Xử lý đối tượng vận chuyển lợn và thịt lợn từ vùng dịch đi tiêu thụ

author 17:27 02/12/2020

(VietQ.vn) - Trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ một chiếc xe ô tô đã bị lực lượng chức năng tỉnh Hòa Bình kiểm tra, phát hiện thịt lợn và lợn sống được vận chuyển từ vùng công bố dịch tả lợn châu Phi.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình cho biết, Đội QLTT số 6 vừa phối hợp với Phòng cảnh sát môi trường (PC 05) - Công an tỉnh Hòa Bình và Chi cục thú y tiến hành kiểm tra xe tải mang biển số 28C 05556 đang vận chuyện hàng hóa nghi có dấu hiệu vi phạm.

Sau khi kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe vận chuyển 3 bao tải chứa thịt động vật, sản phẩm động vật có tổng trọng lượng là 180kg.

Cơ quan chức năng xử lý tang vật thu được. Ảnh:  Cục QLTT Hòa Bình

Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện phía trong các bao tải là thịt lợn và nội tạng. Bên cạnh đó, trên xe còn vận chuyển 5 con lợn còn sống với tổng trọng lượng khoảng 300kg. Toàn bộ số hàng hóa trên thuộc sở hữu của ông Ngần Văn Giáp sinh năm 1996, địa chỉ: Xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình. Đáng lưu ý, số tang vật trên được vận chuyển từ vùng công bố dịch tả lợn châu Phi của tỉnh Hòa Bình mang đi tiêu thụ.

Ngay lập tức, Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 17.500.000 đồng (về hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang đươc công bố ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền) theo quy định tại khoản 5 điều 6 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 30/7/2017 của Chính phủ và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số tang vật theo quy định.

Phát hiện gần 2000 hộp kẹo dẻo không rõ nguồn gốc 'vô chủ'(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT Lào Cai vừa tiến hành kiểm tra và tạm giữ 1.800 hộp kẹo dẻo trẻ em nhập lậu. Điều đáng nói, không ai nhận là chủ lô hàng hóa trên.

Theo tìm hiểu, virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là loại virus gây bệnh sốt xuất huyết. Lợn một khi đã nhiễm virus này thì tỷ lệ tử vong là 100%. Hiện nay vẫn chưa tìm thấy loại vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, rất may mắn là loại virus này không lây nhiễm sang người. Thế nhưng, dịch bệnh gây ra lại gây thiệt hại rất nặng nề đối với ngành chăn nuôi nếu không có biện pháp để kiểm soát.

Đáng chú ý, lợn bị bệnh tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác, chẳng hạn như tai xanh, cúm, sốt thương hàn... Những bệnh này mới chính là tác nhân gây nguy hiểm cho người, bởi khả năng làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt là khi ăn tiết canh, ăn thịt heo nhiễm bệnh nhưng chưa nấu chín kỹ.

Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn gây bệnh trú ngụ trong miệng. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, khi tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Khi nhiễm khuẩn, người bệnh thường xuất hiện dấu hiệu sốt cao, đau đầu, cảm giác buồn nôn, xuất huyết ở một số vị trí trên cơ thể. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn, có thể xuất hiện triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn nữa là viêm màng não.

Cách phòng tránh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả nhất là chủ động vệ sinh nơi ở và môi trường sống, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn côn trùng và loài gặm nhấm, vì chúng có khả năng là nguồn mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Để đảm bảo, cần lựa chọn thịt lợn. Bên cạnh đó, không thực hiện mua bán, vận chuyển, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh, thịt lợn nghi ngờ bị bệnh. Người tiêu dùng nên tìm mua thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng tại địa chỉ uy tín, không sử dụng thức ăn thừa đã qua sử dụng hay thức ăn chưa nấu chín.

An Dương

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang