Thứ trưởng Bộ Công an trả lời nhiều vấn đề nóng của xã hội

author 11:48 28/08/2012

(VietQ.vn) - Sáng nay (28/8), Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an trả lời nhiều vấn đề dư luận quan tâm trong đó có vụ bầu Kiên.

Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm khủng bố hiện nay, đặc biệt từ đầu năm đến nay ở nước ta đã có một số đối tượng xấu đặt mìn ở nhà lãnh đạo trong ngành Công an, lãnh đạo Bộ Công an đưa ra nhận định nào và đưa ra phương án nào tăng cường công tác chống khủng bố, ngăn ngừa tội phạm này?

Trong tình hình hiện nay, tình hình khủng bố quốc tế diễn ra phức tạp ở hầu hết các châu lục. Theo số liệu chúng tôi nắm được, từ năm 2011 đã có trên 5000 vụ khủng bố làm 86 nghìn người bị thương. Để đối phó với tình hình này, hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ban hành luật và triển khai hoạt động chống khủng bố, hợp tác chống khủng bố. Các nước xung quanh ta có Thái Lan, Inđônêxia cũng đã xảy ra khủng bố. Ở nước ta chưa có các vụ này nhưng có vụ việc mang tính quốc tế.
 
Thứ nhất, một số đối tượng từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam mang vũ khí, mang mìn với mục đích phá hoại.  Bộ Công an đã theo dõi và bắt giữ xử lý 4 vụ, 48 đối tượng này.
 
Thứ hai, việc tung các tin nhắn các đối tượng khủng bố như các chuyến bay đã phải hoãn vì có đe dọa ném bom. Thứ ba, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ khí tự tạo, trong 10 năm nay chúng tôi đã phát hiện gần 200 vụ trả thù cá nhân. Một số vụ đang trong quá trình điều tra chưa có kết luận cụ thể.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an
 
Về vụ đặt mìn tại nhà Giám đốc công an Khánh Hòa rõ ràng là vụ trả thù cá nhân. Do đối tượng là một giám đốc doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn vì tư thù đã gây ra hành động đó. Một số vụ khác chúng tôi cũng đang điều tra làm rõ.
 
Nói như vậy để thấy ở nước ta chưa có vụ nào xảy ra mang tính quốc tế nhưng nguy cơ về khủng bố vẫn phải đặt ra để chủ động phòng ngừa đối phó.
 
Cho đến nay Bộ luật hình sự của nước CHXHCN Việt Nam có 3 điều: Điều 84, Điều 230A, điều 230B về phòng chống tội khủng bố. Tính đến thời điểm này chúng ta cũng đã ký 6 điều ước quốc tế liên quan đến điều luật khủng bố. Nếu ai vi phạm những điều ước trên gọi là tội phạm khủng bố. Vì thế, lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an cũng rất quan tâm đến công tác chống khủng bố.
 
Bộ Công an cùng các cấp ngành địa phương cũng đang tổ chức diễn tập các phương án diễn tập khủng bố. Nguy cơ khủng bố đối với Việt Nam không thể ngoại trừ nên chúng ta phải có những chủ động phòng chống hiệu quả.

Trong một số văn bản có ghi thuật ngữ tội phạm xã hội đen, xin Thượng tướng cho biết, “xã hội đen” là như thế nào? Ở Việt Nam đã có hay chưa? Gần đây đã xuất hiện  hiện tượng dùng vũ khí nóng, đó có phải là “xã hội đen không?
 
 “Xã hội đen” ám chỉ hoạt động của tội phạm có tổ chức nhưng manh động, ngang ngược, nguy hiểm. Thực tế luật lệ không ai gọi như vậy, đây là thuật ngữ chủ yếu dùng trong cách gọi của xã hội, trong quá trình công tác của ngành Công an chúng tôi đặc biệt tập trung vào loại tội phạm này, đã và đang rà soát lại các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, manh động.
 
Trong thực tế, có nhiều vụ án như thế này như: Năm Cam, Khánh Trắng, Phúc Bồ…Hiện chúng tôi đang yêu cầu các địa phương rà soát lại loại hình tội phạm này để tập trung triệt phá.
 
Thưa Thượng tướng, vi phạm trong lực lượng CAND hàng năm là 1%, con số cụ thể đó là bao nhiêu?
 
Tỷ lệ 1% vi phạm trong lực lượng là mục tiêu tối đa của chúng tôi, tuy nhiêu, nếu tỷ lệ đó càng thấp thì càng tốt. Đơn cử như năm 2011 vừa qua, tỷ lệ đó chỉ chiếm  0.3%, còn con số cụ thể hàng năm có thay đổi, có năm 0,2%, có năm 0,3%, cao nhất có năm 0,5%. Mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là tỷ lệ vi phạm kỷ luật hàng năm dưới 1% trên tổng số cán bộ công chức toàn ngành.
 
 Trong thực tế, lực lượng nào cũng vậy, có tốt, có xấu, có người vi phạm, nhưng chỉ 1 người vi phạm sẽ làm ảnh hưởng đến toàn ngành. Quan điểm của chúng tôi là đã vi phạm thì phải xử lý và xử lý thật nghiêm. Đơn cử như vừa qua ở Thanh Hóa, cán bộ cảnh CSGT nhận hối lộ 5 triệu đồng cũng đã bị khởi tố, đồng thời đồng chí lãnh đạo bị kỷ luật, đồng chí Trưởng phòng cũng đã bị điều chuyển công tác.

Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ tham nhũng nghiêm trọng, hầu hết là do người dân tố cáo. Hiện nay, Bộ Công an có những biện pháp gì để bảo vệ người tố cáo và khuyến khích tố cáo tội phạm?
 
Có thể nói tham nhũng là loại tội phạm được nhân dân chú ý, quan tâm. BCĐ Trung ương về Phòng chống tham nhũng duy trì đều các hoạt động, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo luôn chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, đặc biệt là đối với các vụ án lớn. Thực tế, trong những năm qua, chúng ta đã khám phá và xử lý rất nhiều vụ tham nhũng. Nhiều người chưa có thông tin để đánh giá đúng tình hình, nên cho là chúng ta xử lý được ít vụ tham nhũng. Thực tế số vụ tham nhũng bị phát hiện rất lớn. Ngay cả các địa phương cũng đang tập trung khám phá các vụ tham nhũng. Vừa qua, nhiều vụ bị phát hiện, xử lý: Vụ Vinashin, Vinalines...
 
 Phải nhìn nhận khách quan, cả phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng chúng ta đều làm có kết quả. Tuy nhiên, so với đòi hỏi của nhân dân là chưa đáp ứng được.
 
Sắp tới, Ban Chỉ đạo có thể có sự thay đổi,  sửa luật PCTN để phát huy hiệu quả PCTN trong toàn dân. Trong ngành công an, Đảng ủy CA Trung ương và lãnh đạo Bộ rất quan tâm công tác PCTN, có lực lượng chuyên trách đấu tranh PCTN trong ngành. Lực lượng này đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo toàn ngành làm một số việc sau:
 
 Công an các địa phương rà lại các vụ án tham nhũng trong thời gian qua, thúc đẩy làm kiên quyết các vụ còn tồn tại và đang làm để kết thúc trong thời gian sớm. Đây là việc làm rất cần thiết.
 
 Tăng cường công tác nắm tình hình. Đúng là có thực tế từ trước đến nay, chống tham nhũng được phát hiện chủ yếu qua đơn thư, báo chí, còn từ công tác đấu tranh phòng ngừa, từ chi bộ, từ phê bình và tự phê bình thì còn ít. Cần tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa, nắm tình hình, nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm, tiếp tục làm để xử lý tham nhũng.
 
Phối hợp chặt chẽ với các ngành. Một vụ việc xảy ra sẽ liên quan đến nhiều ngành, nếu trong từng vụ việc cụ thể có ý kiến khác nhau sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết, xử lý. Chúng tôi cùng nội chính, toà án, tư pháp phối hợp chặt chẽ trong xử lý các vụ việc. Đã phát hiện phải nhanh chóng điều tra, đưa ra xét xử. Các biện pháp phòng ngừa khác như kê khai tài sản… do các cơ quan thanh tra làm.

Hiện nay nhiều ô tô công vi phạm Luật giao thông, trong đó có nhiều xe biển 80B, quan điểm xử lý của Bộ Công an như thế nào?
 
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu: Quan điểm của Bộ Công an là ai vi phạm, xe nào vi phạm đều xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ xe mang biển 80B, 80A, 31B hay là các loại xe công.
 
Đối với trường hợp ưu tiên thì rõ ràng đã có xe dẫn đường và lực lượng công an bảo vệ, còn tất cả các xe lưu thông đều phải chấp hành theo đúng pháp luật, ai vi phạm đến đâu, xử lý đến đó.
 
Có bao giờ đồng chí Thứ trưởng Thường trực đi “vi hành” hay không? Và nếu gặp CSGT vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào?
 
Tôi thường xuyên đi công tác. Trên đường, tôi cũng như các đồng chí lãnh đạo Bộ khác cũng thế, thường xuyên để ý, theo dõi CSGT, nếu có vụ việc gì phức tạp, chúng tôi sẽ dừng lại, cùng công an các tỉnh xử lý, giải quyết.
 
Ví dụ, một lần về Nam Định, trên đường đi, một CSGT không biết xe tôi, tuýt còi dừng xe kiểm tra. Tôi dừng lại, hỏi: “ Xe có vi phạm gì mà dừng lại kiểm tra?”.
 
 Đồng chí CSGT đó trả lời: “Chúng tôi làm nhiệm vụ thường xuyên, nếu thấy cần thiết thì dừng xe lại kiểm tra”. Tôi cho đó là việc làm đúng, và khẳng định: “Đây là việc làm đúng, các đồng chí cần phát huy tinh thần trách nhiệm, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông”.
 
Không riêng tôi, các đồng chí lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục, Vụ, nếu đang đi trên đường, phát hiện có tiêu cực, vi phạm trong trật tự ATGT, sẽ dừng lại xử lý.
 
Hiện cơ quan điều tra bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Nếu trong quá trình điều tra, phát hiện sai phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì Bộ Công an có công khai xét xử?
 
Vụ án Nguyễn Đức Kiên đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cung cấp nội dung cụ thể. Nhưng theo nguyên tắc, căn cứ vào mức độ vi phạm, tội đến đâu xử đến đó theo đúng pháp luật. Chúng tôi  không chịu bất cứ một sức ép nào. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực điều tra, xử lý và khi nào tòa xử công khai thì toàn dân sẽ nắm được.
 
Phùng Gia (lược ghi )
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang