Thu giữ 2.000 cái xúc xích có dấu hiệu nhập lậu tại Hà Nội

author 21:01 12/04/2024

(VietQ.vn) - Qua công tác nắm bắt địa bàn, Đội Quản lý thị trường (QLLTT) số 7, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và thu giữ 10 thùng carton nhãn chữ nước ngoài, bên trong mỗi thùng là 20 gói xúc xích, loại 10 chiếc/gói… không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT TP.Hà Nội, qua công tác nắm bắt địa bàn, Đội QLTT số 7 đã phát hiện và tiến hành khám hàng hóa có dấu hiệu là thực phẩm nhập lậu được tập kết tại khu vực số 01 Km12 đường Ngọc Hồi, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 10 thùng carton nhãn chữ nước ngoài, bên trong mỗi thùng là 20 gói xúc xích, loại 10 chiếc/ gói, trọng lượng 60g/chiếc, ngày sản xuất 18.03.2024, hạn sử dụng 01 năm kể từ ngày sản xuất.

Toàn bộ 2.000 cái xúc xích nêu trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp, do ông T. Đ. T, địa chỉ thường trú tại: Tổ 7 Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái làm chủ sở hữu. Đội QLTT số 7 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh và xử lý theo quy định.

 Toàn bộ hàng hóa vi phạm kèm nhãn mác Trung Quốc.

Xúc xích không rõ nguồn gốc gây nguy hiểm tới sức khỏe người sử dụng

Nhắc tới xúc xích không rõ nguồn gốc, theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), sản phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Xúc xích không rõ nguồn gốc thường có màu đỏ tươi bắt mắt, màu sắc khác lạ hoàn toàn so với xúc xích thông thường. Các chất bảo quản sử dụng phổ biến trong xúc xích là kali sorbate và nitrit hay còn gọi là săm-pết. Công dụng là vừa bảo quản vừa làm tươi, đỏ màu xúc xích. Nếu sử dụng quá liều sẽ phản ứng với axit amin trong thịt tạo ra samin - một chất gây ung thư.

Chưa kể, để có màu đỏ đẹp mắt sẽ phải sử dụng tới lượng phẩm màu nhất định. Tất nhiên, việc sử dụng phẩm màu trong chế biến thực phẩm là được phép nhưng với những loại xúc xích không rõ nguồn gốc sẽ rất khó kiểm soát liều lượng. Nếu vượt qua liều lượng phẩm màu cho phép, ăn xúc xích thường xuyên sẽ có nguy cơ ung thư. Đặc biệt với trẻ nhỏ, ăn nhiều xúc xích có nguy cơ rối loạn tiêu hóa, rối loạn hệ thần kinh...

Cũng theo chuyên gia này, rất nhiều xúc xích được bán rong ngoài vỉa hè, đường phố có nguồn gốc không rõ ràng, nguy cơ chế biến từ thịt ôi thiu trong cơ sở tư nhân thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm. Lượng dầu mỡ chiên rán xúc xích cũng chưa chắc đảm bảo khi được chiên rán nhiều lần. Nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng từ dầu mỡ rán xúc xích cũng là nguyên nhân dẫn đến ung thư mà chúng ta không thể lường hết.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn mác ghi đủ thông tin chính liên quan đến sản phẩm gồm: Tên hàng hóa, tên và địa chỉ tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản… để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay có những nhóm tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm như giới hạn đối với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, độc tố sinh học, vi sinh vật, phụ gia thực phẩm… Các tiêu chuẩn cùng với quy định và quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm là yếu tố cần thiết để đảm bảo thực phẩm an toàn tại tất cả các điểm dọc theo chuỗi cung ứng, cả trong nước và quốc tế.

Trên các sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng có thể nhận thấy tiêu chuẩn được in trên bao bì như HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu) hay ISO 22000 (Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm- Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm).

Theo thống kê đã có hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 và HACCP. Điều này giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kiểm soát tốt các mối nguy về an toàn thực phẩm, từ đó mang lại lợi ích đối với cả người tiêu dùng cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý.

Tháng 4/2023, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 về vệ sinh thực phẩm đã được ban hành. Đây là phiên bản thứ tư được biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn Codex CXC (năm 2020) và thay thế TCVN 5603:2008.

Tiêu chuẩn quốc gia vừa được công bố bổ sung một số nội dung như quy định về cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc áp dụng HACCP, quy định về cải tiến liên tục khiến tiêu chuẩn này tiến gần hơn với các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn này còn yêu cầu nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm cho nhân viên tại cơ sở sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 cũng bổ sung yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quy định kiểm soát mối nguy về chất gây dị ứng…..

 Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang