Xử lý và buộc tiêu hủy lượng lớn thuốc tân dược không được phép lưu hành

author 14:49 23/08/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn vừa kịp thời bắt giữ số lượng lớn sản phẩm thuốc tân dược không được phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT)  tỉnh Lạng Sơn, mới đây Đội QLTT số 6 chủ trì vừa phối hợp Đội 3 Phòng PC03 Công an tỉnh Lạng Sơn tổ chức Khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô khách loại 16 chỗ biển kiểm soát 29B-159.57 tại địa bàn thôn Yên Thành, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Tại thời điểm khám phương tiện, phát hiện trong khoang chở khách của xe ô tô có cất giấu 950 đơn vị sản phẩm thuốc bôi trị ngứa được sản xuất ngoài Việt Nam, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, chưa được kiểm định chất lượng của cơ quan y tế và không nằm trong danh mục thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam.

Qua kết quả thẩm tra, xác minh thông tin với các tổ chức, cá nhân liên quan vụ việc, xác định ông Nguyễn Trọng Đường sinh năm 1969, thường trú tại khối 5, phường Hoàng Văn Thụ, TPLS, tỉnh Lạng Sơn là người trực tiếp lái xe và cũng là chủ sở hữu của số thuốc trị ngứa đang được vận chuyển đi tiêu thụ. Số Thuốc này được cá nhân ông Nguyễn Trọng Đường mua trôi nổi trên thị trường tại Hà Nội với mục đích mang về Lạng Sơn bán cho người tiêu dùng kiếm lời.

 Thuốc bôi trị ngứa trôi nổi bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Đội QLTT số 6 đã lập Biên bản vi phạm hành chính và xử phạt ông Nguyễn Trọng Đường về hành vi Kinh doanh hàng hóa nhập lậu với mức phạt 10.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc ông Nguyễn Trọng Đường tiêu hủy toàn bộ số thuốc nhập lậu không đảm bảo an toàn sử dụng có tổng trị giá 19.000.000 đồng theo quy định của pháp luật.

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, hàng ngày lượng lớn thuốc tân dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc xuất xứ được vận chuyển trót lọt vào Việt Nam tiêu thụ. Điều này sẽ gây ra nhiều nguy cơ cho người sử dụng vì mua phải dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng.

Theo cơ quan chức năng có đến hơn 80% lượng thuốc tân dược liệu đang lưu hành trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) và tỉ lệ dược liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng rất thấp. Thuốc tân dược giả, liệu kém chất lượng cũng được “lách luật” đưa vào thị trường nước ta dưới dạng nhập khẩu nông sản hoặc được nhập lậu tại các vùng biên giới nên việc kiểm soát chất lượng gặp rất nhiều khó khăn.

Còn theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, nếu sử dụng phải thuốc tân dược không rõ nguồn gốc không những không mang lại hiệu quả điều trị mong muốn mà có thể gây hậu quả khôn lường, cho người sử dụng như gây dị ứng, ngộ độc cấp, mạn tính, suy gan, thận, đặc biệt là đối với trẻ em từ 0-5 tuổi. Điều này dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, một vài trường hợp đã tử vong do biến chứng suy gan, thận trước khi tử vong do bệnh lí.

Trong số đó, tổn thương gan và thận là hai loại tác dụng phụ được khuyến cáo nhiều nhất. Các chất độc có trong thuốc tân dược có thể gây ra ngộ độc cấp tính hoặc tích lũy dần dần trong cơ thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp ngộ độc kim loại nặng đã được ghi nhận sau khi sử dụng dược liệu kể cả ở người lớn lẫn trẻ em.

5 tiêu chuẩn trong ngành Dược

Mỗi lĩnh vực hoạt động đều có các tiêu chuẩn nhất định được đề ra và ngành Dược cũng không ngoại lệ. Nếu bạn là người quan tâm đến ngành này thì chắc chắn cần am hiểu kỹ càng 5 tiêu chuẩn trong ngành Dược gồm: GMP – GLP – GSP – GDP – GPP. 

Tiêu chuẩn quốc tế GMP

Tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices) hay còn gọi là tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt, thường được áp dụng trong việc quản lý sản xuất các ngành như: Thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm,… để làm ra các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất và an toàn cho người tiêu dùng.

Vai trò của tiêu chuẩn GMP: Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm, bao gồm: cơ sở hạ tầng (nhà xưởng), trang thiết bị máy móc, quy trình chế biến, bảo quản và cả người lao động tham gia vào quá trình sản xuất.

Lợi ích: Đảm bảo an toàn thực phẩm và tạo ra phương thức quản lý chất lượng; đáp ứng cam kết trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn; tạo sự tín nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng;…

Tiêu chuẩn quốc tế GLP

Tiêu chuẩn GLP (Good Laboratory Practice) hay còn gọi là tiêu chuẩn hệ thống an toàn phòng thí nghiệm. Tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo chất lượng phòng thí nghiệm và kiểm tra được chất lượng của sản phẩm dựa trên quy trình hệ thống đã được hoạch định sẵn.

Tiêu chuẩn quốc tế GSP

Tiêu chuẩn GSP (Good Storage Practices) hay còn gọi là tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc. Tiêu chuẩn này đưa ra các quy định, nguyên tắc và hướng dẫn bảo quản thuốc từ khâu sản xuất, vận chuyển và phân phối đến tay người tiêu dùng. GSP được áp dụng đối với các nhà xuất khẩu, sản xuất và tồn trữ thuốc.

Tiêu chuẩn quốc tế GPP

Tiêu chuẩn GPP (Good Pharmacy Practices) hay còn gọi là tiêu chuẩn thực hành tốt quản lý nhà thuốc. Tiêu chuẩn này yêu cầu đáp ứng đầy đủ về trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp trong suốt quá trình hành nghề. Các nhà thuốc cần đáp ứng tiêu chuẩn GPP để đảm bảo việc cung cấp thuốc đúng, an toàn và chất lượng.

Tiêu chuẩn quốc tế GDP

Tiêu chuẩn GDP (Good Distribution Practices) hay còn gọi là tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng toàn diện của thuốc trong quá trình vận chuyển, phân phối đến người tiêu dùng.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang