phần cá ngừ Việt Nam tại Chile tăng mạnh nhờ Hiệp định CPTPP

 Thị phần cá ngừ Việt Nam tại Chile tăng mạnh nhờ Hiệp định CPTPP.

Với chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh với các quốc gia Mỹ Latinh, năm nay Ecuador đã thành công trong việc mở rộng hoạt động tại thị trường cá ngừ Chile. Quốc gia Nam Mỹ này đã gia tăng thị phần từ 21% trong 4 tháng đầu năm 2021 lên hơn 42% trong cùng kỳ năm nay. Cùng với Ecuador, Việt Nam cũng đang mở rộng được thị phần tại thị trường này. Trong khi đó, NK cá ngừ từ Thái Lan vào Chile giảm.

Hiệp định CPTPP tiếp tục tạo ra hiệu ứng thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cước vận chuyển đường biển tăng cao như hiện nay, sức cạnh tranh của doanh nghiệp về giá cả và thời gian giao hàng cho nhà nhập khẩu giảm. Điều này dự kiến sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Chile bị kìm hãm.

Trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng cho rằng, hơn 80% nguyên liệu cá ngừ, doanh nghiệp (DN) phải nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có FTA với Việt Nam. Vì vậy, các DN không thể tận dụng được các lợi thế từ FTA để tăng sức cạnh tranh so với các quốc gia xuất khẩu khác.

Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc này của doanh nghiệp hải sản, ngày 24/6/2022, VASEP đã gửi công văn tới Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) kiến nghị một số nội dung về quy tắc xuất xứ trong quá trình thực hiện, áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa (XXHH). Theo VASEP, nếu vấn đề được tháo gỡ sẽ giúp các DN hải sản, đặc biệt là DN cá ngừ có thể tận dụng tối đa được những lợi thế do các FTA mang lại.

Quy tắt xuất xứ trong các FTA yêu cầu nguyên liệu sử dụng cho chế biến, XK phải có xuất xứ thuần túy (tức là nguyên liệu có xuất xứ trong nước) hoặc có xuất xứ nội khối (nguyên liệu có xuất xứ từ các quốc gia thành viên FTA).

Nhưng với nguyên liệu hải sản đánh bắt, đặc biệt là cá ngừ thì hơn 80% phải nhập từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có FTA với Việt Nam. Do đó, các DN XK cá ngừ Việt Nam không thể tận dụng được các lợi thế từ FTA để tăng sức cạnh tranh so với các nước đối thủ khác.

VASEP cho rằng, để giúp các DN cá ngừ có thể tận dụng tối đa được những lợi thế do các FTA mang lại thì cần mở rộng thỏa thuận về quy tắc XXHH theo tiêu chí chuyển đổi mã số HS (CC, CTH). Trong đó cho phép các nước thành viên FTA được sử dụng nguồn nguyên liệu NK bên ngoài khối để sản xuất, XK vào các quốc gia trong các khối FTA theo thuế suất ưu đãi như những sản phẩm có xuất xứ thuần túy hoặc xuất xứ nội khối.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang