Thị trường tín chỉ carbon mở ra nhiều cơ hội phát triển xanh và bền vững cho doanh nghiệp

(VietQ.vn) - Mặc dù mới bắt đầu thương mại hóa tín chỉ carbon được vài năm trở lại đây nhưng đến hiện nay, sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Việt đối với lĩnh vực này đã khá sôi động. Và đây chính là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư.
Tín chỉ xe điện - giải pháp giảm ô nhiễm không khí ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon
Trồng lúa chất lượng cao không chỉ dừng lại ở bán tín chỉ carbon
Nhộn nhịp tham gia vào thị trường “bán không khí lấy tiền”
Ô nhiễm không khí luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở các đô thị trên thế giới khi vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống con người. Tham gia vào thị trường tín chỉ Carbon sẽ giúp quốc gia đạt được các mục tiêu giảm phát thải một cách hiệu quả về mặt chi phí.
Đặc biệt sự tham gia của các doanh nghiệp không chỉ góp phần lớn vào công cuộc giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất cho chính các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hóa ở nước ta, xử lý chất thải vẫn là vấn đề tồn đọng, chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến nhiều hệ quả môi trường.
Theo đó việc cam kết Net Zero thúc đẩy nhu cầu giao dịch tín chỉ carbon, tạo ra nguồn tài chính mới giúp huy động vốn cho các dự án xanh. Cơ chế thị trường này khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ phát thải carbon thấp, thúc đẩy tăng trưởng xanh và tạo ra doanh thu từ giao dịch tín chỉ carbon, phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu.
Trên thực tế, dù mới bắt đầu thương mại hóa tín chỉ carbon khoảng 4-5 năm trở lại đây nhưng đến hiện nay, sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Việt đối với lĩnh vực “bán không khí lấy tiền” này đã khá sôi động.

Tham gia vào thị trường tín chỉ carbon giúp doanh nghiệp tăng trưởng xanh, hội nhập quốc tế. Ảnh minh họa
Ở quy mô cấp vùng và cấp ngành, sau thành công của ngành lâm nghiệp khi hoàn tất chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon từ rừng cho Ngân hàng Thế giới (WB) với giá 51,5 triệu USD vào năm 2020 và chương trình khí sinh học của ngành chăn nuôi Việt Nam với 60 triệu USD thu được từ bán tín chỉ carbon (2020-2024), đến nay đã có hơn 300 chương trình, dự án tín chỉ carbon được đăng ký. Trong đó bao gồm 150 dự án với 40,2 triệu tín chỉ carbon đã đăng ký giao dịch trên thị trường quốc tế, hơn 270 dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) được các doanh nghiệp đầu tư với khoảng 29,4 triệu tín chỉ carbon đã được phát hành.
Từ phía doanh nghiệp, theo quan sát, hiện một số tập đoàn lớn như CT Group, Tín Thành đã tiên phong đầu tư các sàn giao dịch tín chỉ carbon và bắt đầu thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong việc đăng ký giao dịch khí thải và các loại tín chỉ carbon. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác như: BSB Nanotech, FPT IS, CTCP Net Zero Carbon, Lasuco… đã bắt đầu triển khai trên thực tế việc thương mại hóa tín chỉ carbon trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, năng lượng sạch.
Trong khi đó, đại diện CTCP Mía đường Lam Sơn (Lasuco) cho hay, hiện doanh nghiệp này đã hợp tác với các đối tác Nhật Bản và 130.000 hộ nông dân trồng mía để phát triển dự án tạo ra tín chỉ carbon ngành mía đường. Theo tính toán, số lượng carbon Lasuco có thể thu được khi mở rộng 8.000 ha vùng nguyên liệu mía sẽ đạt khoảng 480 nghìn tấn.
“Nếu bán giá thấp nhất là 1 USD/1 tín chỉ carbon thì Lasuco cũng có thể thu về khoảng 12 tỷ đồng, bằng 10% lợi nhuận hàng năm. Số tiền này sẽ được chi trả cho nông dân, giúp nâng cao năng suất cây mía và cải thiện đời sống kinh tế”, ông Lê Văn Phương, Tổng Giám đốc Lasuco chia sẻ.
Việt Nam sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon
Tại Việt Nam mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon. Theo đó, từ nay đến tháng 6/2025, Việt Nam sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng kỹ thuật cho giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; từ tháng 6/2025 đến 2028 sẽ triển khai thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước, trước khi chính thức vận hành từ năm 2029. Đề án trên của Chính phủ được ban hành trong bối cảnh thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam bắt đầu ghi nhận có những bước phát triển nhanh và hứa hẹn tạo ra nhiều đột phá trong cả doanh thu và lợi nhuận.
Cụ thể, từ nay đến hết năm 2028, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ xây dựng và thí điểm cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon trong nước. Các loại hàng hóa giao dịch dự kiến bao gồm 2 loại là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon do Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận.
Mỗi hàng hóa sẽ được cấp mã số duy nhất, đảm bảo không trùng lặp. Chủ thể khi tham gia giao dịch sẽ có tài khoản lưu ký. Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) sẽ cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán. Việc thanh toán tự động trên cơ sở kết quả giao dịch do HNX gửi, theo nguyên tắc chuyển giao hàng hóa đồng thời với thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán.
Như vậy, cơ sở pháp lý để triển khai thị trường giao dịch tín chỉ carbon các năm tới đã khá rõ ràng và có lộ trình thí điểm 3 năm trước khi chính thức vận hành trên phạm vi cả nước. Vì thế, hiện là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án tạo ra tín chỉ carbon và đăng ký thương mại hóa trên các sàn giao dịch tập trung và các sàn do doanh nghiệp tư nhân xây dựng và vận hành.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là một thị trường mới và rất phức tạp về kỹ thuật, thiết kế. Để điều hành, thúc đẩy thị trường phát triển, cơ quan quản lý cần có nhiều biện pháp trong đó có việc điều tiết cung - cầu thị trường; có biện pháp để các bên tạo lập thị trường tham gia đầu tư…
Ở góc độ quản lý, TS. Lưu Lê Hường, Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng, với Đề án 232, hệ thống giao dịch phát thải bắt buộc (ETS - áp dụng cho các doanh nghiệp có mức phát thải lớn) sẽ sớm được vận hành.
Tuy nhiên song song với hệ thống này, thị trường carbon tự nguyện (VCM) cũng cần được quan tâm thúc đẩy. Theo đó, cần có sự kết nối giữa hai thị trường với nhau để tạo ra tính linh hoạt và mở rộng cơ hội tài chính khí hậu cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát, đảm bảo tính minh bạch và nhất quán của các tín chỉ carbon.
Trong khi đó về góc độ công nghệ, thời điểm hiện nay, các chuyên gia cũng cho rằng cơ hội đầu tư vào lĩnh vực công nghệ blockchain để mã hóa, token hóa tín chỉ carbon cũng sẽ là “mỏ vàng” để các doanh nghiệp lĩnh vực fintech khai thác và hợp tác đầu tư. Theo đó, các mô hình áp dụng blockchain có thể áp dụng để giúp thị trường giao dịch trở nên minh bạch và dễ quản lý hơn.
Song song với đó, việc mã hóa, chia nhỏ đơn vị tín chỉ carbon cũng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện tham gia nhiều hơn vào thị trường carbon tự nguyện với mức đầu tư phù hợp với điều kiện tài chính.
An Dương (T/h)