Những chất độc hại tiềm ẩn trong quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 05:59 16/10/2022

(VietQ.vn) - Trong quá trình kiểm tra tình hình kinh doanh, lực lượng QLTT đã phát hiện hàng loạt sản phẩm quần áo trẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ, các sản phẩm này hàm chứa các chất nguy hại sức khỏe.

Quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc tràn lan 

Hiện nay quần áo trẻ em là một lĩnh vực kinh doanh tuy không mới mẻ nhưng lại khá Hot. Bởi độ tuổi trẻ em dưới 15 tuổi chiếm thị phần lớn, nên quần áo trẻ em chính là thị trường tuy cạnh tranh nhưng lại khá "béo bở" cho những con buôn trong lĩnh vực này.

Mặc dù có rất nhiều hàng ngoại xong quần áo trẻ em Việt Nam vẫn ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước. Lòng tin của người tiêu dùng đang hướng về thị trường nước nhà. Những năm gần đây các doanh nghiệp may mặc lớn của Việt Nam đã chú trọng vào thị trường thời trang trẻ em, chính thức quay trở về sân nhà và chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay cạnh tranh lớn nhất với hàng Việt Nam không phải là từ các mặt hàng thương hiệu nổi tiếng mà là từ hàng Trung Quốc với rất nhiều mẫu mã đa dạng. Để sở hữu bộ quần áo vừa thời trang, màu sắc bắt mắt các bậc phụ huynh chỉ cần bỏ ra từ 50.000 – 100.000 đồng cho chiếc áo khoác, quần dao động từ 60.000 – 80.000 đồng tùy độ tuổi. Nhiều bộ đồ mùa hè dành cho trẻ em, người mua chỉ cần bỏ ra từ 30.000 – 50.000 đồng là có ngay bộ đồ mới cho bé. Chưa kể tới những loại quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, kém chất lượng hoành hành tại các tỉnh biên giới.

 Cẩn trọng khi lựa chọn quần áo cho trẻ, tránh hàng không rõ nguồn gốc vì tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại. Ảnh: Cục QLTT Thái Nguyên

Thực tế, đã không ít lần lực lượng chức năng các tỉnh phát hiện và thu giữ lượng lớn quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cụ thể, theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định, Đội QLTT số 1 vừa phối hợp với Công an Thị trấn Mỹ Lộc tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính một cơ sở kinh doanh quần áo có hành vi kinh doanh mặt hàng quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo tại địa chỉ: Tổ dân phố Trung Quyên, thị trấn Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh quần áo trẻ em đang trưng bày để bán gần 1.300 sản phẩm quần áo trẻ em các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Qua quá trình xác minh, làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ và các tài liệu kèm theo hàng hóa theo quy định của số hàng hóa trên.

Tương tự, trước đó Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo trẻ em do ông Mai Quyết Thắng (trú tại tổ 18, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) làm chủ. Lực lượng chức năng ghi nhận tại địa điểm kinh doanh này chứa 2.000 bộ quần áo trẻ em, không thể hiện địa chỉ sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, ông Mai Quyết Thắng không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh cũng như hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.

Quần áo trẻ em không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại nào?

Theo lực lượng chức năng, hiện nay, trên thị trường nội địa không khó để tìm mua một bộ quần áo trẻ em với giá chỉ từ vài chục nghìn đồng. Từ chợ đầu mối, chợ cóc, vỉa hè, xe đẩy bán rong hay thậm chí là các cửa hàng thời trang, bạn có thể dễ dàng tìm mua một bộ quần áo cho con, với đầy đủ mẫu mã, đa dạng về chủng loại, màu sắc và kích cỡ. Tuy nhiên đa phần những loại quần áo này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Theo các chuyên gia từ Viện Công nghệ hóa học (TP.HCM), trong quần áo nhập lậu từ biến giới có loại chứa hợp chất Aronmatic (thuộc nhóm aronmatic amin thơm) sử dụng trong công đoạn nhuộm quần áo, có thể dễ dàng thâm nhập vào quần áo, gây kích ứng da, mẩn ngứa, dị ứng, viêm nhiễm, và có thể gây ung thư.

Hợp chất Aronmatic này đã bị cấm từ lâu. Độc chất này chỉ gây hại đối với quần áo mới, chưa qua giặt, nhất là trẻ em khi mặc hay cho vào miệng gây nhiễm độc. Nhưng khi đã giặt nhiều lần sẽ không ảnh hưởng gì.

Có loại quần áo chứa độc chất formol được phun vào quần áo, vải để diệt khuẩn khi tiếp xúc vào cơ thể (đặc biệt trẻ em) ở nồng độ thấp có thể gây dị ứng, mẩm ngứa với người mẫn cảm, gây phồng rộp giác mạc, kích ứng mũi họng gây chảy nước mắt, hắt xì. Nếu quần áo chứa lượng formol nồng độ cao có thể gây cảm giác buồn nôn, khó thở rất nguy hiểm.

Theo TS. Trần Hồng Côn - Nguyên Giảng viên Khoa Hoá, Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội, chất formol có trong quần áo nguy hại đến sức khỏe con người, nhưng bay hơi được trong không khí và dễ tan trong nước. Để phòng tránh, khi mua quần áo về không nên mặc ngay. Hãy giặt qua nước vài lần để tan hết lượng độc chất dính trong quần áo rồi mới được mặc.

Còn nói tới quần áo trẻ em từ Trung Quốc, trước đó Tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á đã công bố, hàng may mặc trẻ em sản xuất tại Trung Quốc có chứa chất  NPE gây rối loạn hormone và hóa chất độc hại đối với hệ sinh sản. 

Kết luận trên được Tổ chức Hòa bình Xanh đưa ra sau khi tiến hành xét nghiệm 85 mặt hàng may mặc trẻ em tại hai thành phố sản xuất quần áo trẻ em nhiều nhất Trung Quốc là thành phố Trị Lý ở tỉnh Chiết Giang và thành phố Thạch Sư ở tỉnh Phúc Kiến mà tổ chức này đã thu gom từ tháng 6/2013-10/2013.

Còn theo chuyên gia từ Viện Khoa học- Công nghệ Việt Nam, NPE là hợp chất hữu cơ tổng hợp, được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất nhựa, sơn, công nghiệp giấy, dệt… Ngoài ra, NPE còn được sử dụng để sản xuất chất tẩy rửa trong công nghiệp. Nhưng do tính chất độc hại của NPE mà nhiều nước đang giảm sử dụng chất này.

NPE có thể làm cho các sinh vật ngớ ngẩn hoặc mất tỉnh táo, có thể bao phủ các sinh vật với màng mỏng như bong bóng xà phòng, ngăn cản sự dịch chuyển và cuối cùng nó có thể phá vỡ các hormone chức năng trong cơ thể sống và phá hủy tuyến nội tiết. Sau khi thải ra môi trường, NPE phân rã thành các chất độc hại, có thể lây nhiễm vào thực phẩm và gây rối loạn khả năng sinh sản, tăng trưởng”.

TS Trần Hồng Côn cũng phân tích, nếu quần áo nhiễm NPE thì có thể thẩm thấu qua da và tác động đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nhiễm liều lượng bao nhiêu thì sức khỏe bị suy giảm thì chưa có khuyến cáo. Nếu ngậm, mút, ăn các loại vải có chứa chất NPE thì khá nguy hiểm vì NPE có thể thôi nhiễm ra nước bọt và ngấm vào cơ thể. Đối với trẻ em thường nghịch ngợm, da mỏng, sức đề kháng kém, nếu quần áo, vải vóc có chất độc thì rất nguy hiểm.

Bệnh viện Da liễu T.Ư cũng cho biết, bệnh viện tiếp nhận không ít bệnh nhân trong đó có không ít trẻ em đến khám với các hiện tượng mẩn ngứa, dị ứng quần áo. Đa số các ca dị ứng này là do các thành phần có trong quần áo như thuốc nhuộm, nylon, các vật khóa móc có niken. Các quần áo có màu sắc lòe loẹt, thuốc nhuộm không đảm bảo, nhiều phụ kiện, nylon đều có khả năng gây dị ứng rất lớn, nhất là trẻ em có làn da mỏng manh.

Liên quan tới quần áo trẻ em chứa hóa chất, mới đây các nhà khoa học tại Mỹ đã phát hiện ra chất PFAs trong những loại đồng phục học sinh chống vết bẩn từ 9 thương hiệu ở Mỹ và Canada.

Nghiên cứu từ Đại học Notre Dame cho thấy hơn 1/3 số quần áo trẻ em tham gia thử nghiệm có chứa PFAs - chất hóa học có thể gây ung thư. Theo đó các loại chất này được gọi là Per và Polyfluoroalkyl (PFAs). Đây là loại hóa chất vĩnh viễn mới nổi, thường được sử dụng trong bọt chữa cháy, bề mặt chống dính hoặc chống ố và bao bì thực phẩm. Như vậy, một số lượng đáng báo động trẻ em đang phải tiếp xúc với các hóa chất này mỗi ngày. Khoảng 25% trẻ em Mỹ mặc đồng phục đi học, khoảng một phần 5 số trường tại nước này yêu cầu mặc đồng phục.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, PFAs cũng được ghi nhận trong áo mưa, áo tuyết, giày đi tuyết, găng tay, yếm, mũ, vỏ xe đẩy và 65% các loại đồng phục học sinh nói chung. Hóa chất xuất hiện nhiều trong những trang phục 100% cotton, cotton spandex và cotton polyester. PFAs cũng là thành phần phổ biến trong nhiều đồ gia dụng, mỹ phẩm, đồ chống thấm.

Trước thực trạng trên, để phân biệt được quần áo có chứa hóa chất hay không TS. Trần Hồng Côn cho rằng, cha mẹ cần đặc biệt tinh ý khi lựa chọn quần áo cho con trẻ. Đối với quần áo có độc chất formol phun vào quần áo để diệt khuẩn, nấm mốc sẽ có mùi khó ngửi, hăng như mùi tương hạt cải, rất dễ nhận ra. Quần áo có chất làm sáng dạ quang, hay in màu sặc sỡ rất bắt mắt.

Khi mua quần áo trẻ em nên chọn màu nhạt, không có chất làm sáng dạ quang, màu sắc sặc sỡ. Nên mua quần áo được sản xuất tại Việt Nam (có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ghi đầy đủ thành phần nguyên liệu). Giá cả phù hợp, sản phẩm chất lượng, bền đẹp,...

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang