Vaccine Covid-19 của Mỹ đạt hiệu quả 100% đối với bệnh nhân nặng

author 10:06 02/12/2020

(VietQ.vn) - Theo Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ, vaccine Covid-19 có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa các trường hợp nghiêm trọng.

Báo Lao động dẫn thông tin từ AFP cho biết, Hãng dược phẩm Moderna sẽ yêu cầu FDA xem xét một tập dữ liệu mở rộng cho thấy vaccine có hiệu quả 94,1% trong việc ngăn ngừa Covid-19 và 100% hiệu quả trong việc ngăn ngừa các trường hợp nghiêm trọng.

CNN dẫn lời tiến sĩ Paul Offit, một thành viên ủy ban cố vấn vaccine của FDA, cho biết: “Điều này thật đáng chú ý. Đây là những dữ liệu đáng kinh ngạc”.

Giám đốc y tế của Moderna nói, ông vô cùng xúc động khi nhìn thấy dữ liệu vào tối 29/11. "Đó là lần đầu tiên tôi cho phép mình khóc. Chúng tôi có đầy đủ kỳ vọng sẽ thay đổi tiến trình của đại dịch này”.

Moderna sẽ trở thành công ty thứ 2 nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho FDA đối với vaccine COVID-19. Pfizer đã nộp đơn vào ngày 20/11 với dữ liệu cho thấy hiệu quả cao tương tự. FDA sẽ họp với ủy ban cố vấn của mình vào tháng 12 để xem xét các hồ sơ của Pfizer và Moderna.

Vaccine Covid-19 của Hãng dược Moderna Mỹ cho kết quả 100% đối với bệnh nhân nặng. Ảnh: AFP

Bắt đầu từ tháng 7, Moderna tiêm vaccine hoặc giả dược - một mũi tiêm nước muối không có tác dụng gì - cho khoảng 30.000 người ở Mỹ. Có một sự khác biệt lớn giữa nhóm được chủng ngừa và nhóm được dùng giả dược.

Trong số khoảng 15.000 người đã được chủng ngừa, 11 người bị COVID-19. Số bị bệnh trong khoảng 15.000 người được dùng giả dược là 185 người. Điều đó cho thấy vaccine của Moderna có hiệu quả 94,1%. Không ai trong số 11 người được tiêm vaccine bị bệnh nặng, nhưng 30 trong số 185 người được tiêm giả dược bị bệnh nặng và một trong số họ đã chết.

Zaks cho biết, vaccine này có tỉ lệ hiệu quả tương tự đối với người cao tuổi và những người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.  Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của Pfizer, vaccine đã chứng minh hiệu quả 95% và một người tham gia nghiên cứu được tiêm vaccine đã phát triển thành bệnh COVID-19 nghiêm trọng.

Mặc dù hai loại vaccine này không giống nhau, nhưng cả Pfizer và Moderna đều sử dụng RNA thông tin để tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể người. Vaccine được tiêm hai liều cách nhau vài tuần và có thể gây ra các phản ứng phụ, chẳng hạn như sốt hoặc đau nhức cơ thể trong vài ngày.

FDA dự kiến ​​sẽ họp với Ủy ban Tư vấn về Vaccine và Sinh phẩm Liên quan vào ngày 10.12 để xem xét hồ sơ đăng ký của Pfizer và vào ngày 17/12 để xem xét hồ sơ của Moderna.

Offit, một thành viên của hội đồng, cho biết điều quan trọng là phải xem xét và xem tại sao một số người vẫn bị nhiễm Covid-19 ngay cả khi đã được tiêm phòng.

Nếu FDA cấp phép sử dụng vaccine khẩn cấp và dự kiến ​​là sẽ có trong vòng 1 hoặc 2 ngày, một ủy ban tư vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ sẽ đưa ra khuyến nghị về người nên tiêm phòng trước. Nhóm này có thể sẽ bao gồm nhân viên chăm sóc sức khỏe và cư dân viện dưỡng lão.

Vào cuối năm 2020, Moderna dự kiến ​​sẽ có khoảng 20 triệu liều vaccine ở Mỹ và đang trên đà sản xuất 500 triệu đến 1 tỉ liều trên toàn cầu vào năm tới, theo thông cáo báo chí của công ty hôm 30/11.

Mỹ tuyên bố hiệu quả vượt xa mong đợi của một loại vaccine ngừa Covid-19 (VietQ.vn) - Dựa trên dữ liệu sơ bộ thử nghiệm giai đoạn cuối cùng, hãng dược Moderna tuyên bố vaccine ngừa Covid-19 của mình hiệu quả 94,5%.

Trước đó, Mỹ đã lên kế hoạch cung cấp 6,4 triệu liều vaccine Covid-19 trên toàn quốc trong đợt phân phối ban đầu, sau khi loại vaccine đầu tiên được các cơ quan quản lý phê duyệt sử khẩn cấp.

Các nhà quản lý chương trình vaccine Thần tốc (Warp Speed) của Chính phủ Mỹ tiết lộ trước các phóng viên rằng các tiểu bang và khu vực pháp lý khác đã nhận được thông báo từ ngày 20/11 về số lượng vaccine Covid-19 ước tính sẽ phân bổ trong lô hàng đầu tiên để các địa phương này bắt đầu lập kế hoạch phân phối cho những người có nguy cơ cao.

Trước đó, các quan chức từng dự đoán khoảng 40 triệu liều vaccine Covid-19 sẽ được phân phối vào cuối năm 2020, con số này đã được nhắc lại một lần nữa hôm 24/11.

Hãng Pfizer tuần vừa qua đã đệ trình đơn xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp đầu tiên ở Mỹ cho vaccine Covid-19 của họ, sau khi công bố dữ liệu cho thấy vaccine này cho hiệu quả lên tới 95% trong một thử nghiệm giai đoạn III quy mô lớn.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến ​​sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc phê duyệt sử sụng khẩn cấp sau khi triệu tập một ủy ban tham vấn ý kiến chuyên gia để thảo luận về vaccine COVID-19 vào ngày 10/12.

Liên quan tới tình hình dịch Covid-19, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 64.116.440 ca, trong đó có 1.484.815 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 44.324.715 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 18.306.236 ca và 105.798 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 1/12, thế giới có tới 143 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 2/12 Việt Nam ghi nhận 1.351 ca nhiễm, 35 ca tử vong và số ca bình phục là 1.179. Chiều 30/11, sau khi nhận thông tin có ca dương tính lây nhiễm từ người cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS Nguyễn Thanh Long đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan, kết nối đầu cầu Sở Y tế TP HCM, để chỉ đạo triển khai khẩn cấp tất cả biện pháp phòng chống dịch nhằm khoanh vùng và kiểm soát lây nhiễm với trường hợp này. Liên quan tới vaccine, được biết, đến cuối năm 2021, đầu 2022 Việt Nam mới có thể sản xuất được vaccine phòng Covid-19.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang