Thị trường cá tra: Hồi sinh sau ‘bão’
Chốt đề xuất trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6%
Bộ sản phẩm tóc THIK&FIX phớt lờ các quy định của pháp luật quảng cáo sai công dụng?
Năm 2021, dưới tác động của dịch Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều hộ nuôi cá tra đã không thể thả nuôi theo đúng kế hoạch mùa vụ năm nay. Các ao hầu hết thả nuôi ở mức duy trì, hạn chế cho ăn và rất hiếm cơ sở nuôi thêm.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu cá tra bị ảnh hưởng nhiều mặt bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; giá thức ăn, cước phí vận chuyển quốc tế, giá nhiên liệu tăng kỷ lục trong vài năm gần đây. Riêng giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) dự báo việc thiếu hụt nguyên liệu có thể kéo dài đến hết quý II năm nay. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu ngày càng tăng là yếu tố khiến giá cá tra nguyên liệu bị đẩy cao. Hiện giá cá tra nguyên liệu tăng 25% so với cuối năm 2021, chạm mốc kỷ lục khoảng 32.000 đ/kg. Một số nơi thậm chí có giá cao hơn.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU, tính hết quý I, xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất, hiện chiếm 27% giá trị xuất khẩu thuỷ sản, theo số liệu VASEP. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số.
Điển hình như thị trường Mỹ khi tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm đạt 94,6 triệu USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ tăng, nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội không bị áp thuế chống bán phá giá nên đã đẩy mạnh việc bán hàng sang thị trường này.
Ngoài ra, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông tăng trưởng 240% trong 2 tháng đầu năm, lên mức 86 triệu USD mặc dù bị kiểm soát chặt.
Tại châu Âu, sau ít nhất 2 năm liên tiếp xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm sút, số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường này cũng gia tăng. Tuy nhiên trong năm nay, đã có dấu hiệu doanh nghiệp quay trở lại.
VASEP nhận định thị trường cá tra đang phục hồi sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dự báo quý II năm nay xuất khẩu cá tra tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với những triển vọng sáng của ngành, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tỏ ra lạc quan hơn về kết quả kinh doanh trong năm nay khi đồng loạt nâng mục tiêu doanh thu, lợi nhuận. Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - doanh nghiệp nuôi cá tra cho biết, hiện công suất của các nhà máy đã quay trở lại mức bình thường sau khi giảm mạnh trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đồng thời, hiện tại không có bất kỳ rủi ro nào khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn bởi tỷ lệ phủ vắc xin ở Việt Nam nói chung và các nhà máy nói riêng đều cao. Tuy nhiên, bà Tâm tỏ ra lo ngại trước tình hình thiếu nguyên liệu và giá có thể tăng từ nay đến cuối năm 2022. “Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ năm ngoái kéo dài đến năm nay. Điều này càng đẩy chi phí nuôi cá tăng cao. Từ nay đến cuối năm, giá cá tra sẽ ngày càng cao”, bà Tâm nói.
An Nguyên (t/h)